SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ LÀNG THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VEN SÔNG GIANH
2.1.3.2. Sự ra đời và phát triển của nghề nón
Nón Thổ Ngọa có từ bao giờ, ông Tổ nghề nón là ai, vẫn chưa có tài liệu thành văn nào xác minh. Chỉ câu chuyện truyền miệng như sau:
Dân làng Thổ Ngọa lúc mới thành lập rất đói khổ vì nghề nông chưa phát triển, nghề phụ không có. Một người trong làng thấy dân sống cực khổ, ruộng vườn ít, không đảm bảo đời sống nên đã đi khắp đây đó – ra bắc vào nam tìm nghề lập nghiệp, ông có ý định đi học nghề làm nón lá để truyền lại cho dân có nghề sinh sống. Lúc này chỉ ở Huế mới có nghề làm nón lá. Sau bao ngày đi bộ, trèo đèo lội suối ông mới vào đến Huế. Nhưng khi đến xin học nghề làm nón, ông bị từ chối vì người ta muốn giữ độc quyền nghề làm nón, không muốn truyền đi một nơi khác. Vì muốn giữ bí quyết nghề nghiệp, nên khi làm nón người ta đóng cửa lại, không cho người lạ đến xem và chủ yếu họ làm vào ban đêm.
Trước cảnh tình đó, ông người Thổ Ngọa bèn nghĩ cách ăn cắp nghề. Ban đêm ông trèo lên mái nhà người làm nón, bóc tranh lợp và nhìn trộm cách làm các công đoạn của nghề như vót vành, ủi lá, lợp nón, làm nón, cặp nón…Vất vả như thế trong thời gian dài, ông đã nhập tâm được cách làm nón.
Về làng, ông làm được nón và truyền lại cho dân. Từ đó xã Thổ Ngọa mới có nghề làm nón và dần dần lan sang các làng khác như Phan Long, Thọ Đơn, Kẻ Hạ, Cao Lao, La Hà… Làng Thổ Ngọa là gốc nghề nón nên nón bao giờ cũng đẹp hơn các nơi khác (chỉ thua nón Huế phần nào). Đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, nón lá Thổ Ngọa đã xâm nhập thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, chiếm được tình cảm đặc biệt của người tiêu dùng.
Ở vùng hai Huyện có một câu hò khoan:
Nón Thổ Ngọa đưa ra Hà Nội
Chiếu làng Đợi (tức Đại Phong) tốt lắm anh ơi Anh về mua một vài đôi
Khi cha già mẹ yếu trải côi giầng thờ.
Quy trình sản xuất nón: Vì có nghề nón nên trong làng lại phát sinh thêm một số nghề khác như nghề làm khuôn nón, làm vành nón, buôn móc, buôn gai, buôn lá nón…
Nón chủ yếu là từng gia đình tự làm. Từ em bé 8 – 9 tuổi đến thanh niên trai gái, ông bà già cả, có thể nói mọi người trong nhà ai ai cũng làm nón. Để làm ra một chiếc nón đòi hỏi phải có một kỹ thuật và qua một quy trình nhất định từ khâu nguyên liệu cho đến lúc hoàn thành chiếc nón.
Nguyên vật liệu để làm nón gồm có: Lá dừa và lá nón, lá dừa được mua từ trong Nam ra, vì vậy xuất hiện những người chuyên thu mua lá. Lá được chuyển về mới chỉ là lá thô. Để lá bền cả về thời gian cũng như màu sắc, những người làm lá phải phải chọn lọc, phân loại lá và đem xử lý qua lưu huỳnh. Lá nón là thứ lá tơi non ở rừng gồm cả lớp lá non (lớp ngoài và trong của nón), và lá già (lớp đệm ở giữa nón). Tre (lồ ô, nứa) dùng để làm vành nón. Cước có hai loại: cước ta để buộc vành nón, may vành cái và cặp (nức) vành nón. Cước nhỏ: may các vành nón từ 2 đến vành chop và kết chóp. Trước đây, khi chưa có cước, người thợ làm nón phải dùng tơ, sợi gai hay sợi đay để may nón cũng như buộc vành nón.
Dụng cụ làm nón bao gồm: Khuôn nón được làm bằng tre hoặc gỗ, bao gồm: 12 kèo (mỗi kèo có 16 khắc để đắp vành nón) vào khuôn. Dao (mác): dùng để vót vành nón. Kéo: dùng để cắt lá nón. Bộ làm thẳng lá nón: tấm sắt (lưỡi cày), dùm ủi (là) lá được làm bằng vải (giẻ) cuộc tròn lại để ủi lá nón cho thẳng. Kim: dùng để chằm (may) nón. Vành đằn: được làm bằng tre, gồm vành đằn trên (nhỏ) và vành đằn dưới (to), dùng để kẹp lá nón khi vào khuôn. Về mặt kỹ thuật, để hoàn thành được một chiếc nón, người thợ phải tiến hành 6 công đoạn khác nhau.
Làm lá nón: Lá nón tươi đem luộc chín, phơi hoặc sấy khô rồi ủ ẩm (phơi sương) cho dịu lá thì dùng tay bắt ra cho thẳng. Tiếp đến lấy than (củi) đốt nóng tấm sắt (lưỡi cày) và dùng đùm ủi để là, ủi cho thẳng, láng mượt: Một nồi than hồng đặt chiếc lưỡi cày trên lửa cho lưỡi cày nóng lên. Một tay nắm nùn vải, đặt lá lên lưỡi cày; một tay cầm nùn vải miết mạnh lên mặt lá, tay kia kéo lá (nhớ không để lá sém vàng). Kỹ thuật tạo độ trắng của lá nón là một bí quyết nghề nghiệp của nghề làm nón. Riêng lá nón già để làm lớp đệm giữa nón thì không cần luộc, đem phơi khô rồi là thẳng.
Làm vành nón: Tre (lồ ô, nứa) được chẻ thành từng thanh nhỏ có độ dài và to, nhỏ theo từng cỡ vành nón thì dùng dao vót tròn, nhẵn.
Đưa khuôn ra, lắp vành vào rảnh khuôn (thường có 16 vành); xắp lá xoay ghép lá lớp trong lên khuôn, đặt lớp giữa nếu chằm 3 lớp, xoay phủ lớp lá ngoài cùng; dùng một vành tre ghì giữ lá và bắt đầu chằm từ chóp chằm dần xuống, chằm xong vành cuối. Ghép đường tiến (đường cặp) và nức vành. Bây giờ người
ta chằm bằng sợi ni long, cước chứ không chằm bằng sợi móc, sợi gai như xưa nên trông chiếc nón thanh thanh, sáng sủa.
Hiện nay, để làm vành nón, nhiều nơi người thợ làm nón đã dùng một tấm tồn đục từng lỗ tròn theo các cỡ vành. Sau khi tre được chẻ từng thanh nhỏ theo các cỡ vành, người thợ đưa vào từng lỗ để chuốt nhẵn. Cách làm này vừa nhanhvừa đẹp và vành nón được đều hơn.
Bước đầu nón Thổ Ngọa khâu bằng sợi gai, sợi mốc, chiếc nón làm ra thô kệch, chóp nhọn. Qua nhiều năm được cải tiến nên chiếc nón đẹp hơn, một số chuyển thành làm nón bằng sợi to. Nón mốc, nón gai, nón tơ duy trì cho đến hết thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1954) và khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các loại nón làm bằng sợi mốc, sợi gai, sợi tơ không còn nữa mà chuyển sang làm bằng sợi cước.
Tổ chức sản xuất: Nón làng Thổ Ngọa được sản xuất dưới 2 hình thức là cá thể và làm chùm. Có những gia đình chuyên sống về nghề làm nón và làm nón là nghề chính thứ hai, chứ không như một số nơi là nghề phụ. Bất cứ ban ngày hay ban đêm, trời mưa hay trời nắng, nghề làm nón luôn luôn hoạt động. Khâu nón chủ yếu là phụ nữ, trẻ em học lớp ba, lớp bốn vẫn khâu được nón. Làm vành nón chủ yếu là thanh niên và đàn ông.
Trước đây, nghề làm nón Thổ Ngọa không đóng khung trong phạm vi gia đình, không phải nhà nào tự biết nhà nấy mà họ đã biết cách đổi công, hợp tác lao động trong nghề nghiệp, đó là cách “làm chùm”. Làm chùm là một hình thức đổi công, tổ chức làm chùm chủ yếu là nam nữ thanh niên. Có loại chùm theo ngày, có loại chùm theo phiên. Họ vừa làm vừa hát nhân nghĩa giao duyên rất tình cảm.
Làm chùm theo ngày: gồm 8 người tập trung lại và mỗi ngày làm nón cho một nhà. Mỗi người làm cho chủ nhà 5 chiếc nón. Chủ nhà chỉ cung cấp vành; còn lá, móc hoặc gai (thời trước chằm bằng móc, gai) do bạn chùm đem đến. Chủ nhà chỉ nấu cơm cho bạn chùm bữa ăn trưa, (thường là khoai củ luộc, ăn với canh bầu, bánh tráng). Bữa sáng và bữa tối bạn chùm tự ăn cơm ở nhà
Làm chùm theo phiên: Cứ 3 ngày vào các ngày 7,17,27 và 2,12,2 2 âm lịch tập trung lại làm nón cho một nhà. Các nguyên tắc làm chùm theo phiên cũng giống như theo ngày nhưng số người đông hơn, từ 15 đến 20 người.
Làm chùm theo phiên tổ chức bắt thăm. Ai bắt được thăm trước (từ số 1 đến số cuối cùng) thì làm trước, ai bắt được thăm sau thì làm sau (làm chùm theo ngày không tổ chức bắt thăm mà theo sự thỏa thuận giữa bạn chùm với nhau). Tuy nhiên nếu ai có hoàn cảnh cần tiền để lo liệu việc nhà xét cần thiết thì vẫn được các chị em “ưu tiên” trước, sau đấy mới bắt thăm.
Làm chùm theo phiên thường đông vui. Ban ngày mỗi người chỉ làm 4 nón, còn một nón để lại làm vào đêm. Đêm đến, chủ nhà thắp 2 – 3 ngọn đèn huyền, bạn chùm ngồi quanh đèn để làm nón. Có những người ngoài bạn chùm thấy vui cũng đem một nón đến làm, vì thế số người đông đến vài chục.
Những đêm làm chùm, trai gái thường tổ chức hò, đối đáp, cuộc vui thường kéo dài tới 11 – 12 giờ khuya. Nhất là những ngày phiên chợ Họa hay chợ phiên Ba Đồn khách phong lưu tứ xứ, khách ăn chơi muôn phương tìm các cuộc vui chơi mới lạ. Thú nhanh nhã nhất đối với họ là đến sớm hơn vào buổi tối trước ngày phiên chợ, thả bộ xuống làng Thổ Ngọa để sem các cô gái vốn trắng trẻo, xinh đẹp làm nón lá.
Các cô gái vùa ngồi may nón, vừa hò hát. Họ hò những câu trêu ghẹo (nhưng không bao giờ “phạm thượng”) khách thập phương và cũng thường cao hứng đối đáp lại. Rồi cũng có những cuộc lương duyên nảy nở và họ kết duyên trăm năm.
Làng chùm trong nghề nón ở Thổ Ngọa có lẽ còn cao hơn phương thức đổi công đối với các nghề khác. Đối với các làng khác thì người ta chỉ đổi công lao động, trong khi nghề nón Thổ Ngọa đổi cả sản phẩm làm ra như một cách hỗ trợ nhau cả nguyên vật liệu, cả sự đắt rẻ, giá cả của thị trường những đợt mua vào bán ra, có nghĩa là cả vốn liếng. Làm chùm vừa là tổ chức sản xuất của nghề nón và cũng là sinh hoạt văn hóa. Trên cơ sở hợp tác lao động mà nảy sinh các hình thức sinh hoạt phù hợp. Mỗi hội làm chùm đều sản xuất ở một nhà bạn chùm trong một thời gian nhất định rồi lại thay qua địa điểm khác, tùy theo phiên. Cho nên có tính chất lưu động. Cứ tối đến (hoặc ngày) nhà phiên bạn chùm sẽ thắp
đèn, trải chiếu ra sân hay sàn nhà, chuẩn bị nước, trầu mời bạn, mời khách. Vì khi hội chùm đã đến, bắt tay vào sản xuất, là tiếng hát, tiếng hò cất lên, khách bạn sẽ đến giống như đã hẹn hò với nhau rồi, nhưng thực ra chẳng ai hò hẹn cả [33; 167], [39; 16]. Làm chùm là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, tạo nên tính đoàn kết, cố kết cộng đồng của cư dân, song hiện nay hình thức này không còn nữa.
Nón Thổ Ngọa đã nổi tiếng bán đi khắp vùng và đây là một nghề thủ công quan trọng, có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Làng Thổ Ngọa là gốc nghề nón nên nón bao giờ cũng đẹp hơn nơi khác. Nghề nón khá phát triển nên đã có sự phân hóa thành các bộ phận chuyên môn khác phục vụ cho việc làm nón như làm khuôn nón, làm vành nón, buôn móc, buôn gai, buôn lá nón…
Chợ làng và kinh tế thương nghiệp
Nón làm xong được đóng gói thành “trăm một” để khách buôn về thu mua sỉ hoặc đem ra chợ bán lẻ. Cũng điểm qua chợ làng Thổ Ngọa, vì chợ là yếu tố quan trọng giúp cho nghề nón phát triển và cũng là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nghề nón nơi đây.
Ở làng Thổ Ngọa chợ được lập trên địa phận xóm Hội Tĩnh, nên xóm này còn gọi là Xóm Chợ. Vào chợ, cảnh tượng đập vào mắt mọi người là trắng xóa nón lá, nón bán lẻ, nón bán sỉ. Nhân dân trong xã cũng như quanh vùng quen gọi chợ này là Chợ Họa (có thể cách gọi tắt chợ Ngọa – rồi nói lệch đi thành chợ Họa – cũng như chợ Ba Đồn). Chợ có từ năm nào không có tài liệu cụ thể, chỉ biết trong “Đại Nam nhất thống chí” có đề cập đến: Chợ Thổ Ngọa ở huyện Bình Chính, họp hai buổi, phần nhiều bán tôm cá, hàng quán đông đúc. Chợ nằm sát bờ bắc sông Gianh, đến nay chợ vẫn nguyên vị trí cũ.
Đình chợ xưa có 3 gian lợp ngói, tường xây (trong chiến tranh bị hư hỏng, nay đã xây dựng lại), ngoài ra bà con buôn bán hàng xén thuê những cái lều tranh lá do làng dựng lên. Giữa chợ có cái giếng gọi là Giếng Chợ, giếng này ở sát sông Gianh nhưng nước ngọt và trong. Chợ tuy nhỏ, điạ điểm chật hẹp, song buôn bán sầm uất (vì sát sông thuận tiện giao thông đường thủy với lại cũng không xa đường Quốc lộ, đường tỉnh lộ về Ba đồn), chợ bán đủ các mặt hàng: gạo buôn ghe từ trong nam ra, các mặt hàng thủy sản của các làng biển về bán
như cá, tôm, mắm ruốc… Từ Tuyên Hóa theo nguồn Nậy đưa hàng thượng nguồn như cam, bưởi, chuối, mít, gỗ, mây, tre nứa… về bán. Hàng đan thúng mũng, rổ rá… từ làng Thọ Đơn về. Có các loại bánh nổi tiếng của làng Lộc Điền như bánh đa mè xát, bánh tráng ngô… rồi gà, vịt, bò, lợn, vải sồi… hầu như không thiếu mặt hàng gì. Chợ họp hằng ngày, trừ 3 ngày phiên sáu (6,16,26) của chợ Ba Đồn đông từ lờ mờ sáng đến giữa trưa. Đặc biệt phiên chợ năm 5,15,25 âm lịch Chợ Họa đông từ sáng sớm đến 4-5 giờ chiều. Cứ mỗi phiên chợ làng xóm rộn ràng, từ khi gà chưa gáy đầu đã có khách xa về ăn phiên chợ. Ngoài các