- Sự tiến bộ của công nghệ ngân hàng: Sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ mạng vào ngành ngân hàng đã tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ trong ngành ngân hàng. Nó đòi hỏi các ngân hàng đổi mới và hoàn thiện danh mục sản phẩm dịch vụ và cung ứng ra thị trường một loạt các sản phẩm dịch vụ trên cơ sở công nghệ hiện đại như dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng tại nhà, ngân hàng tự động, máy rút tiền tự động ATM...
- Thay đổi nhu cầu của khách hàng: Sự thay đổi nhu cầu của khách hàng là yếu tố quyết định đến sự thay đổi của chính sách sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Với thị trường khách hàng cá nhân, thì cần tập trung vào sự thay đổi về các yếu tố tâm lý, lối sống, dân trí, phong tục tập quán... Với thị trường doanh nghiệp, sự tập trung lại nhằm vào chiến lược kinh doanh của khách hàng, đồng thời phải quan tâm tới sự thay đổi về môi trường hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở hình thành nhu cầu về sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới. Cùng với việc xác định nhu cầu hiện tại, bộ phận marketing phải dự báo được những thay đổi của nhu cầu tương lai và hướng khách hàng tới những nhu cầu này.
- Gia tăng cạnh tranh: Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng trở nên quyết liệt khi số lượng ngân hàng tham gia trên thị trường tăng và các ngân hàng ngày càng mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ. Việc theo dõi thường xuyên hoạt động của đối thủ cạnh tranh sẽ mang lại những thông tin quan trọng trong xây dựng chính sách sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
- Chính sách của Chính phủ và quy định của pháp luật: ngân hàng là kinh doanh tiền tệ trong nền kinh tế, nên các sản phẩm dịch vụ ngân hàng có những tác động lớn đến hoạt động kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Do vậy, Chính phủ của các quốc gia đều quản lý chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng thông qua luật pháp. Vì lẻ đó, những thay đổi trong chính sách, luật pháp của Nhà nước sẽ ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và tới danh mục sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói riêng.
Tại Việt Nam, những thay đổi trong các quy định luật pháp về quản lí ngân hàng là điều kiện thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Sự ra đời của hai pháp lệnh về ngân hàng chuyển hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tiếp đó là việc thực thi hai Luật về ngân hàng và tổ chức tín dụng từ 1/10/1998 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho các tổ chức tín dụng, làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới ra đời và phát triển mạnh mẽ cho vay tiêu dùng, cho vay không cần thế chấp, hay các dịch vụ bảo lãnh, thanh toán thẻ, đưa hệ thống sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển theo hướng phát triển của các ngân hàng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập vào thị trường tài chính khu vực và quốc tế của các NHTM Việt Nam.