TTBĐS và thị trường tài chính có mối quan hệ biện chứng khăng khít với nhau trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nhìn chung, có biện pháp, công cụ tài chính luôn có tác động thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của TTBĐS, đồng thời đó cũng là các công cụ để nhà nước điều tiết, tác động tới TTBĐS.
Đầu tiên phải nhắc tới khung giá đất và giá đất cụ thể. Đây là cơ sở để các giao dịch diễn ra và cũng là cơ sở để áp thuế, tính lệ phí trước bạ… do đó nó phải được xây dựng "sát" với thị trường. Tuy nhiên giá thị trường này phải mang tính ổn định, xã hội chứ không phải là giá địa phương, cục bộ, giá "bong bóng".
Khung giá đất là một trong những công cụ quan trọng nhất để điều tiết giá cả và ổn định TTBĐS; nó được coi là điểm "mấu chốt" mà Nhà nước có thể nắm để tác động hiệu quả vào TTBĐS. Đây là cơ sở để thành phố đưa ra giá đất cụ thể cho từng địa bàn, từng thời điểm giúp cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, động viên nguồn thuế từ đất đai, BĐS và ổn định giá cả trên TTBĐS.
Luật Đất đai 2003, cũng quy định rõ việc lập khung giá đất do Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành, giá cả phải sát với thị trường, được điều chỉnh bổ sung hàng năm (vào 1/1 Dương lịch). Các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó để tính giá đất cụ thể cho địa phương mình. Việc xây dựng giá đất ở thành phố cần phải tiến hành chặt chẽ, thận trọng,
khách quan, khoa học và căn cứ vào điều kiện mặt bằng kinh tế - xã hội chung để giá cả khả thi hơn; cố gắng thực hiện chế độ một giá nhằm triệt để xóa bỏ bao cấp về giá đất.
Thành phố phải kết hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để từng bước "tiền tệ hóa" quyền sử dụng đất trong mọi trường hợp giao đất, cho thuê đất, đất giao không thu tiền, đất gắn với tài sản thuộc sử hữu nhà nước,… để tránh cơ chế xin - cho nhũng nhiễu. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số loại thuế, phí, lệ phí về nhà đất (như thuế đầu cơ, thuế hạn điền…) nhằm khuyến khích người sử dụng có hiệu quả BĐS và thúc đẩy các giao dịch chính quy trên TTBĐS.
Xây dựng các khoản thu tài chính (tiền thuê đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất với dự án sử dụng vốn trong nước và nước ngoài…) hợp lý để thông qua đó Nhà nước điều tiết địa tô chênh lệch hiệu quả hơn; khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, bồi bổ nâng cao giá trị của đất… Đồng thời, đây cũng là các công cụ tài chính mà thông qua đó Nhà nước điều tiết TTBĐS sao cho nó hoạt động đúng hướng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng cần hoàn chỉnh các chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án có sử dụng đất, đặc biệt với đất để đầu tư kinh doanh BĐS cần tạo điều kiện cho người dân bị di dời được mua nhà hoặc nền nhà tại dự án đó nhằm mục đích xuyên suốt là hợp lý và công bằng. Thành phố phải công khai, minh bạch trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất để người dân hiểu, làm theo và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thành phố nên quy định "cứng rắn": dự án đầu tư, kinh doanh BĐS chỉ được phép giải phóng mặt bằng khi đã chuẩn bị được nơi tái định cư, đảm bảo nguyên tắc: chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thành phố nên tiến hành gắn trái phiếu với nhà đất, BĐS. Điều này có thể tạo cho trái phiếu, cũng như TTBĐS có một sức hấp dẫn mới. Đồng thời, hình thành một kênh huy động tiền để giải quyết vấn đề nhà ở vốn đang bức xúc ở TP.HCM. Năm 2003, chỉ tính riêng các công trình khu dân cư mới có chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, đã có hơn 100 công trình đang được thực hiện. Việc hoàn tất dự án đòi hỏi nhiều vốn và mất khoảng 3 - 4 năm, do đó chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn.
Các nhà nghiên cứu đã đề nghị nên huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi nhà đất. Trái phiếu này là một hình thức kết hợp giữa trái phiếu chuyển đổi và hoạt động kinh doanh mua bán BĐS. Với trái phiếu chuyển đổi, người sở hữu có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu của tổ chức phát hành. Còn trong trường hợp của trái phiếu chuyển đổi nhà đất, người sở hữu có thể chuyển đổi trái phiếu sang quyền sử dụng đất tại một khu vực nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định với một mức giá được ấn định trước. Ví dụ: Khi mua 1 trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng, người sở hữu nó có thể chuyển đổi sang sử dụng 5m2 đất; như vậy giá đất là 2 triệu đồng/m2, từ đây nếu nhà đầu tư đó muốn thu tiền trước hạn chuyển đổi, họ có thể bán lại trái phiếu căn cứ vào giá trị khu đất tại thời điểm đó. Nếu lúc đó 1m2 có giá 2,5 triệu đồng/m2 thì họ có thể bán lại trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng ở khoảng 12,5 triệu đồng.
Sự phù hợp của loại trái phiếu này có thể nhìn thấy qua 2 góc độ. Thứ nhất, nhu cầu về đất đai, BĐS của người dân thành phố còn rất lớn và tiền nhàn rỗi trong dân cũng còn khá nhiều. Thứ hai, người dân chưa có thói quen đầu tư kinh doanh và một yếu tố khác là họ chưa tin cậy vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị của thành phố (với thời hạn 5 - 10 năm) chủ yếu do sợ đồng tiền mất giá.
Do đó, với trái phiếu chuyển đổi nhà đất có thời gian chuyển đổi ngắn hơn, lại linh hoạt hơn trong thanh khoản nên có thể áp dụng để chủ đầu tư có vốn ổn định nhằm triển khai dự án và một phần vào đó sẽ tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước. Dễ thấy loại trái phiếu này sẽ giảm thiểu được rủi ro nên có sức hấp dẫn để người dân mua, ngoài ra có thể bổ sung thêm một loại hàng hóa cho thị trường chứng khoán thành phố.
Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu triển khai các khoản thu mới về đất đai như thuế vượt hạn mức sử dụng đất ở đô thị: đánh vào những người nhiều đất ở hoặc đầu cơ tích tụ đất đai, từ đó hoặc là họ phải bán đất đi, hoặc là họ sẽ phải chịu thuế cao. Điều này sẽ có hiệu ứng làm giảm việc tích tụ, đầu cơ đất đai, BĐS. Cần lập quỹ hỗ trợ phát triển nhà để phục vụ các dự án chung cư cho người nghèo, người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.
đẩy phát triển TTBĐS và tạo điều kiện để Nhà nước điều tiết, quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thị trường này.