Hiện tại, ở TP.HCM có rất nhiều tổ chức tư vấn, môi giới, giao dịch BĐS do tư nhân, tổ chức, ngân hàng lập ra, tuy nhiên, đa số là không có giấy đăng ký kinh doanh, làm cho rất khó kiểm soát và đôi khi gây rối loạn thị trường.
Do đó, cần sớm xây dựng và ban hành các quy định, quy chế về đăng ký hành nghề kinh doanh các loại dịch vụ này, để cho các tổ chức này hoạt động lành mạnh, hiệu quả và Nhà nước dễ kiểm tra, kiểm soát.
Thành phố cần quy định: tất cả các tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn môi giới giao dịch BĐS đều phải đăng ký với cơ quan QLNN, người hành nghề phải được đào tạo và có kiến thức cơ bản về TTBĐS và các kiến thức liên quan. Những người hành nghề tư vấn, môi giới giao dịch BĐS phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả của các hoạt động tư vấn, môi giới như tính trung thực trong các thông tin, tính chính xác pháp lý của các giấy tờ chứng thư…
Hoạt động dịch vụ môi giới, hỗ trợ trong TTBĐS hết sức cần thiết do BĐS có đặc tính là cố định, không thể đem ra trưng bày, giới thiệu cụ thể được. Bên cạnh đó, do giá trị BĐS thường rất lớn nên cần độ chính xác cao của các thông tin liên quan đến nó, vì vậy rất cần các tổ chức độc lập, "công tâm" thẩm định, xem xét và xác nhận các thông tin liên quan tới BĐS. Thời gian qua, hệ thống các trung tâm giao dịch BĐS của các ngân hàng, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã hoạt động khá sôi nổi thúc đẩy sự hình thành và phát triển của TTBĐS, tuy nhiên, do thiếu sự quản lý chặt chẽ và bị cuốn theo vòng xoáy lợi nhuận trong kinh tế thị trường mà một số tổ chức, một số cơ sở, "cò nhà đất" đã lừa đảo, cung cấp thông tin thiếu chính xác về quy hoạch đất đai, nhà ở gây thiệt hại cho nhiều người dân và cho lợi ích chung của thành phố, có thể đơn cử như vụ án của lừa đảo Trần Văn Giao. Từ đây, TP.HCM cần kết hợp với các trung tâm nghiên cứu, giáo dục để đào tạo và rèn luyện một thế hệ doanh nhân mới có đủ cả tâm, cả tài để kinh doanh và phát triển HHBĐS cũng như TTBĐS.
Do vậy, để TTBĐS thành phố hoạt động có trật tự và phát triển lành mạnh, đã đến lúc phải quy tụ các hoạt động trung gian môi giới, giao dịch BĐS về một đầu mối để quản lý. Đầu mối này có thể là "Trung tâm giao dịch BĐS TP.HCM" (là nơi tiến hành các giao dịch BĐS gồm mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố…). Trung tâm này có thể có các chi nhánh đặt tại các quận khác nhau, có chức năng cung cấp thông tin chính thống về BĐS, TTBĐS là nơi thẩm định, đánh giá, niêm yết và môi giới BĐS. Đồng thời tại trung tâm này các cơ quan QLNN đối với TTBĐS có thể lập văn phòng giao dịch, giám sát, quản lý (ví dụ như văn phòng công chứng, văn phòng vật giá, trạm thu thuế, văn phòng đăng ký biến động BĐS, phòng lưu trữ tư liệu địa chính, nhà đất, các ngân hàng, các công ty kinh doanh BĐS…). Trung tâm này tương tự như sàn giao dịch
chứng khoán, hoạt động theo sự chỉ đạo của thành phố, kinh phí hoạt động có thể từ: ngân sách thành phố; do khách hàng nộp phí hay tiền dịch vụ vào cửa,…; chi phí niêm yết, đăng ký hành nghề của cá nhân, tổ chức tại trung tâm. Khi mới thành lập, thành phố cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách để xây dựng và hoàn thiện trung tâm, khi đã hoạt động ổn định thì sẽ dần theo cơ chế tự chủ tài chính và nộp một phần nguồn thu vào ngân sách thành phố.
Ngoài ra, thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội kinh doanh BĐS và tài sản cũng như Hiệp hội BĐS nhà đất nhằm điều tiết, điều chỉnh hoạt động của TTBĐS ngày càng hiệu quả hơn.