Minh
Công tác dự báo về xu hướng phát triển của TTBĐS TP.HCM là việc làm rất quan trọng để có thể thực hiện tốt QLNN đối với thị trường này. Dự báo giúp chúng ta nắm được cả những thời cơ và thách thức đối với thị trường cũng như công tác quản lý nó.
Trước hết, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu nhập của dân cư vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao nên dự đoán "cầu" TTBĐS TP.HCM vẫn ngày càng tăng. Những năm tới, TP.HCM được xác định là trung tâm thương mại, tài chính, du lịch lớn của đất nước cũng như của khu vực Đông Nam á nên nhu cầu về nhà, đất, văn phòng, mặt bằng kinh doanh là rất cao. Hơn nữa, với việc thực hiện chiến lược xây dựng thành phố XHCN tiêubiểucủa đất nước và việc triển khai các chương trình "trọng điểm", các ngành, sản phẩm "chủ lực" của Đảng bộ Thành phố sẽ làm tăng nhu cầu và giá cả cho TTBĐS. Quá trình thực hiện các chủ trương này sẽ kéo theo việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đường sá, công viên văn hóa, nơi vui chơi giải trí,… được xây dựng nhiều sẽ tạo cơ hội mở rộng các khu đô thị, dân cư hiện đại trong Thành phố và các khu phụ cận, như vậy quy mô TTBĐS sẽ tăng lên.
Thứ hai, với chương trình nhà ở của thành phố đến năm 2010, có 53.000 tỷ đồng được đầu tư sẽ làm cho TTBĐS càng thêm sôi động [40]. Hơn nữa, với chính xã hội hóa nhà ở cộng với cơ chế quản lý hành chính ngày càng rộng mở và hiệu quả sẽ làm cho lượng HHBĐS dân tự xây tăng nhanh, góp phần thúc đẩy TTBĐS phát triển.
Thứ ba, dân số và thu nhập ngày càng tăng cũng sẽ thúc đẩy TTBĐS phát triển. Theo quy hoạch dự kiến của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2010 dân số thành phố là 7,5 triệu và năm 2020 là 10 triệu người. Dân số thành phố tăng chủ yếu do di dân cơ học, người lao động miền Bắc, miền Tây Nam Bộ và miền Trung dồn về thành phố kiếm việc, sinh sống; kéo theo hiện tượng này là nhu cầu nhà ở, đất ở tăng lên rõ rệt và TTBĐS sẽ có cơ hội phát triển. Mặt khác, thu nhập bình quân đầu người của thành phố hiện cao nhất cả nước, với hơn 1.450 USD/năm. Khi thu nhập tăng vượt qua mức đói nghèo, loại trừ các yếu tố đầu cơ, người dân có thể chi từ 25-40% trong tích lũy của hộ gia đình cho vấn đề nhà đất; tỷ lệ dân có mức thu nhập từ trung bình trở
lên ở TP.HCM hiện nay khá lớn, chiếm trên 65% nên tiềm năng vốn đầu tư vào TTBĐS là khá lớn.
Ngoài ra, cùng với việc thực hiện các giải pháp phát triển thị trường và sự tiến triển của các nhân tố thị trường thì các tiêu cực của TTBĐS sẽ giảm thiểu, tạo điều kiện cho thị trường chính quy tăng trưởng, lành mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới cả nước cùng thành phố bước vào hội nhập khu vực và quốc tế; nền kinh tế và các thị trường sẽ có liên hệ, ràng buộc với nhau chặt chẽ hơn, do đó cần dự báo và tránh các hiện tượng "đổ vỡ", tiêu cực liên thông giữa các thị trường đối với TTBĐS (ví dụ, như giữa thị trường tài chính, tiền tệ, vàng bạc, dầu mỏ… với TTBĐS).
b) Định hướng phát triển TTBĐS trên địa bàn TP.HCM
Trong điều kiện và hoàn cảnh phát triển mới của cả nước nói chung, của thành phố nói riêng, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã xác định phương hướng và một số mục tiêu phát triển cho TTBĐS trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để thành phố hoạch định công tác QLNN đối với TTBĐS. Các định hướng cụ thể như sau:
- Hình thành, phát triển TTBĐS theo hướng năng động lành mạnh. Đây là một yêu cầu bức thiết của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta; TTBĐS có năng động, lành mạnh thì mới thu hút được mọi nguồn lực trong dân vào kinh doanh BĐS, mới tận dụng được nguồn vốn lớn lao quý giá đó là đất đai, BĐS. Từ đó mới có thể phát triển đồng bộ hệ thống thị trường: từ TTBĐS, thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường hàng hóa dịch vụ.
- Xây dựng phát triển TTBĐS thành phố theo đúng định hướng XHCN: phát huy giá trị kinh tế của đất đai, làm giàu cho nền kinh tế đồng thời hướng vào việc xây dựng đô thị đẹp hiện đại, cải thiện điều kiện nhà ở cho nhân dân. Thành phố cần giữ được vai trò định hướng, điều tiết nguồn lực và kế hoạch phát triển TTBĐS theo đúng các chương trình mục tiêu kinh tế xã hội đã được hoạch định. Ưu tiên xây dựng các BĐS kỹ thuật hạ tầng cho thành phố, giải quyết nhu cầu BĐS phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp và đối tượng chính sách.