- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng:
3.2.9. Quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên.
3.2.9.1. Mục đích, ý nghĩa
Nhu cầu về vật chất và tinh thần là nhu cầu hàng đầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người nói chung và của người giáo viên tiểu học nói riêng. Khi nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì nhu câù về vật chất và tinh thần cũng ngày càng phong phú.
Đời sống vật chất, tinh thần của người giáo viên có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động dạy học. Khi đời sống vật chất và tinh thần được đáp ứng tương đối đầy đủ sẽ làm cho người giáo viên yên tâm dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động chuyên môn, nhờ đó nâng cao được năng lực chuyên môn của mình. Ngược lại, khi đời sống vật chất và tinh thần thiếu thốn, người giáo viên sẽ không yên tâm công tác, không có nhiều thời gian dành cho chuyên môn mà phải dành nhiều thời gian lo cho cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của gia đình, vì vậy chất lượng dạy học sẽ khó mà được nâng cao.
Quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên là việc làm thiết thực của người hiệu trưởng để giúp đỡ họ thêm yên tâm công tác, gắn bó với trường với lớp, dành nhiều thời gian, tâm sức cho chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng dạy học, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
3.2.8.2. Nội dung tổ chức chỉ đạo thực hiện biện pháp
- Hiệu trưởng phải nắm chắc tình hình đời sống vật chất, tinh thần của từng cán bộ giáo viên trong trường. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với công đoàn, ban nữ công và các đoàn thể khác thường xuyên quan tâm tới điều kiện, hoàn cảnh gia đình của từng giáo viên, từ đó có kế hoạch cụ thể để thăm hỏi, giúp đỡ họ kịp thời.
- Xây dựng tập thể sư phạm nhà trường thành tập thể luôn thương yêu, đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong công tác. Xây dựng bầu không khí sư phạm mà ở đó mọi người luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, tự tin và được tôn trọng về nhân cách.
- Thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ, đúng và kịp thời các chế độ lương, phụ cấp ưu đãi, tiền thưởng, tiền dạy 2 buổi/ngày, chế độ nghỉ dưỡng sức và các chế độ chính sách khác của giáo viên.
- Hằng năm tổ chức các đoàn thể cũng như cá nhân đến động viên, thăm hỏi, tặng quà cho những gia đình nhà giáo thuộc diện chính sách, gia đình có hoàn cảnh éo le, rủi ro, gia đình đặc biệt khó khăn.
- Mỗi khi gia đình giáo viên có những việc trọng đại, hay gặp những rủi ro nhà trường và công đoàn cử người dạy thay và cử người đến gia đình để động viên chia sẻ, thăm hỏi, giúp đỡ kịp thời.
- Vào mỗi dịp tết nguyên đán, ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 hằng năm, nhà trường cần tổ chức tặng quà, động viên, thăm hỏi, chúc mừng tới từng gia đình giáo viên một cách kịp thời. Đây chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để đội ngũ giáo viên thêm yêu trường, yêu lớp, tự hào về nghề của mình.
- Tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên được dạy các lớp 2 buổi /ngày, các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu kém…tăng thêm thu nhập bằng chính chuyên môn của mình.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí gắn với các đợt thi đua trong năm học như văn nghệ, thể dục thể thao, thăm những danh lam thắng cảnh ở địa phương…để giáo viên được tham gia.
- Mỗi năm học, nhà trường và công đoàn cần dành kinh phí tổ chức cho giáo viên đi tham quan, du lịch ở ngoài tỉnh vào dịp nghỉ hè để giáo viên được nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động mệt mỏi, qua đó làm tăng vốn sống, vốn hiểu biết, nạp thêm năng lượng để sẵn sàng chuẩn bị tốt cho năm học mới.
- Hiệu trưởng có kế hoạch tham mưu với chính quyền địa phương, với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên quan tâm, hỗ trợ kinh phí cũng như động viên thăm hỏi, giúp đỡ cho các hoạt động của nhà trường cũng như giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.