II/ Một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả
1. Các giải pháp về thu hút vốn đầu tư
1.6. Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển GTNT:
Những nơi có địa hình khó khăn trong vùng Bắc Trung Bộ, các địa phương cần tạo điều kiện để giúp cho các xã nghèo, người nghèo tiếp cận tới các dịch vụ công. Địa phương, xã cần tạo điều kiện như mở đường cho xe ngựa thồ, mở rộng đường giao thông nông thôn giúp cho đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện hơn, sau đó mở rộng đường cho xe ôtô có thể đi lại dễ dàng được.
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa và nơi thành lập khu công nghiệp nông thôn, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để xây dựng các tuyến đường nối với đoạn giao thông chính, giao thông thông suốt giữa các khu công nghiệp, thuận tiện cho việc trao đổi hàng hoá, đồng thời nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp, giúp việc đi lại của
người dân bớt khó khăn, giúp tăng khả năng phát triển của các khu công nghiệp khi hệ thống giao thông ngày một tốt lên.
Đối với cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường nội xã, nguồn vốn chủ yếu do người dân đóng góp (60% bằng sức lao động, vật tư tại chỗ), Nhà nước hỗ trợ 30% dưới dạng vật chất cần thiết như xi măng, sắt thép, vật tư thiết yếu, máy thi công, máy sản ủi... Địa phương cần ưu tiên đầu tư vào cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đã có hiện đang bị xuống cấp, đồng thời tập trung cho các tuyến đường chưa có khả năng thông suốt trong bốn mùa.
Đối với các vùng khó khăn, việc bảo trì đường huyện và một phần đường xã sẽ cần sự hỗ trợ của ngân sách trung ương và địa phương, bao gồm cả hỗ trợ của nhà tài trợ. Thêm vào đó, Bộ Tài chính và các tỉnh cân đối một nguồn cho bảo trì với mức tối thiểu là 10%, các chủ dự án phải cam kết bảo trì theo kế hoạch và được cân đối kinh phí bảo trì.
Địa phương cần lập kế hoạch bảo trì, nhằm xác định dự kiến bố trí nguồn lực, đảm bảo đường GTNT được bảo trì trên diện rộng, đảm bảo có nguồn lực sẵn có tại xã, huyện, tỉnh. Lập kế hoạch tiến độ bảo trì trong năm, quý, tháng, xác định được thời gian huy động các nguồn lực, phục vụ việc đánh giá hiệu quả công tác bảo trì, xây dựng thủ tục, trình tự lập kế hoạch thống nhất trong toàn vùng Bắc trung bộ.
Địa phương cần công khai sự tham gia của người dân ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa để lựa chọn và quyết định xây dựng cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn cho vùng đó, như vậy sẽ nhận được sự hưởng ứng và đóng góp nhiệt tình từ người dân. Việc lựa chọn, ra quyết định xây dựng đường cần thực hiện công khai, dân chủ có sự tham gia của người dân, và dựa trên nguồn lực có thể huy động được ở địa phương.