III/ Thực trạng sử dụng vốn đầu tư phát triển GTNT Bắc Trung Bộ
2. Thực trạng tổ chức quản lý sử dụng vốn:
2.1 Công tác quy hoạch, lập kế hoạch phát triển GTNT
Chiến lược phát triển giao thông nông thôn vùng Bắc Trung Bộ từ năm 2001 đến năm 2010, từ 2010 đến năm 2020, các chiến lược này đã nêu ra những định hướng khá cụ thể, khá chi tiết về việc phát triển giao thông nông thôn toàn vùng và cụ thể từng tỉnh trong vùng, bao gồm những mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển theo từng lĩnh vực và có danh mực dự án ưu tiên đầu tư cho từng địa phương trong vùng, quy hoạch có thể sử dụng làm cơ sở để các địa phương trong vùng lập kế hoạch đầu tư phát triển.
Theo như quy hoạch của vùng, xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn được triển khai theo ba định hướng như sau: cải tạo hệ thống giao thông cũ để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các trục đường mới để liên kết với tuyến quốc lộ; mở mới những con đường đến các xã chưa phát triển, giao thông thiếu nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng.
Một thực tế hiện nay là một số xã vùng miền núi ít được quan tâm, được quy hoạch một cách cụ thể, vì thế lẽ ra công trình xây dựng hạ tầng giao thông phải làm
theo quy hoạch nhưng thực tế thì quy hoạch lại phải chạy theo công trình. Lẽ ra quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng thực tế quy hoạch lại đi sau.
Một số tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mình, trong đó có định hướng cho phát triển giao thông nông thôn nhưng rất hạn chế và không có quy hoạch riêng cho phát triển giao thông nông thôn mà thường được gộp chung vào các quy hoạch phát triển giao thông đường bộ hoặc giao thông vận tải chung của tỉnh.
Việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn ở các địa phương trong vùng trong thời gian qua chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể; kế hoạch thực hiện hàng năm chưa phân khai đến từng tuyến đường, bị động trong bố trí kinh phí hỗ trợ tại các địa phương từ ngân sách trên tỉnh rót xuống.
Hầu hết các tỉnh đều có quy định các công trình trước khi đầu tư phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, rất ít địa phương tổ chức thực hiện công việc này. Một số công trình được UBND tỉnh phân bổ trước nguồn vốn theo kế hoạch nhưng khi tổ chức thực hiện các địa phương lại không tổ chức làm theo quy hoạch mà giảm khối lượng công trình, chỉ làm theo nguồn vốn được hỗ trợ. Các công trình GTNT sau khi xây dựng xong lại không phân định rõ trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì nên nhiều công trình nhanh chóng bị hư hỏng, nhiều xe quá tải trọng lưu hành, hành lang đường bộ bị lấn chiếm gây mất an toàn giao thông.
Hiện nay, hệ thống chiến lược, công tác quy hoạch, lập kế hoạch cho phát triển giao thông nông thôn trong vùng vẫn còn thiếu, ngoài chiến lược phát triển giao thông nông thôn chung cho toàn vùng thì chưa có tỉnh nào xây dựng quy hoạch phát triển giao thông nông thôn riêng của tỉnh. Do không có hệ thống quản lý, đơn vị hành chính, nên việc thực hiện các chiến lược phát triển giao thông nông thôn cũng không được thực hiện một cách nghiêm túc.