II/ Một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả
1. Các giải pháp về thu hút vốn đầu tư
1.4 Nguồn đóng góp nhân dân
Vùng Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Vùng Bắc Trung Bộ nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chậm phát triển, thời tiết khắc nghiệt, tăng trưởng còn chưa tương xứng với tiềm năng, công nghiệp dịch vụ còn kém. Cơ sở hạ tầng yếu kém gây trở ngại nhiều cho phát triển vùng. Do đầu tư cho giao thông đòi hỏi vốn lớn thời gian dài nên việc sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước đã tạo gánh nặng lớn cho Nhà nước, vì vật cần huy động vốn từ dân cư, nhưng do kinh tế trong vùng cũng không phát triển do có nhiều trở ngại. Do vậy sự đóng góp của người dân không đáng kể, còn hạn chế về nhiều mặt, chủ yếu đóng góp bằng sức người. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích được người dân tham gia đóng góp tối đa nguồn lực, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có từ nhân dân, cho họ thấy được mặt tích cực, lợi ích từ việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, phát triển các hoạt động
buôn bán, kinh doanh, mở rộng giao thương với các vùng, địa phương lân cận, góp phần phát triển kinh tế.
Vốn huy động từ dân cư mà không thông qua các hình thức tín dụng và trái phiếu công trình chỉ có thể thực hiện các công trình giao thông địa phương. Đối với nguồn vốn này để thu hút được thì cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân để người dân thấy được lợi ích của việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn tại địa phương mình. Ngoài ra để huy động được tối đa nguồn lực này và sử dụng vốn có hiệu quả đòi hỏi các cán bộ quản lý vốn và sử dụng vốn một cách công khai, minh bạch.
Nhân dân luôn mong muốn có những hệ thống giao thông tốt để thông thương buôn bán được dễ dàng, do vậy họ cũng mong muốn được đóng góp sức mình vào những con đường, những công trình giao thông đó. Địa phương cần giúp người dân nhân ra trách nhiệm cũng như quyền lợi mà họ sẽ có được khi tham gia sử dụng chính các công trình giao thông nông thôn đó. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương có cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia một cách vui vẻ và nhiệt tình hưởng ứng một cách tích cực. Đồng thời địa phương có thể trích một nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân, dùng để chi trả một phần cho người lao động, một phần cho mua vật liệu xây dựng, sửa chữa một số đoạn đường giao thông đã bị xuống cấp.
Ngoài ra cần tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, các ban ngành và nhà tài trợ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khâu lập và thực hiện kế hoạch, đặc biệt là đẩy mạnh dân chủ ở cơ sở và minh bạch, công khai trong việc sử dụng vốn huy động từ nhân dân. Những năm gần đây, mức đóng góp của dân để phát triển Giao thông nông thôn ngày càng tăng, hình thức đóng góp bằng vật liệu, lao động công ích, ngày công lao động, bằng tiền mặt…
1.5 Các nguồn vốn khác
Ngoài ra còn có thể huy động thêm các nguồn vốn khác, các nhà đầu tư khác đầu tư vào giao thông trong vùng. Để huy động vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng góp phần vào công cuộc phát triển hạ tầng giao thông thì địa phương cần có chính sách nhất quán hấp dẫn lâu dài để khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp. Địa phương cần tiến hành lập dự án một cách chi tiết để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được tình hình hiện tại của địa phương cũng như cho thấy nguồn đầu tư của họ là có lợi hay không, có nên đầu tư hay không. Các thủ tục hành chính cần đơn giản gọn nhẹ tạo điều kiện để thực hiện dự án một các nhanh chóng.
Địa phương cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng tại địa phương được tham gia thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp Giao thông nông thôn. Địa phương phải tận dụng sự đóng góp của các thành phần kinh tế vùng Bắc Trung Bộ. Đóng góp vào phát triển Giao thông nông thôn địa phương vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các địa phương cần có chính sách khen thưởng, khuyến khích, động viên kịp thời với các tổ chức có đóng góp vật chất, ý tưởng xây dựng công trình Giao thông nông thôn, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các doanh nghiệp này.
Địa phương cần cổ phần hoá các công ty thuộc ngành giao thông vận tải, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dưới nhiều hình thức khác nhau như mua cổ phần, mỗi nhà đầu tư nước ngoài được mua ở một mức nhất định. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực giao thông là một hình thức để các doanh nghiệp này học tập được kỹ năng quản lý, các công nghệ tiên tiến trong việc xây dựng hạ tầng giao thông của nước ngoài. Vùng khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và thực hiện lộ trình nội địa hoá.
Thành lập các công ty thuê mua tài chính có sự bảo lãnh của Nhà nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận, sử dụng các nguồn tài chính, công nghệ, phương tiện khoa học kỹ thuật mới…
Nhà nước cần triển khai thực hiện Luật Đầu tư chung thống nhất, nhằm đạt hiệu quả cao, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư như kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông nông thôn.
Nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế và các thủ tục hành chính trong đầu tư, tránh rườm rà, kéo dài, mất thời gian, tiền của và công sức. Thực hiện cơ chế một cửa, đẩy mạnh việc cấp giấy phép đầu tư và rút ngắn thời gian thẩm định, nhanh chóng triển khai cấp giấy phép đầu tư để có thể nhanh chóng thực hiện đầu tư các công trình giao thông. Địa phương cần quy hoạch các hạng mục đầu tư một cách rõ ràng, nới lỏng về mặt pháp luật để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực giao thông nông thôn.
Một thực tế hiện nay cho thấy, Nhà nước chưa có các chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào giao thông nông thôn nên hiện nay nguồn vốn từ các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư, vì đầu tư vào hạ tầng giao thông các nhà đầu tư thực sự chưa thấy được những lợi ích có thể mang lại cho họ.