Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 90 - 92)

Ngày nay các doanh nghiệp đều công nhận, nguồn nhân lực là tài sản có giá trị nhất của một doanh nghiệp. Do vậy, đào tạo phát triển nguồn nhân lực là tất yếu đối với doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân của Công ty cấp nước Thanh Hoá hiện nay phần lớn được xây dựng trong cơ chế quản lý cũ, do đó có những hạn chế nhất định về tính năng động, tính tự chủ, khả năng phối hợp nhóm trong nền kinh tế thị trường. Để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong tiến trình hội nhập sâu, rộng và yêu cầu phát triển của ngành nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trước hết cần tập trung vào các biện pháp chủ yếu sau:

- Đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý, cần lựa chọn sàng lọc kỹ càng và có hình thức đào tạo phù hợp, gửi đào tạo trong nước, ngoài nước về các vấn đề phát triển, quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án, kỹ thuật, tài chính, ứng dụng tin học, ngoại ngữ... có liên quan đến lĩnh vực cấp nước. Sắp tới, Công ty cấp nước Thanh Hoá tiến hành cổ phần hoá; Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, ngoài việc UBND tỉnh lựa chọn bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc có kinh nghiệm quản lý điều hành kinh doanh, điều hành dự án đầu tư theo cơ chế thị trường. Số cán bộ quản lý khác do công ty tự quyết định. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc có thể lựa chọn để bổ nhiệm có định kỳ bằng hình thức thi tuyển, dựa trên các tiêu chí quản trị hiện đại, các tiêu chí khác như kinh nghiệm, thâm niên là thứ yếu. Không đặt ra quy hoạch nguồn cán bộ, mỗi chức danh dự thi tuyển ít nhất 2 người, tạo sự cạnh tranh của mỗi chức danh, để mọi cán bộ không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình công tác, nếu không sẽ bị thay thế.

- Đào tạo, tuyển chọn đội ngũ công nhân, cần lựa chọn những công nhân tâm huyết, gắn bó với ngành để đào tạo hoặc đào tạo lại về các nghề như, lắp đặt mạng lưới phân phối; dịch vụ và kỹ năng vận hành bảo dưỡng các công trình cấp nước; kỹ năng giao tiếp trong thu ngân. Tổ chức thi tay nghề, nâng bậc thường xuyên cho công nhân; để nâng cao tay nghề công ty có thể tự đào tạo hoặc mời giảng viên đến công ty đào tạo.

- Xây dựng chiến lược đào tạo: Công ty cấp nước Thanh Hoá phải lập một chiến lược đào tạo, đào tạo lại, trong đó có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có chương trình cần đào tạo xoay quanh một số "chủ đề" chính như, chương trình lãnh đạo và thông tin ngành, chương trình quản lý tài chính, chương trình quản lý thất thoát nước, chương

trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho công nhân vận hành, chương trình đào tạo tay nghề và quản lý bảo dưỡng, chương trình phát triển dịch vụ khách hàng... Mặt khác, đối với đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý thì ngoài gửi đi đào tạo cần tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy sáng kiến ứng dụng thực tế, tham dự các cuộc hội thảo, học tập kinh nghiệm các nơi, mời các chuyên gia đến nói chuyện và nghiên cứu tạp chí chuyên ngành để củng cố kiến thức ngày một chuyên sâu.

Với nguồn nhân lực dồi dào, nếu Công ty cấp nước Thanh Hoá đầu tư vào chiến lược đào tạo đúng đắn, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý sẽ khắc phục được tình trạng thiếu chuyên gia, cán bộ xuất sắc, công nhân giỏi như hiện nay, mà còn là nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 90 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)