Thanh Hoá tỉ lệ thất thu, thất thoát nước có xu hướng giảm dần. Năm 2007 so với năm 1992 tỉ lệ giảm 12,1%, đồng nghĩa với tiết kiệm được 1.397.477 m3, tương đương với nhà máy nước công suất 9.000 m3/ngày (phát huy công suất 62%, tỷ lệ thất thoát
29,7%),vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng. Do đó, việc chống thất thu, thất thoát nước có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính quyền và doanh nghiệp cấp nước Thanh Hoá. Để đảm bảo công tác quản lý chống thất thoát một cách có hiệu quả, Thanh Hoá cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau:
- Về chỉ đạo của UBND tỉnh: tập trung xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy, chỉ thị về công tác chống thất thu thất thoát, đồng thời đẩy nhanh việc cải tiến tổ chức, tập trung chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến huyện và các doanh nghiệp cấp nước, nhằm quản lý khai thác tốt hệ thống cấp nước hiện có. Các doanh nghiệp cấp nước phải có kế hoạch giảm tỉ lệ thất thu thất thoát nước; trước mắt khoán tỉ lệ thất thu, thất thoát nước cho Công ty Cấp nước Thanh Hoá mỗi năm giảm không dưới 2%.
- Về quản lí kinh tế kỹ thuật: các doanh nghiệp cấp nước phải ngăn chặn tình trạng xuống cấp của hệ thống cấp nước. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Cấp nước Thanh Hoá, Viện Quy hoạch Xây dựng Thanh Hoá, các công ty tư vấn chuyên ngành cùng phối hợp nghiên cứu đưa ra cấu trúc mạng hợp lý, thuận tiện cho công tác vận hành, phân phối nước và dễ quản lý.
- Về tổ chức tuyên truyền giáo dục: Các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành, phòng, ban song song với đổi mới quản lý, phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm trong sử dụng nước để có biện pháp xử lý nghiêm khắc; đồng thời tổ chức phong trào thi đua rộng khắp về chống thất thoát, thất thu bằng các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên liên tục, có chính sách khen thưởng thoả đáng.
- Về thất thoát nước do nguyên nhân kỹ thuật: Phải phân vùng cấp nước, đo lưu lượng nước từng vùng, đồng thời tổ chức hệ thống theo dõi dữ liệu từ xa; thiết lập hệ thống đo lưu lượng nước sản xuất, hệ thống đo lưu lượng phân phối nước; phân chia giữa mạng cũ và mạng mới; sử dụng 100% đồng hồ đo nước và duy trì việc kiểm tra đồng hồ định kỳ; Tăng cường năng lực quản lý mạng, thành lập bộ phận sữa chữa rò rỉ trực 24/24 giờ trong ngày thông qua đường dây nóng; hoàn thiện lắp đặt các thiết bị vận hành trên mạng. Để thực hiện được các việc này cần phải có đầy đủ các thiết bị điều chỉnh, thiết bị đo lưu lượng, van đóng mở với kỹ thuật thao tác tiện lợi.
- Về thất thu nước do nguyên nhân quản lý: Biện pháp cơ bản nhất là duy trì triệt để lắp đặt đồng hồ, loại bỏ hẳn hình thức khoán, dùng đồng hồ kết hợp có đường kính từ D50 trở lên để kiểm soát dải lưu lượng nhỏ do dùng nước mở nhỏ giọt để đồng hồ không quay. Song song với biện pháp lắp đặt đồng hồ là chính sách giá nước, đây được coi là biện pháp chống thất thoát nước, sử dụng tiết kiệm nước, bù chéo được giá nước, tạo nền tài chính vững mạnh, nếu giá nước hợp lý tuân theo quy luật thị trường.
- Một số biện pháp khác: cũng cần được thực hiện như, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống dùng nước trước đồng hồ; có chính sách thưởng phạt công minh; xây dựng định mức khoán thất thoát, thất thu cho các đơn vị; nghiên cứu hình thức ghi thu tiền nước về cấp phường, các phường ghi hoá đơn và thu tiền nước đến từng hộ dân theo đồng hồ, công ty cấp nước ghi hoá đơn và thu tiền nước của phường căn cứ đồng hồ tổng.