Quản lý giá nướcsạch đô thị

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 50 - 53)

Giá nước là yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo sự phát triển bền vững của các công ty cấp nước. Thực hiện nghị quyết TW3 khoá IX, Chỉ thị 04/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cấp nước từ hoạt động công ích sang hoạt động kinh doanh; Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng ban hành thông tư số 104/2004/TTLT ngày 18/11/2004 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch. Thông tư nêu nguyên tắc, giá nước phải được tính đúng, tính đủ các chi phí của giá thành toàn bộ và lợi nhuận định mức hợp lý... Mục đích là để các doanh nghiệp cấp nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác. Giá tiêu thụ nước sạch được tính theo nguyên tắc trên có tác dụng tích cực khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ khách hàng, phấn đấu giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm. Theo đó, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 38/2005/QĐ ngày 30/6/2005 về khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho các đối tượng sinh hoạt tại các đô thị, với đô thị đặc biệt và loại 1 giá tối thiểu 2.500 đồng/m3, giá tối đa 8.000 đồng/m3; các đô thị còn lại trong khung 1.800-7.000 đồng/m3 [3, tr.2]. Đây là mốc quan trọng để chuyển đổi hoạt động của công ty cấp nước sang kinh doanh, tạo cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhưng quá trình thực hiện chính sách mới tại Thanh Hoá bộc lộ một số khó khăn, bất cập như:

- Giá nước sạch chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố của chi phí sản xuất theo thông tư 104/2004/TTLT. Doanh thu về nước sạch không đủ bù đắp chi phí nếu tính đúng tính đủ. Trong xây dựng phương án, giá đầu vào thường áp giá tại thời điểm; khi phương án

được phê duyệt và áp dụng thì giá các yếu tố đầu vào thường cao hơn giá trong phương án được duyệt.

- Trích khấu hao tài sản cố định không đúng, không đủ theo hướng dẫn. Tại thông tư 104/2004/TTLT về chi phí khấu hao quy định, những tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách hoặc nguồn tự bổ sung trích theo khung khấu hao theo quy định của Bộ Tài chính; đối với tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay trích khấu hao trên cơ sở thời hạn vay vốn đầu tư. Tuy vậy, tại công ty thường áp dụng trích khấu hao theo khung; bởi nguyên tắc trích khấu hao nêu trên không đồng nhất vì, cùng một tài sản nếu dùng nguồn vốn tự bổ sung theo khung là 15 năm còn nếu vay ngân hàng thương mại là 5 năm, như vậy cùng một tài sản nhưng chi phí khấu hao trích vào giá thành chênh lệch 3 lần. Mặt khác, Thanh Hoá chỉ khai thác thực tế 62% công suất, nên áp dụng tính khấu hao theo thời hạn vay sẽ làm giá nước quá cao.

- Trong phương án, kết cấu giá thành nước trước đây không tính đến các khoản trả lãi vay từ nguồn vốn ADB đã hoàn thành đưa vào sử dụng 6/2001, (đến tháng 11/2005 mới tính lãi vay). Đây là vấn đề mà địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ của bên vay đối với các tổ chức cho vay; trong hơn 4 năm không tạo nguồn gây khó khăn khi công ty đến kỳ trả nợ. Mặt khác, việc không cấu trúc lãi vay vào giá thành kịp thời là sai chế độ tài chính và chuẩn mực kế toán. Hoặc về nhân công, theo định mức của Bộ Xây dựng công nhân trực tiếp của Xí nghiệp sản xuất nước là 88 người, nhưng liên ngành chỉ chấp nhận 74 người như hiện có, mặc dù công nhân hiện có phải làm thêm giờ rất nhiều để bù khoản thiếu người theo định mức.

- Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá nước sinh hoạt cụ thể cho từng đối tượng sử dụng nước. Thực tế việc quyết định giá nước do liên sở Tài chính-Xây dựng trình lên; vì "ngại" đụng chạm đến dân, liên sở lý luận rằng tính đúng, tính đủ mọi chi phí như thông tư quy định là cả một quá trình và phải phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng mà người dân đô thị Thanh Hoá còn nghèo... Song liên sở cũng không quy định lộ trình của quá trình là bao lâu; trong khi đó các loại giá đầu vào tăng thêm như: năm 2006 giá điện thay đổi theo quyết định 276/QĐ của Thủ tướng; tiền lương và bảo hiểm xã hội thay đổi theo nghị định số 94/NĐ của Chính phủ; các loại vật tư, chi phí khác của các yếu tố đầu vào cũng không ngừng tăng hàng quý, thậm chí hàng tháng. Ngược lại, giá nước sạch từ năm 2005 đến nay

chưa điều chỉnh; năm 2008 công ty lập phương án điều chỉnh tăng giá nước, liên sở đã thẩm định nhưng tỉnh chưa phê duyệt, vì Chính phủ chỉ đạo năm 2008 toàn quốc không được tăng giá nước để góp phần kìm chế lạm phát quốc gia. Theo phương án, giá thành bình quân 5.619,6 đồng/m3, chênh lệch tăng so với phương án năm 2005 là 1.449,6 đồng/m3, nếu tính cả năm với sản lượng nước sản xuất 12.330.000 m3 công ty bị lỗ xấp xỉ 18 tỷ đồng. Đây là điều bất bình đẳng và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng bảo toàn, phát triển vốn đối với Công ty cấp nước Thanh Hoá và khó có khả năng thu hút các nhà đầu tư khi công ty cổ phần hoá.

- Về chi phí thoát nước: hiện tại Thanh Hoá đang áp dụng phí thoát nước môi trường là 5%, nằm ngoài giá nước sạch cho tất cả các đối tượng sử dụng nước. Tại địa bàn Công ty cấp nước Thanh Hoá quản lý, chi phí này UBND tỉnh giao công ty thu đồng thời với thu nước sạch, sau đó nộp về Sở Tài nguyên Môi trường, công ty được hưởng phí thu. Việc thu đồng thời với giá nước gây tâm lý cho người sử dụng là giá nước sạch cao cũng là một bất cập cho công ty Cấp nước.

- Về giá nước sinh hoạt luỹ tiến tăng dần theo bậc thang: Tại Thanh Hoá năm 2007 giá thành 01 m3 nước là 3.941 đồng. Theo quyết định của UBND tỉnh áp dụng giá nước (so với giá thành) như sau: (1) đối với hộ dân cư, sử dụng từ 1-10 m3 giá 3.100 đồng (78%), từ 10-20 m3 giá 3.700 đồng (94%), từ 20-30 m3 giá 4.400 đồng (112%), trên 30 m3 giá 5.200 đồng (132%); (2) đối với cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang, lợi ích công cộng giá 6.200 đồng (157%); (3) nước phục vụ sản xuất vật chất giá 6.500 đồng (165%); (4) nước kinh doanh dịch vụ giá 7.000 đồng (178%). Như vậy, mặc dù giá nằm trong "khung" của Bộ Tài chính nhưng giá 3.100 đồng (chiếm phần lớn) thể hiện sự bao cấp quá nặng nề và giá 6.500 đồng phục vụ sản xuất, hoặc giá 7.000 đồng kinh doanh dịch vụ so với giá 3.100 đồng là quá cao và không hợp lý [23, tr.9].

- Lãnh đạo tỉnh và các ngành cũng như người dân chưa xem nước sạch đô thị là hàng hoá, giá mang tính áp đặt theo kiểu hành chính. Chưa xác định ngành cấp nước là một lĩnh vực cần phải tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Doanh nghiệp cấp nước đã hoàn toàn chuyển sang hoạt động kinh doanh, nó phải có trách nhiệm tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, không có sự bao cấp từ ngân sách nhà nước. Người tiêu dùng có trách nhiệm và nghĩa vụ chi trả theo khối lượng sử dụng với giá cả hợp lý như các hàng hoá tiêu dùng khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 50 - 53)