Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 24/2002-TTg, Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hoá, UBND tỉnh có quyết định số 3023/2006/QĐ- UBND, Phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020. Đây là một căn cứ quan trọng không thể thiếu để các ngành các cấp, các đơn vị xây dựng và điều hành kế hoạch. Tuy nhiên, các quy hoạch vùng, lãnh thổ, các quy hoạch chi tiết còn thiếu hoặc chưa đầy đủ; còn có những khác biệt giữa quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch ngành; chất lượng quy hoạch chưa cao, nhất là tính dự báo và những số liệu điều tra, khảo sát cơ bản, điều này rất dễ dẫn tới những sai lầm trong hoạch định kế hoạch.
- Thực sự đến nay Thanh Hoá chưa có quy hoạch riêng về cấp nước cho từng khu đô thị, kể cả quy hoạch tổng thể. Các loại quy hoạch như quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy hoạch bưu chính viễn thông, quy hoạch điện lực, quy hoạch thoát nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch cấp nước còn độc lập với nhau và chưa có sự phối hợp đồng bộ. Mặt khác, khâu thực hiện và quản lý thực hiện theo quy hoạch còn trầm trọng hơn; trong các đô thị, kể cả khu đô thị mới, khu công nghiệp, việc "ngầm hoá" hệ thống cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, cấp điện chưa được Thanh Hoá coi trọng và thực tế không thực hiện được. Việc điều phối để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ chưa được phối hợp giữa các bộ chuyên ngành và chính quyền địa phương tạo nên những hạng mục công trình chấp vá, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn. Không ít công trình phá đi làm lại nhiều lần, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng công trình, gây nên những lãng phí không nhỏ. Có những hạng mục của một số ngành thi công chồng chéo, cùng lúc tại tuyến đường quốc lộ 1A (đoạn qua trung tâm thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn), khu Đông-Bắc ga... như một công trường trong nhiều ngày, ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị.
- Việc chọn vị trí các nhà máy nước kể cả nhà máy nước Hàm Rồng chưa thật hợp lý vì quá gần nhà máy nước Mật Sơn; vị trí các trạm cấp nước thị trấn huyện mang tính chủ quan nhiều hơn căn cứ khoa học, có trạm vận hành chưa được bao lâu đã hết nguồn nước. Đặc biệt là các hệ thống đường ống, vị trí các tuyến đường mang tính nhất thời, không đồng bộ với các loại quy hoạch khác; rất nhiều tuyến ống của Công ty Cấp nước Thanh Hoá phải di rời nhường chỗ cho công trình xây dựng mới, cho tái định cư; không ít tuyến ống trước đây nằm ở lề đường bây giờ lại ở tim đường, dễ hư hỏng và gây khó khăn cho công tác bảo dưỡng, quản lý.
- Nguồn nước của Thanh Hoá ước tính 10,3 tỉ m3, nước mặt 10 tỉ m3 chủ yếu tồn tại ở hệ thống sông ngòi, nước ngầm khoảng 0,3 tỉ m3; nếu đem chia bình quân, mỗi người trên 7200 lít/ngày, thuộc loại cao so với thế giới. Lượng nước ngầm được tổng cục địa chất điều tra, khảo sát, đánh giá từ những năm 60, nay chưa có cơ quan nào đánh giá lại. Trong điều kiện tự nhiên, lượng nước mặt Thanh Hoá dồi dào; tuy nhiên, thực tế tình trạng phá rừng gây xói mòn làm bồi lấp dòng sông và hạn hán gây nhiều biến động, tạo nên 2 mùa rõ rệt, mùa lũ và mùa cạn, tạo nên vùng ít nước, vùng nhiều nước rất khó khai thác.
Hiện nay Thanh Hoá cũng chưa có quy hoạch nguồn nước cho cấp nước nói chung và cho cấp nước đô thị nói riêng; chưa điều tra khảo sát đánh giá điều kiện tự nhiên, dự báo diễn biến môi trường về chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác các nguồn nước một cách bài bản có hệ thống, làm cơ sở lập quy hoạch. Các dự án nước hình thành trong thời gian qua chủ yếu khảo sát thăm dò mang tính cục bộ nguồn nước mặt gần nhất, hoặc nguồn nước ngầm do khoan giếng phục vụ lợi ích trước mắt [1, tr.130].