2.3.2.1. Về hệ thống cấp nước
- Công suất các nhà máy, các trạm cấp nước: công suất các nhà máy, các trạm cấp nước Thanh Hoá cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Theo kết quả khảo sát đánh giá của Công ty Cấp nước Thanh Hoá, việc đầu tư cấp nước đô thị chưa thật đồng bộ nhất là giữa phần mạng và phần nguồn, chỉ quan tâm đến phần nguồn là chủ yếu, phần mạng cải tạo không triệt để vẫn dùng một số đường ống cũ. Dự án cấp nước của 14 huyện tổng công suất 14.660 m3/ngày; nhiều dự án có công nghệ xử lý cũ kỹ, thiết bị lạc hậu, đặc biệt kiến trúc công trình, quy hoạch mặt bằng tổng thể trạm cấp nước không phù hợp với cảnh quan đô thị; có dự án không có hệ thống xử lý lắng lọc, khử trùng nên chất lượng nước kém, phải đóng cửa như trạm cấp nước huyện Quan Sơn công suất 600 m3/ngày, trạm cấp nước huyện Triệu Sơn công suất 500 m3/ngày, trạm cấp nước huyện Yên Định công suất 600 m3/ngày.
- Mạng lưới chuyển tải và phân phối nước: Ngoài mạng lưới chuyển tải thuộc sự án Cấp nước vệ sinh Thanh Hoá/ Sầm Sơn chủ yếu nhập từ nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn ;
số đường ống còn lại như đường ống cũ của nhà máy nước Mật Sơn có loại trên 50 năm, có loại 20 năm với nhiều chủng loại, quy cách khác nhau, nhiều tuyến rò rỉ thất thoát nước khó phát hiện để khắc phục; mặt khác mức độ mở rộng mạng lưới chỉ bó hẹp ở nội thành, nội thị, hạn chế khả năng khai thác công suất của các nhà máy vì không mở rộng được lượng khách hàng ra vùng ngoại thành, ngoại thị. ở các huyện, số đường ống của các dự án chủ yếu do trong nước sản xuất, chất lượng không đảm bảo, kích cỡ giữa các loại ống không đồng bộ, nhanh xuống cấp và không phù hợp với công suất các trạm cấp nước. Nhìn chung mạng lưới chưa thật hợp lý, chức năng của mạng truyền dẫn, mạng phân phối chồng chéo, thiếu quy hoạch dài hạn...
- Nguồn vốn đầu tư hệ thống cấp nước: nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cấp nước Thanh Hoá thực tế chỉ có hai nguồn, vốn ngân sách cấp và vốn vay, vốn tự có và vốn khác không đáng kể. Nguồn vốn đầu tư hệ thống cấp nước là 213.210 triệu đồng thì vốn ADB chiếm 63,4%. Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ADB có những bất cập, thứ nhất
vốn đối ứng, tức là phần vốn trong nước tham gia trong từng chương trình, dự án được cam kết giữa Việt Nam và phía nước ngoài trên cơ sở hiệp định, văn kiện dự án, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; thứ hai, vốn đối ứng phải lập kế hoạch hàng năm và về nguyên tắc, vốn đối ứng thuộc chương trình, dự án cấp nào thì cấp đó xử lý bằng ngân sách cấp đó. Đây là khó khăn về cân đối ngân sách đối với Thanh Hoá, một tỉnh thu ngân sách chỉ đạt 30-40% so với tổng chi. Chính vì lẽ đó mà dự án cấp nước Thanh Hoá/ Sầm Sơn mức đầu tư 16,24 triệu USD (tương đương 176.770 triệu đồng cùng thời điểm) thuộc Chương trình hỗ trợ đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB) dự kiến hoàn thành trong 3 năm, đã kéo dài 6 năm mới đưa vào sử dụng và đến nay cũng chưa có phê duyệt Quyết toán chính thức của Chính phủ; thứ ba, suất đầu tư cao, sức ép của trả nợ vay đúng kỳ hạn cả lãi và gốc, đấu thầu quốc tế [21, tr.3]...
2.3.2.2. Về quản lý nhà nước
- Bộ phận chuyên trách ngành cấp nước chưa thật sự đổi mới đúng tầm, chưa đáp ứng kịp thời nhiệm vụ được giao về quản lý hoạt động cấp nước sạch đô thị. Đặc biệt, về tổ chức chưa có hệ thống chuyên trách. Tại Thanh Hoá, Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch Xây dựng không có kỹ sư ngành nước, không có cán bộ chuyên trách riêng theo dõi hoạt động cấp nước đô thị.
- Công tác quy hoạch hoạt động cấp nước ở Thanh Hoá chưa được quan tâm đúng mức. Thực sự đến nay Thanh Hoá chưa có quy hoạch đồng bộ của cấp nước đô thị, kể cả quy hoạch tổng thể. Do đó, việc hình thành các nhà máy nước nhất là các hệ thống đường ống thiếu căn cứ khoa học mang tính nhất thời, không đồng bộ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, dẫn đến việc di chuyển đường ống thường xuyên gây lãng phí, tốn kém cho hệ thống cấp nước là điều hiển nhiên; lỗi thuộc về cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.
- Luật và các văn bản dưới luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chậm được đổi mới và tính khả thi không cao. Điển hình như việc hướng dẫn phương pháp và thẩm quyền xác định giá nước: tháng 4 năm 1997 có thông tư liên bộ số 02/1997TTLT, thì tháng 6 năm 1999 thay thế bằng thông tư liên bộ số 03/1999/TTLT do sự thay đổi của của các luật thuế, chứng tỏ sự không đầy đủ và tầm nhìn ngắn hạn của cơ quan quản lý; mặc dù thông tư 03/1999/TTLT có nhiều bất cập vì chưa đề ra được nguyên tắc xác định giá nhưng mãi đến tháng 11 năm 2004 liên bộ mới ban hành thông tư thay thế số 104/2004/TTLT, thể hiện sự không kịp thời và chậm đổi mới; hoặc cần có một định hướng ở cấp quốc gia cho hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì sau hơn 20 năm đổi mới nghị định 117/CP mới ra đời.
- Cơ chế, chính sách tài chính chưa phù hợp, khó thực hiện, đặc biệt là chính sách giá nước và chính sách huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án: Những chính sách về quản lý và phát triển ngành cấp nước nói chung và cấp nước đô thị nói riêng, nhất là chính sách tài chính còn chung chung, chẳng hạn như thông tư 104/2004/TTLT quy định về chi phí quản lý doanh nghiệp trong đó có tiền lương, phụ cấp... của bộ máy quản lý nhưng lại không khống chế số lượng người là bao nhiêu, gây khó khăn cho liên ngành khi thẩm định phương án giá nước của doanh nghiệp; hoặc chính sách giá nước chưa phù hợp, mặc dù Bộ Xây dựng và Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế để có cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhưng khi thông tư 104/TTLT và nghị định 117/CP ra đời nguyên tắc tính giá nước là "tính đúng, tính đủ chi phí, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, khách hàng và để doanh nghiệp duy trì và phát triển" nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn không thực hiện đúng, trong đó có Thanh Hoá.
- Sự tham gia của cộng đồng trong công tác đầu tư, quản lý và bảo vệ hệ thống dịch vụ cấp nước: Hiện nay ở Thanh Hoá trong huy động vốn đầu tư gần như không có, ngoài số vốn đầu tư ứng trước (bỏ vốn ra đầu tư và thu hồi vốn sau) của cụm dân cư ở khu vực nào đó đầu tư hệ thống đường ống phân phối mạng cấp III, xuất phát từ một vài người có tiền mà nhà của họ ở khu vực đó. Lý do, bỏ vốn đầu tư cấp nước không hiệu quả, thu hồi vốn chậm, nhà nước chưa có chính sách sách khuyến khích huy động nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng. Mức độ khó huy động vốn còn tồn tại cùng với sự tồn tại bất hợp lý của giá nước chưa được giải quyết.
- Quản lý tài nguyên nước và phát triển hệ thống cấp nước: Nguồn nước chủ yếu sử dụng là nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt thực tế ở Thanh Hoá không thật dồi dào, hiện tượng khai thác bừa bãi rừng, không giữ được nước và làm cho xói mòn đất nhanh, gây nên hiện tượng bồi lấp dòng sông, nhiều vùng đồng bằng thiếu nước, vùng biển nhiễm mặn. Nguồn nước ngầm ở Thanh Hoá không nhiều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng; mặt khác việc khoan giếng bừa bãi thiếu quy hoạch, gây hiện tượng sụt lở đất làm cho nước ngầm ngày càng khan hiếm và ô nhiễm.
Những năm gần đây môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề do nhiều nguyên nhân, sự lạm dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, các chất thải công nghiệp không qua xử lý ngày càng lớn gia tăng cùng với sự gia tăng tốc độ phát triển đô thị; rất nhiều vùng có biểu hiện suy thoái về chất lượng nước. Công tác quản lý tài nguyên nước ở Thanh Hoá chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, tình trạng buông lỏng quản lý kéo dài tác động xấu đến nguồn nước. Rất ít thấy cá nhân hay tổ chức nào ở Thanh Hoá bị xử lý do khai thác bừa bãi, hay gây ô nhiễm nguồn nước như luật bảo vệ tài nguyên nước quy định.
2.3.2.3. Về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo nghị quyết TW 3 khoá IX, Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cấp nước từ hoạt động công ích sang hoạt động kinh doanh. Như vậy doanh nghiệp cấp nước hoạt động kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh khác, nghĩa là lấy hiệu quả hoạt động làm thước đo.
Đứng ở góc độ kinh doanh theo cơ chế thị trường thì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không hiệu quả thể hiện ở các chỉ tiêu đánh giá như sau (bảng một số chỉ tiêu):
Tỷ suất doanh thu: doanh thu năm 2002 là 19.176 triệu đồng, năm 2007 là 62.539 triệu đồng; tỷ suất doanh thu năm 2002 trên tổng tài sản đạt 75,1%, trong khi đó tỷ suất doanh thu năm 2007 trên tổng tài sản chỉ đạt 25,5%; tỷ suất doanh thu năm 2002 trên vốn nhà nước đạt 176,3%, trong khi đó tỷ suất doanh thu năm 2007 trên tổng tài sản chỉ đạt 41,1%;
Tỷ suất lợi nhuận: lợi nhuận năm 2002 là 917 triệu đồng, năm 2007 là 2.198 triệu đồng; tỷ suất lợi nhuận năm 2002 trên tổng tài sản đạt 3,6%, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận năm 2007 trên tổng tài sản chỉ đạt 0,89%; tỷ suất lợi nhuận năm 2002 trên vốn nhà nước đạt 8,42%, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận năm 2007 trên vốn nhà nước chỉ đạt 1,44%;
Nộp ngân sách: năm 2002 nộp 2.640 triệu đồng; năm 2003 nộp 2.166 triệu đồng; năm 2004 nộp 2.743 triệu đồng; năm 2005 nộp 3.308 triệu đồng; năm 2006 nộp 6.323 triệu đồng; năm 2007 nộp 7.097 triệu đồng.
Thu nhập bình quân của người lao động/ tháng: năm 2002 đạt 1,16 triệu đồng; năm 2003 đạt 1,37 triệu đồng; năm 2004 đạt 1,47 triệu đồng; năm 2005 đạt 1,58 triệu đồng; năm 2006 đạt 1,88 triệu đồng; năm 2007đạt 2,21 triệu đồng [20, tr.3].
Trên đây là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tổng hợp của hoạt động cấp nước, hoạt động xây lắp và hoạt động tư vấn của công ty. Nếu chỉ tính riêng hoạt động cấp nước tình hình sẽ rất khó khăn vì doanh thu không đủ bù đắp chi phí, đặc biệt là chi phí khấu hao tài sản cố định. Năm 2007 tổng doanh thu 62.839 triệu đồng, doanh thu cấp nước 33.860 triệu đồng chiếm 54%; trong khi đó tổng nguyên giá tài sản cố định 233.513 triệu đồng thì nguyên giá tài sản thuộc hệ thống cấp nước là chủ yếu 213.210 triệu đồng bằng 91,3%; Chính vì lẽ đó, công ty thường bù trừ bằng doanh thu các công việc khác mà chủ yếu là xây lắp. Thực tế trong phương án giá nước công ty lập, liên ngành thẩm định thường áp mức trích khấu hao tối thiểu vào giá thành nước. Năm 2007 mức trích khấu hao 9.716 triệu đồng, so với nguyên giá tỷ lệ đạt 4,16%, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lãi 2.198 triệu đồng; nếu áp dụng mức khấu hao trung bình 5%, mức trích là 11.676 triệu
đồng, cao hơn mức đã trích 1.960 triệu đồng (11.676-9.716) và như vậy lãi sẽ không đáng kể, hoặc nếu áp dụng mức trích khấu hao trên trung bình hay khấu hao nhanh công ty sẽ lỗ.
- Cơ cấu tổ chức quản lý và khả năng vận hành hệ thống cấp nước
Về cơ cấu tổ chức quản lý chưa rõ ràng, chưa có một cơ cấu thống nhất. Công ty cấp nước Thanh Hoá (thuộc tỉnh) hiện nay quản lý nhà máy nước Mật Sơn, nhà máy nước Hàm Rồng thuộc Thành phố Thanh Hoá, cung cấp nước sạch cho địa bàn Thành phố Thanh Hoá và thị xã Sầm Sơn; nhà máy nước Bỉm Sơn thuộc Thị xã Bỉm Sơn, cung cấp nước sạch cho địa bàn Thị xã Bỉm Sơn; Trạm cấp nước Bút Sơn thuộc Huyện Hoằng Hoá, cung cấp nước sạch cho địa bàn Thị trấn Bút Sơn. Công ty nước sạch nông thôn (thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) quản lý trạm cấp nước Vĩnh Lộc thuộc huyện Vĩnh Lộc cung cấp nước sạch cho địa bàn Thị trấn Vĩnh Lộc; trạm cấp nước Vạn Hà thuộc huyện Thiệu Hoá cung cấp nước sạch cho địa bàn Thị trấn Vạn Hà. Các trạm cấp nước còn lại do UBND huyện thành lập ban quản lý hoặc giao cho một đội khai thác kinh doanh.
Khả năng vận hành cấp nước đô thị còn nhiều bất cập, nhất là tại các trạm cấp nước thuộc huyện quản lý, 4 trạm cấp nước hoạt động kinh doanh năm 2007 của các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Thiệu Hoá, Tĩnh Gia, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khấu hao cơ bản, bảo dưõng vận hành kém. Thực tế cho thấy ở các trạm do không có bộ phận chuyên môn, kỹ thuật cũng như khả năng quản lý nên khi đi vào vận hành sản xuất kinh doanh không hiệu quả, công trình xuống cấp rất nhanh, nhiều trạm phải ngừng hoạt động. Tại Công ty cấp nước Thanh Hoá, chưa năng động trong điều hành sản xuất, huy động vốn đầu tư dự án; công tác chống thất thoát nước mới chú trọng trong khâu quản lý chứ chưa chú trọng nhiều đến đầu tư chiều sâu, phân vùng tách mạng, cải tạo và thay thế hệ thống ống; chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ công nhân có tay nghề cao; chưa tạo lập được một đội ngũ quản lý nòng cốt giỏi về quản trị doanh nghiệp, làm đầu tầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Có thể thấy, cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động cấp nước không đồng bộ và còn rườm rà như hiện nay của Tỉnh Thanh Hoá là một trở ngại thực sự kìm hãm sự phát triển hoạt động cấp nước đô thị. Hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, không phát huy được vai trò chủ động trong sản xuất kinh doanh, không thật sự tự chủ về tài chính
trong việc vay vốn và trả nợ, trong hạch toán giá thành; mức độ bảo toàn phát triển vốn còn hạn chế.
- Phương pháp tính giá nước và định giá nước làm nhiều loại bất hợp lý:
Chính sách giá nước có liên quan mật thiết đến tự chủ tài chính của doanh nghiệp cấp nước, đến sự vững mạnh của ngân sách cấp tỉnh, đến khả năng tiếp cận dịch vụ nước của người nghèo và đến chủ trương xã hội hoá việc cung ứng dịch vụ cấp nước, phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng phúc lợi (không ít hơn 3 tháng lương)...
Thực tế quá trình thực hiện chính sách mới tại Thanh Hoá bộc lộ một số khó khăn, bất cập như:
Giá nước sạch liên ngành thẩm định chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố của chi phí sản xuất theo thông tư 104/2004/TTLT; xây dựng giá thành nước dùng giá tại thời điểm cho các loại phí đầu vào; khi giá nước được áp dụng và thời gian duy trì giá càng dài, giá các yếu tố đầu tính toán ban đầu tỏ ra rất lạc hậu vì thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt trích khấu hao tài sản cố định ở mức thấp dưới 5%.
Tính khoản trả lãi vay từ nguồn vốn ADB chưa kịp thời, tài sản hoàn thành dưa vào sử dụng 6/2001, đến tháng 11/2005 mới tính lãi vay. Đây là vấn đề nhận thức chưa đầy đủ về nghĩa vụ của bên vay đối với các tổ chức cho vay.