Đổi mới cơ chế, chính sách

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 79 - 81)

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách hơn nữa để phát triển hoạt động cấp nước sạch đô thị theo hướng bền vững, phù hợp với cơ chế thị trường và dễ thực thi:

- Các văn bản pháp lý liên quan đến cấp nước đô thị, đặc biệt kể từ khi nghị định 117/CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và văn bản hướng dẫn của hai Bộ Xây dựng, Tài chính, thực hiện một số nội dung của nghị định, trong đó có quyết toán vốn đầu tư ra đời, đã hình thành một khung pháp lý khá đầy đủ cho lĩnh vực cấp nước. Tuy nhiên, mô hình tổ chức thay đổi, cùng với yêu cầu sắp xếp đổi mới ngành nước, cũng như tính khả thi của các văn bản pháp lý hiện hành còn nhiều bất cập, rất cần thiết phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách; trong đó có khung giá nước quốc gia để tạo lập môi trường thuận lợi, cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho việc chuyển các công ty cấp nước sang hoạt động sản xuất kinh doanh, tự chủ được tài chính.

- Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương có sự tham gia của Hội cấp thoát nước Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn thực thi phải đồng bộ, để có một khung pháp lý thật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đặc biệt một số chính sách trong Thông tư liên bộ số 104/2004/TTLT và Quyết định số 38/2005/QĐ quy định nguyên tắc tính giá, thẩm quyền quyết định giá và khung giá nước chưa thật phù hợp với thực tế hiện nay và cũng khập khễnh với nghị định 117/CP; trong các loại chi phí để cấu trúc giá thành không có loại chi phí như chi phí thay và gắn đồng hồ nước, chi phí xử lý bùn, chi phí xúc xả đường ống định kỳ, hoặc lợi nhuận hợp lý thì không thể gọi là lợi nhuận định mức và ấn định 3%, hoặc giá nước sinh hoạt trong khung ấn định tối thiểu 2.500 đồng, tối đa 8.000 đồng có mâu thuẫn với nguyên tắc tính giá nước là tính đúng tính đủ mà vượt khung, hoặc thẩm quyền quyết định giá nước của tỉnh...Mặt khác, nguyên tắc tính giá có nêu giá phải phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng mà khả năng chi trả lại không được xác định. Tháng 7/2007 Chính phủ ban hành nghị định 117/CP, giao cho Liên bộ hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp tính giá nước, nhưng đến nay liên bộ vẫn chưa sửa đổi bổ sung thêm một ý rất quan trọng của nguyên tắc đó là, Trường hợp quyết định giá nước thấp hơn phương án đã dược tính đúng, tính đủ thì UBND tỉnh phải cấp bù. Do vậy, chính sách cần rà soát lại những bất hợp lý để bổ sung, nhất là chính sách giá nước, cần xem đây là cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho việc đổi mới mô hình tổ chức và cổ phần hoá các công ty cấp nước.

- Thay đổi quan niệm của cộng đồng về sản phẩm công ích nước sạch, cũng như việc quy định khung giá nước và giá bán nước sạch đối với công ty cấp nước khi chuyển sang kinh doanh, có xét đến tính đặc thù của sản phẩm nước để kết hợp giữa mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng: Mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng nước sạch trong kinh doanh dịch vụ phải áp dụng giá theo nguyên tắc hạch toán kinh tế; mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng nước sạch cho đời sống thiết yếu của cộng đồng dân cư đô thị, thì xác định giá nước có yếu tố sản phẩm công ích để phù hợp với thu nhập của dân cư để đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì có yếu tố sản phẩm công ích này, các công ty cấp nước phải được hưởng phần ưu đãi, hỗ trợ của cơ chế chính sách đối với phần giá chênh lệch giữa sản phẩm công ích và sản phẩm kinh doanh. Đây là sự thay đổi rất căn bản về sự bóc tách, phân định để đưa ra phương án xử lý giữa kinh doanh nước sạch với cơ chế, chính sách cho sản phẩm công ích một cách rõ ràng, minh bạch, đảm bảo sự công bằng.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính, cải cách kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh: trên cơ sở tách bạch một cách căn bản, rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong hoạt động cấp nước sạch đô thị, với chức năng quản lý kinh doanh của các công ty cấp nước để công ty cấp nước chuyển hẳn sang hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Thời gian tới, song song với việc chuyển công ty cấp nước sang hoạt động kinh doanh, tỉnh Thanh Hoá cần có lộ trình cắt giảm dần bao cấp, nhất là cấp vốn kinh doanh, vốn đầu tư cho các dự án. Bước đầu ở giai đoạn chuyển đổi, nhà nước vẫn còn cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ bản các nhà máy nước quy mô lớn là điều khó tránh để tạo dựng cho công ty cấp nước ổn định trước khi bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các khu đô thị lớn có nhu cầu cao về sản phẩm nước sạch; mặt khác, công ty cấp nước cũng chưa đủ tiềm lực tự đầu tư và trang trải các khoản đầu tư với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nhưng các công ty nước cần thấy được, điều kiện có tính quyết định chuyển sang hạch toán kinh doanh là xoá bỏ bao cấp; điều đó đòi hỏi phải có cơ chế chính sách, giải pháp thích hợp đối với quản lý sản phẩm nước sạch mang tính công ích theo yêu cầu kinh doanh của công ty cấp nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý hoạt động cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá doc (Trang 79 - 81)