* Quản lý giá tiêu thụ nước sạch đô thị
Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản liên quan đến giá nước sạch như: nguyên tắc tính giá nước; căn cứ lập, điều chỉnh giá nước; trình tự lập và trình phương án giá nước; thẩm quyền quyết định giá nước phù hợp với định hướng Chiến lược cấp nước đô thị. Theo đó, liên Bộ Tài chính-Xây dựng hướng dẫn về nguyên tắc tính giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý để doanh nghiệp duy trì và phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, sử dụng nước tiết kiệm; Giá được xác định theo khối lượng tiêu thụ và mục đích sử dụng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng nước, nguồn nước, điều kiện sản xuất thực tế và khả năng chi trả của khách hàng đồng thời phải nằm trong khung giá của Nhà nước. Giá nước được xem xét điều chỉnh khi có biến động về chi phí sản xuất, sự thay đổi chế độ chính sách của nhà nước. Doanh nghiệp cấp nước lập phương án giá nước cho từng nhóm đối tượng theo mục đích sử dụng và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt [2, tr.1].
Như vậy, Nhà nước quy định khung giá; doanh nghiệp được đề xuất giá qua phương án, không có quyền định giá; Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá nước sinh hoạt phù hợp với khung giá.
Đối với giá tiêu thụ nước sạch theo mục đích sử dụng căn cứ vào giá tiêu thụ nước sạch bình quân, khung giá của Nhà nước và căn cứ vào cơ cấu đối tượng tiêu thụ nước để xác định hệ số tính giá theo nguyên tắc, tổng các mức giá bình quân cho các đối tượng bằng mức giá tiêu thụ bình quân; hệ số tính giá tiêu thụ nước sạch tối thiểu bằng 0,8 và tối đa bằng 3.
* Chống thất thu, thất thoát nước
Thất thoát nước là lượng nước mất đi không sử dụng, thường là do đường ống, phụ kiện, công trình bị hư hỏng để rò rỉ mất nước. Thất thu nước là lượng nước sử dụng nhưng không thu được tiền, thường là nước không qua đồng hồ hoặc nước lấy từ vòi nước trái phép. Tình hình thất thoát thất thu tiền nước hết sức bức bách đối với các công ty cấp nước trên toàn
quốc, năm 1998 thất thoát, thất thu ước tính chiếm từ 40-50%, năm 2007 khoảng 34% [7, tr.85]. Từ trước đến nay, chúng ta thường triển khai các dự án nhằm nâng cao công suất, mở rộng hệ thống xử lý, nhưng lại ít quan tâm đến mạng lưới cấp nước và vấn đề đo đếm, ghi thu; quên rằng việc hạn chế thất thoát thất thu nước là một biện pháp hữu hiệu nâng cao năng lực ngành cấp nước rất hiệu quả mà không mất thêm vốn đầu tư. Những biện pháp chống thất thoát thất thu nước cụ thể là công việc của mỗi công ty cấp nước và chính quyền địa phương; quản lý nhà nước ban hành khung, hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật sản xuất nước sạch làm cơ sở kiểm tra, giám sát với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát theo lộ trình, tiến tới đạt tỷ lệ thất thoát theo chuẩn của Hội cấp nước Quốc tế.
Theo quy định hiện hành, đối với mạng cấp nước đã đưa vào sử dụng tỷ lệ thất thu, thất thoát: dưới 10 năm không quá 25%, từ 10 năm trở lên không quá 35%, mạng hỗn hợp không quá 30%; tỷ lệ này được điều chỉnh hàng năm theo hướng giảm dần để đạt được tỷ lệ ở mức thấp nhất [2, tr.4]