Thực hiện việc đổi mới sắp xếp doanh nghiệp theo kế hoạch phê duyệt của Chính phủ, ngày 29/7/2005 Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 2099/QĐ, chuyển Công ty cấp thoát nước Thanh Hoá hoạt động theo luật doanh nghiệp nhà nước thành Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên cấp nước Thanh Hoá (gọi tắt là Công ty cấp nước Thanh Hoá) hoạt động theo luật doanh nghiệp.
- Năm 2003 tỉnh Thanh Hoá thực hiện chế độ xoá bỏ cấp sở chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, Sở Xây dựng không còn là sở chủ quản của Công ty cấp nước Thanh Hoá, chủ sở hữu công ty là UBND tỉnh. Nhà nước xác định loại hình công ty cấp nước là hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực chất Công ty cấp nước Thanh Hoá và trạm cấp nước tại các thị trấn chủ yếu hoạt động công ích (bao cấp) thể hiện rõ nét ở 2 vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, UBND tỉnh quyết định giá tiêu thụ nước sạch đối với Công ty cấp nước Thanh Hoá còn thấp, do căn cứ vào tờ trình của liên sở Tài chính-Xây dựng sau khi liên sở thẩm định phương án giá nước do công ty lập. Giá nước sạch qua các giai đoạn chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố của chi phí sản xuất; đặc biệt là chi phí khấu hao tài sản cố định, liên ngành thường chọn khung thời gian tối đa để có mức trích khấu hao tối thiểu vào giá nước. Chính vì lẽ đó, công ty thường bù trừ bằng doanh thu các công việc khác mà chủ yếu là xây lắp. Cụ thể, năm 2002 tổng doanh thu 19.185 triệu đồng, trong đó doanh thu khác 11.182 triệu đồng chiếm 58%; năm 2007 tổng doanh thu 62.839 triệu đồng, trong đó doanh thu khác 28.979 triệu đồng chiếm 46% [20, tr.2]. UBND tỉnh là đại diện chủ sở hữu, nghĩa là tỉnh thực hiện quyền sở hữu tài sản tại công ty, tỉnh giao cho công ty quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, hiện không có một hợp đồng nào giữa tỉnh và công ty để phân định quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên.
Thứ hai, những dự án đầu tư cấp nước, đặc biệt là dự án tại các huyện được ngân sách cấp vốn. Khi dự án đầu tư xong, các trạm cấp nước chuyển sang vận hành khai thác, doanh thu chỉ đủ để bù đắp chi phí vận hành nên không có nguồn khấu hao cơ bản để phục hồi và tái tạo tài sản cố định. Trong 14 dự án tại các huyện 7 dự án chưa hoàn thành; dự án huyện Quan Sơn hoàn thành năm 2000, công suất 600 m3/ngày, vốn đầu tư 1.600 triệu đồng, đây là hệ thống tự chảy và là dự án tình thế giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho thị trấn Quan Sơn, huyện dự kiến trình tỉnh bổ sung vốn để nâng cấp; dự án huyện Triệu Sơn hoàn thành năm 1994, công suất 500 m3/ngày, vốn đầu tư 870 triệu đồng, hiện tại đang chờ vốn ngân sách để nâng cấp; dự án huyện Yên Định hoàn thành năm 1994, công suất 600 m3/ngày, vốn đầu tư 1.400 triệu đồng, công nghệ lạc hậu, hệ thống phân phối chất lượng kém, hiện tại huyện đang lập dự án đầu tư trạm cấp nước mới. Còn lại 4 dự án, hoạt động kinh doanh năm 2007 thể hiện: Trạm cấp nước thị trấn Vạn Hà vốn đầu tư 7.200 triệu đồng, doanh thu 391 triệu đồng; trạm cấp nước thị trấn Thạch Thành vốn đầu tư 1.800 triệu đồng, doanh thu 50 triệu đồng; trạm cấp nước thị trấn Hà Trung vốn đầu tư 9.000 triệu đồng, doanh thu 280 triệu đồng; trạm cấp nước thị trấn Tĩnh Gia vốn đầu tư 6.100 triệu đồng, doanh thu 194 triệu đồng [19, tr.4] Như vậy, doanh thu chỉ đạt 2-5% vốn đầu tư, trong khi đó mức trích khấu hao ngành nước bình quân trên 5%. Rõ ràng, doanh thu
không đủ bù đắp khấu hao cơ bản nên hệ thống xuống cấp không có khả năng phục hồi, phải trông chờ ngân sách tỉnh cấp phát thể hiện tính bao cấp rõ nét.
- Cơ chế quản lý hoạt động cấp nước tại Thanh Hoá cũng còn nhiều khác biệt. Trước đây, Công ty cấp nước Thanh Hoá được giao nhiệm vụ cấp nước chủ yếu đối với thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn; thì nay giao thêm thị xã Bỉm Sơn và thị trấn một số huyện giáp gianh thành phố Thanh Hoá như Hoằng Hoá, Quảng Xương, Đông Sơn. Theo quy định hiện hành, cấp nước thị trấn cũng như cấp nước ở các đô thị lớn thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, thực tế về quản lý hoạt động cấp nước ở các thị trấn chưa rõ ràng, có trạm thuộc Công ty cấp nước Thanh Hoá, có trạm thuộc huyện quản lý, có trạm thuộc Công ty cấp nước nông thôn quản lý. Đúng như đánh giá của ngân hàng thế giới, không có một tổ chức riêng biệt nào chịu trách nhiệm về việc đề ra chính sách cấp nước và quản lý thực hiện chính sách này cho thị trấn như một phân khúc của thị trường, với lý do thị trấn quá nhỏ để quản lý theo mô hình công ty và quá lớn để quản lý theo mô hình cộng đồng [34, tr.5]. Chính phủ đã ban hành nghị định 117/CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, năm 2008 các Bộ Xây dựng, Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn nghị định, đã phân định rất rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động cấp nước sạch đô thị, kể cả UBND các cấp và các doanh nghiệp cấp nước.
- Cơ chế chính sách không đồng bộ, chưa bao quát và khó thực thi như, tỉnh vẫn chưa thực hiện cấp bù khi quyết định giá nước thấp hơn phương án đã được tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc xác định giá nước trong nghị định 117/CP vì nguyên tắc trong thông tư 104/2004 không có nội dung này; hoặc khung giá nước cũng cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế , hay lợi nhuận định mức ấn định 3% là quá thấp và cứng nhắc... Nghị định 117/CP ra đời sau và tính pháp lý cao hơn nên nguyên tắc trong thông tư 104/2004/TTLT cần được bãi bỏ.
Mặc dù cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là sự ra đời của nghị định 117/CP đã hình thành một khung pháp lý khá đầy đủ cho lĩnh vực cấp nước. Tuy nhiên, mô hình tổ chức thay đổi cùng với yêu cầu sắp xếp đổi mới ngành nước đòi hỏi một khung pháp lý thật phù hợp với thực tế là tối cần thiết nhưng không dễ. Hai năm trước Công ty cấp nước Thanh Hoá được tỉnh và Chính phủ chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước; thì nay lại thấy cần phải chuyển đổi thành công ty cổ phần
nhà nước năm giữ trên 50% số cổ phần mới hợp lý. Chính vì lẽ đó, có quyền đặt câu hỏi về mô hình tổ chức cấp nước của tỉnh Thanh Hoá, về tính khả thi của nghị định 117/CP đối với một số vấn đề, trong đó có chính sách giá nước và đánh giá tài sản công trình cấp nước đã đầu tư; chỉ đạo việc chuyển giao các công trình cấp nước tập trung tại các thị trấn huyện. Do vậy, cần phải rà soát lại để sửa đổi cơ chế chính sách một cách phù hợp thực tiễn hơn nữa, tạo tiền đề cho sự pháp triển bền vững của các doanh nghiệp cấp nước trong cơ chế thị trường.