Tỷ lệ dân số đô thị Thanh Hoá năm 2006 khoản 360.323 người chiếm 9,8% tổng dân số được cấp nước bởi Công ty cấp nước Thanh Hoá và các trạm cấp nước thị trấn huyện [25, tr.18].
Tại 14 huyện có dự án cấp nước với số dân đô thị là 98.407 người , 14 trạm cấp nước tổng công suất thiết kế 14.660 m3/ngày, vốn đầu tư 100.470 triệu đồng. Năm 2007 chỉ có 4 huyện với số dân đô thị là 27.500 người được cung cấp bởi 4 trạm cấp nước, công suất thiết kế 4 trạm 3.460 m3/ngày; thực tế chỉ có 20.850 người dùng nước, mức độ bao phủ cấp nước đạt 76%; lượng nước tiêu thụ trong năm là 366.135 m3, chỉ đạt bình quân 48 lít/ người/ ngày; công suất thực tế 1.003 m3/ ngày chỉ bằng 29% công suất thiết kế (1.003 m3/ 3.460 m3). Hoạt động kinh doanh năm 2007 của 4 trạm thể hiện: doanh thu 915 triệu đồng [19, tr.2], bằng 3,8% vốn đầu tư (915 triệu đồng/24.100 triệu đồng), chứng tỏ hoạt động hiệu quả kém; doanh thu không đủ bù đắp khấu hao cơ bản.
Như vậy, thực chất hoạt động cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá từ năm 2007 trở về trước cơ bản được thực hiện bởi Công ty cấp nước Thanh Hoá. Do vậy kết quả cấp nước đô thị toàn tỉnh, có thể được đánh giá bằng các chỉ tiêu chủ yếu của công ty qua các thời kỳ hoạt động.
Tính đến thời điểm 31/12/2007, tổng công suất theo thiết kế tại các nhà máy công ty quản lý là 50.750 m3/ngày, nếu phát huy hết công suất đủ cấp nước sinh hoạt cho 249.300 người dân đô thị, với mức cấp 143 lít/người/ngày.
Tuy nhiên, mạng lưới đường ống cũ của nhà máy nước Mật Sơn gây thất thoát thất thu nhiều nhất. Đặc biệt, do địa bàn quản lý quá rộng, người dân đô thị dùng nước tiết kiệm, nên thực tế công ty chỉ sử dụng khoảng 62,3% công suất, đủ cung cấp nước cho 249.300 người với mức cấp 89 lít/người/ngày, mức cấp vào loại trung bình so với cả nước [21, tr.3].