Thường xuyên tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay doc (Trang 90 - 93)

e) Về thủ tục giải quyết khiếu nại:

3.2.2. Thường xuyên tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

cáo trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật có vị trí rất quan trọng trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng vấn đề không kém phần quan trọng là việc thực thi pháp luật đó trong cuộc sống như thế nào. Các quy phạm pháp luật sẽ chỉ là những quy phạm pháp luật chết nếu nó không được thực hiện, không được cuộc sống cháp nhận. Khẳng định vấn đề này, đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng bí thư của Đảng trong thư gửi cán bộ nhân viên ngành Tư pháp nhân dịp 50 năm thành lập ngành đã viết: " có một hệ thông pháp luật đầy đủ, đồng bộ cũng mới chỉ là có được một yếu tố cần của Nhà nước pháp

quyền nhưng chưa đủ. Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân, đòi hỏi pháp luật phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và công bằng theo nguyên tắc mọi người dân bình đẳng trứơc pháp luật " (Một số bài viết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta về ngành Tư pháp - Thông tin khoa học pháp lý 1995).

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật là hai mặt biện chứng của một vấn đề. Kết quả của việc hoàn thiện pháp luật ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của việc thực hiện pháp luật và ngược lại. Hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã và đang phát huy vai trò, tác dụng và những giá trị to lớn của mình trong sự phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mà nội dung của nó ngày càng mở rộng hơn quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực giám sát, quản lý hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; thông qua pháp luật khiếu nại, tố cáo công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi nó bị xâm phạm từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên không phải văn bản pháp luật nào cũng đều phát huy được tác dụng, thậm chí còn bị lạc hậu nhanh chóng. Điều đó có nguyên nhân sâu xa bởi pháp luật cũng chỉ là sự phản ánh luôn bị lệ thuộc vào những biến đổi xã hội. Hơn nữa, việc nghiên cứu, đánh giá không chính xác, không đầy đủ những yếu tố khách quan khi ban hành pháp luật cũng dẫn tới có những quy phạm pháp luật không phù hợp vớí những đòi hỏi của cuộc sống, do đó rất khó được xã hội chấp nhận. Chính vì thế, để phát huy được vai trò, tác dụng của mình trong đời sống xã hội, pháp luật nói chung và pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng luôn luôn phản ánh đúng, đầy đủ hiện thực khách quan, những tiến trình đang diễn ra trong đời sống xã hội. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc thường xuyên phân tích, đánh giá, thực trạng pháp luật hiện hành, thực trạng thực hiện pháp luật. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá thực trạng mà phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo, những chỗ pháp luật còn bỏ ngỏ hay những chỗ không còn phù hợp của những văn bản pháp luật hiện hành. Từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống đang đặt ra, và phát hiện ra những yêu cầu điều chỉnh pháp luật mới của xã hội, của quản lý nhà nước mà kịp thời xây dựng, ban hành pháp luật.

Đất nước ta mới đi vào xây dựng nền kinh tế mới, nến kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những quan hệ hành chính, kinh tế, dân sự, xã hội... có những thay đổi sâu sắc, lại đang hết sức biến động trong từng ngày, từng giờ. Vì thế, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật cũng như thực trạng thực hiện pháp luật trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay.

Từ đó, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và thực trạng thực hiện pháp luật đó mà tìm ra những ưu điểm cũng như những hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, Nhà nước có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân tốt hơn; và kiện toàn cơ chế thực hiện bộ phận pháp luật này về mọi phương diện như: tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong phân công, phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, thanh tra nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội như: mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của nó, các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình...; về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phù hợp với chức năng thực thi pháp luật, về những điều kiện đảm bảo cho việc thực thi pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.v.v..

Tóm lại, nếu không có những tổng kết thực tiễn, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật và thực trạng pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân thì không thể có cơ sở khoa học, xác đáng để thực hiện hoàn thiện pháp luật đó, càng không thể có được những văn bản pháp luật có chất lượng cao, phù hợp với ý Đảng, lòng dân, với thực tiễn khách quan cũng như yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và quản lý đất nước.

Vì thế, thường xuyên tổng kết, đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội là một trong những giải pháp hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay làm cho pháp luật đó trở thành "pháp luật trong hành động" xứng đáng là công cụ hữu hiệu, sắc bén để thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và của xã hội; củng cố sâu sắc mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong xã hội ta.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay doc (Trang 90 - 93)