Trước hết cần phải khẳng định rằng: Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Trong lịch sử chỉ có 4 kiểu nhà nước: chủ nô, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước pháp quyền, nói một cách khái quát, là hệ thống các tư tưởng, quan điểm đề cao pháp luật, pháp chế trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước và trong đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Đương nhiên, cũng như Nhà nước, pháp luật bao giờ cũng mang bản chất giai cấp, phục vụ cho lợi ích của giai cấp cầm quyền.
Các tư tưởng, quam điểm liên quan đến Nhà nước pháp quyền xuất hiện từ rất sớm, tiêu biểu là các nhà tư tưởng Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Trong phong trào đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến tàn bạo, chuyên chế, độc tài, các tư tưởng, quan điểm về một Nhà nước pháp quyền vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng được hoàn thiện đầy đủ hơn, rõ nét hơn.
Nói chung, các nhà tư tưởng trong lịch sử đều cho rằng Nhà nước phải tuân thủ pháp luật, bị ràng buộc bởi pháp luật mặc dù pháp luật đó do chính Nhà nước đặt ra nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho giai cấp thống trị.
Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội từ năm 2001 đến năm 2010, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu
"xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam" [ 6, tr.131 ].
Có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau khi đề cập đến vấn đề Nhà nước pháp quyền, nhưng tựu trung có thể khái quát một số dấu hiệu đặc trưng thuộc nội hàm của khái niệm Nhà nước pháp quyền Việt Nam theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ IX như sau:
Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, chất lượng cao, thể hiện được ý chí, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với hiện thực khách quan, thúc đẩy tiến bộ xã hội, trong đó Hiến pháp và các bộ luật phải giữ vị trí tối cao. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và mọi thành viên trong xã hội phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Thứ hai, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện (qua cơ quan nhà nước do mình bầu ra) và hình thức dân chủ trực tiếp bằng các hoạt động giám sát, kiểm tra và các hoạt động khác đối với các cơ quan nhà nước.
Thứ ba, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước thực hiện được quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường được pháp chế trong xã hội, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hành động của mình; bởi lẽ trong Nhà nước pháp quyền con người là giá trị và mục tiêu cao quý nhất của Nhà nước.
Thứ tư, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền : lập pháp, hình pháp và tư pháp, nhằm hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, xâm phạm tới lợi ích hợp pháp của công dân từ phía Nhà nước.
Với những dấu hiệu đặc trưng nêu trên, Nhà nước pháp quyền của chế độ ta thể hiện những tư tưởng, quan điểm tích cực, tiến bộ, phản ánh mơ ước và khát vọng của nhân dân đối với công lý, tự do, bình đẳng trong một xã hội còn giai cấp. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, chúng ta đặt vấn đề đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước theo định hướng xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực chất là tiếp thu những quan điểm tích cực, tiến bộ và khoa học về Nhà nước pháp quyền, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, dựa trên nền tảng là liên minh công nhân- nông dân-trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là Nhà nước đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, vì thế quyền lực nhà nước là thống nhất, không tam quyền phân lập nhưng có phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước về mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là Nhà nước thực hiện được quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi trường hợp vi phạm pháp luật, nhằm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do dân chủ, lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo hiệu lực , hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Đó là Nhà nước mà mọi tổ chức, hoạt động của Nhà nước, của nhân viên nhà nước phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình.
Từ những quan điểm nêu trên chúng ta có thể nói một cách khái quát rằng : Nhà nước pháp quyền là quan niệm, là tư tưởng về dân chủ, và về phương thức tổ chức quyền lực trong đó vai trò pháp luật được đề cao. Như vậy, trong Nhà nước pháp quyền , dân chủ và phương thức tổ chức quyền lực là hai tổ hợp lớn nhất trong nội hàm khái niệm Nhà nước pháp quyền , chúng liên quan hữu cơ với nhau, không thể thiếu một tổ hợp nào. Dân chủ phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, nhưng hình thức cơ bản nhất, chủ yếu nhất là Nhà nước. Tổ chức nhà nước có tốt thì mới bảo đảm cho dân chủ được xác định đúng và đi vào cuộc sống sinh động của xã hội.