e) Về thủ tục giải quyết khiếu nại:
3.2.1. Rà soát lại các qui định về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong pháp luật hiện hành.
luật hiện hành.
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm,"chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người" [ 6, tr.134], coi việc "chăm lo hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta" [15, tr.7]. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, hệ thống pháp luật nước ta, trong đó có pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân không ngừng được phát triển, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý ngày càng tốt hơn cho việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy vậy, trong thực tế hiện nay Luật khiếu nại, tố cáo nói chung, pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng còn nhiều bất cập làm cho tính khả thi không cao; hiệu lực, hiệu quả kém. Để nâng cao chất lượng của việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, đòi hỏi phải rà soát lại thực trạng của nó trong hệ thống pháp luật hiện hành, xác định những yếu kém, khiếm khuyết và định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế khách quan.
Sự cần thiết phải tiến hành công tác rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong hệ thống pháp luật khiếu nại, tố cáo hiện hành được xác định từ nhiều lý do khác nhau. Một là, cần phải tiến hành rà soát bởi lẽ pháp luật về khiếu nại, tố cáo hiện hành bao gồm nhiều văn bản ban hành trong những thời giam khác nhau, thậm chí có những văn bản ban hành trong các giai đoạn, thời kỳ trước mà vẫn còn hiệu lực thi hành. điều đó không tránh khỏi tình trạng nhiều qui định lạc hậu, bất hợp lý vẫn tồn tại. Hai là, pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân không chỉ là các qui định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo mà còn là hệ thống các qui định tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, về trình tự, thủ tục tiến hành khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong Luật khiếu nại, tố cáo và các ngành luật khác liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Bởi vì trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, công dân có rất nhiều quyền và nghĩa vụ. Khi các quyền đó bị xâm phạm từ phía cơ quan nhà nước, Luật qui định công dân có quyền khiếu nại tới Nhà nước yêu cầu giải quyết nhằm khôi phục quyền đó. Do liên quan đến nhiều lĩnh vực như vậy nên khó tránh khỏi sự khấp khiễng, thiếu đồng bộ trong các qui định giữa các lĩnh vực này với nhau, không đảm bảo sự thống nhất nhằm thực hiện, bảo vệ các quyền của công dân được qui định trong Hiến pháp và pháp luật. Ba là, pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được qui định trong văn bản luật và văn bản dưới luật, do nhiều cơ quan ban hành cũng khó tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn như có dịp đã nói ở trên. Các văn bản dưới luật dễ làm biến dạng những qui định ở Hiến pháp và luật trong quá trình cụ thể hoá các qui định pháp luật, bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Hơn nữa, các văn bản dưới luật do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành dễ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ và sự tuỳ tiện trong hoạt động quản lý, nên nhiều khi không đảm bảo sự thống nhất và ăn khớp với qui định ở văn bản luật và văn bản dưới luật do cơ quan khác ban hành. Trong tình hình đó, nếu không thường xuyên rà soát các văn bản pháp lý không thể có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời và tốt hơn pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân - cơ sở pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước, tập thể và xã hội. Bốn là, do quan hệ xã hội thường xuyên biến đổi dẫn đến tình trạng nhiều qui định trong pháp luật trở nên lỗi thời, không còn phù hợp hoặc là phát sinh quan hệ xã hội mới mà chưa có quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Vì thế, cần có sự rà soát thường xuyên mới phát hiện được những khiếm khuyết này trong pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của
công dân. Năm là, do trình độ và kĩ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế nhất định của chúng ta nên không tránh khỏi có những sai sót về diễn đạt, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản nên có thể dẫn đến hiểu khác nhau làm hạn chế hiệu quả thực hiện pháp luật.
Do vậy, tiến hành việc rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong hệ thống pháp luật hiện hành là cần thiết và có thể coi là một công đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Đương nhiên để có chuẩn mực trong việc rà soát, đánh giá cũng như hoàn thiện các qui định về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, phải dựa trên quan điểm của Đảng ta về quyền con người, quyền công dân; dựa trên tư duy pháp lý mới về bản chất, vai trò của Nhà nước, pháp luật và mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong Nhà nước pháp quyền, nhất là những nguyên tắc pháp lý trong mối quan hệ đó. Về thực tiễn, phải căn cứ vào sự vận động, phát triển của các quan hệ xã hội và gắn với nó là nhu cầu thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.; căn cứ vào tính khả thi và hiệu quả thực hiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong thực tế.
Rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong hệ thống pháp luật hiện hành có nội dung rất rộng lớn, song trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này chỉ giới hạn ở việc rà soát những qui định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo; về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; về trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu trong Luật khiếu nại, tố cáo, Nghị định 67/1999/NĐ-CP của Chính phủ; và ngoài việc kiểm tra tính cụ thể, tính khả thi của các qui định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân còn phải kiểm tra tính đồng bộ của các qui định này giữa các lĩnh vực với nhau, giữa các văn bản luật với văn bản dưới luật, văn bản của cấp trên với văn bản của cấp dưới.
Rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân phải tiến hành ở từng văn bản pháp luật đơn lẻ và trong cả hệ thống pháp luật hiện hành. Đây là công việc khó khăn, phức tạp cần có sự phối hợp tham gia giữa nhiều lực lượng, nhiều lĩnh vực và tiến hành dưới nhiều phương thức khác nhau. Để đảm bảoviệc rà soát có hệ thống và toàn diện, cần xây dựng chương trình, kế hoạch, hình thành đề tài hoặc chuyên đề về vấn đề này và giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học
kết hợp với cơ quan thanh tra trực tiếp về lĩnh vực này để thực hiện. Mặt khác, có thể tổ chức thành từng đợt, tập trung rà soát các qui định trong hệ thống pháp luật về một vấn đề, một lĩnh vực có sự tham gia của các cấp, các ngành (chẳng hạn rà soát thủ tục khiếu nại giải quyết khiếu nại lần đầu theo con đường hành chính và theo con đường toà án trong Luật khiếu nại, tố cáo so với Luật đất đai như thế nào? hoặc thời hiệu giải quyết khiếu nại lần đầu trong Luật khiếu nại, tố cáo và thời hiệu giải quyết khiếu nại lần đầu trong các ngành luật khác như Luật đất đai, bảo hiểm, thuế... có gì khác, có gì bất cập.v.v...). Rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân còn được thực hiện dưới phương thức hoạt động kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân, các kiến nghị sửa đổi pháp luật từ thực tiễn xét xử của Toà án nhân dân. Đồng thời công tác này cũng được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng, thông qua các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản pháp quy khác. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân về các nội dung văn bản pháp luật cũng là nguồn tham khảo quan trọng trong quá trình rà soát pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Như vậy, rà soát các qui định về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong các văn bản pháp luật hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nó. Trên cơ sở tiến hành những nội dung và phương thức rà soát trên đây giúp chúng ta xác định được những yếu kém, hạn chế của các quy định pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng và trong hệ thống pháp luật nước ta nói chung. Từ đó có cơ sở để hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân ở nước ta hiện nay.