e) Về thủ tục giải quyết khiếu nại:
2.2.2.2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo:
Vì hành vi bị tố cáo rất đa dạng, có tổ chức và mức độ nguy hiểm rất khác nhau nên Luật qui định việc giải quyết các tố cáo thuộc thẩm quyền của nhiều loại cơ quan và theo một nguyên tắc chung, để từ đó phân định các loại tố cáo và có biện pháp xử lý thích hợp. Điều 59 Luật khiếu nại, tố cáo qui định: "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật qui định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải
quyết". Nếu "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Nếu tố cáo hành vi phạm tội thì do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự" (Điều 60 Luật khiếu nại, tố cáo).
Trên đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo. Trên thực tế, nhiều loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có hình thức không khác nhưng tuỳ tính chất và sai phạm của hành vi đó mà nhà nước áp dụng biện pháp xử lý cho thích hợp. Nếu hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ thì Nhà nước áp dụng biện pháp xử lý hành chính và thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ nguy hiểm thì Nhà nước phải áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn, đó là biện pháp hình sự mà người có thẩm quyền là các cơ quan tiến hành tố tụng(cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án). Điều 61 Luật khiếu nại, tố cáo qui định: "người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền, trong trường hợp cần thiết thì giao cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan có thẩm quyền khác tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý. ở đây cơ quan Thanh tra nhà nước chỉ có chức năng tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp, mà không có chức năng giải quyết tố cáo như trong Pháp lệnh năm 1991.
Theo chúng tôi, các qui định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trên đây còn có những hạn chế nhất định, chưa thể hiện cơ chế xử lý vụ việc một cách khách quan, vô tư. Bởi lẽ, nếu nhân viên hành chính vi phạm pháp luật, nay lại giao cho thủ trưởng của nhân viên đó giải quyết sẽ không đảm bảo tính khách quan, công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Do quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong công tác, có thể vì nhiều lý do tế nhị, hoặc vì thành tích của tập thể, của cơ quan mà chỉ "xử lý nội bộ". Như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc tố cáo, làm giảm lòng tin của người tố cáo với cơ quan nhà nước. Do vậy, theo chúng tôi, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo sự khách quan thì việc giải quyết tố cáo nên giao cho cơ quan Thanh tra nhà nước. Tuy nhiên cũng có sự phân cấp giải quyết đối với từng loại đối tượng có hành vi bị tố cáo.