Pháp luật tạo cơ sở pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay doc (Trang 27 - 29)

hợp pháp, chính đáng của mình.

ở đây, pháp luật được xem xét không chỉ với tư cách là công cụ, phương tiện của Nhà nước, mà còn là công cụ, vũ khí của nhân dân trong việc thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội; hay nói cách khác, pháp luật là vũ khí để công dân thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân của mình khi nó bị xâm phạm.

Pháp luật là đại lượng mang giá trị phổ biến, là chuẩn mực của sự công bằng, do đó, có thể đo được hành vi của môĩ cá nhân, kể cả cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước. Nó là cơ sở, là căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía Nhà nước và các thành phần khác trong xã hội, đấu tranh bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Với ý nghĩa đó, theo Mác: "Đạo luật trở thành kinh thánh tự do của nhân dân " [2, tr.85 ].

Trên thực tế, quyền con người, quyền công dân có thể bị xâm hại từ phía các cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước trong khi thi hành công vụ; hoặc có thể bị xâm hại từ nhiều phía các thành viên của xã hội. Nhưng đáng lưu ý là nguy cơ xâm hại từ phía cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước. Bởi trong quan hệ với Nhà nước, công dân vừa là chủ, vừa là đối tượng bị quản lý, vì thế quyền và lợi ích của họ có nguy cơ bị xâm hại. Sự xâm hại đó có thể do trình độ non kém trong tổ chức, quản lý, do năng lực làm việc hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, và cũng có thể do một bộ phận cán bộ công chức thoài hoá biến chất, vô đạo đức. Đó là tình trạng không ai mong muốn nhưng nó vẫn tồn tại.

Đặc biệt, trong hoạt động của bộ máy nhà nước thì hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung rất dễ có nguy cơ làm phương hại đến quyền con người, quyền công dân . Bởi vì các quyết định quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, các phán quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật đều trực tiếp đụng chạm đến quyền, lợi ích của công dân. Hơn nữa, trong quan hệ với các cơ quan này, công dân với tư cách là người bị quản lý và chịu sự phán quyết nên họ luôn ở vào vị thế bất lợi hơn. Trong điều kiện đó, công dân không còn vũ khí, phương tiện nào khác ngoài pháp luật để đấu tranh, tự bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Chỉ có pháp luật, bằng các qui định chặt chẽ của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức nhà nước; về quyền, nghĩa vụ của công dân, là cơ sở pháp lý vững chắc để công dân đấu tranh chống lại hành vi xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Xét trên phương diện đó, pháp luật là vũ khí, là phương tiện của nhân dân. Bởi vậy, các qui định trong pháp luật không chỉ một chiều tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức nhà nước trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà còn phải đủ, cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, tạo điều kiện dễ dàng cho nhân dân sử dụng pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội.

Nếu một Nhà nước có hệ thống pháp luật đồng bộ, chất lượng, với mục đích vì con người, vì công dân, cùng với xã hội có trình độ dân trí tương đối cao, hiểu biết pháp luật, có hệ thống tư vấn và dịch vụ pháp lý được tổ chức và quản lý chặt chẽ, thì pháp luật thực sự là chỗ dựa, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh bảo vệ tự do dân chủ và công bằng trong xã hội. Khi đó, quyền con người,

quyền công dân nói chung, quyền khiếu nại, tố cáo nói riêng được phát huy ở trình độ cao, và chỉ khi đó - như Hêra Clit đã nói - pháp luật mới là của nhân dân, vì nhân dân và "nhân dân phải đấu tranh bảo vệ pháp luật như bảo vệ chỗ nương thân của mình" [ 26, tr.6 ].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay doc (Trang 27 - 29)