2. 3 THỰC TRẠNG XỬ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT CHANH CHẤP CẠNH
2.3.2 THÔNG QUA TÒA ÁN
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và nền kinh tế nước ta đã chuyển sang mô hình phát triển theo cơ chế thị trường, các tranh chấp kinh tế không những đơn thuần là tranh chấp giữa hai chủ thể giao kết hợp đồng kinh tế mà còn có những tranh chấp dưới các dạng khác nhau phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tòa án là một thiết chế của nhà nước, hoạt động của Tòa án là một hoạt động rất đặc biệt và mang kỹ năng nghề nghiệp cao. Phán quyết của Tòa án thường mang tính cưỡng chế cao. Nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án được cho là tiến bộ và có tính răn đe cao, song đôi khi lại là cản trở đối với các doanh nghiệp khi những bí mật kinh doanh bị tiết lộ. Do vậy, ở Việt Nam, các đương sự thường lựa chọn hình thức đệ đơn khiếu nại lên Tòa án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi mà cơ chế thương lượng, hòa giải hay trọng tài không mang lại hiệu quả. Ngoài Tòa Dân sự, Tòa Hình sự xử lý các vụ việc CTKLM thì Tòa án Kinh tế, Tòa án Hành chính cũng xử lý các vụ việc CTKLM tùy vào từng vụ việc cụ thể. Phần lớn các vụ việc CTKLM được Tòa xử lý liên quan đến vấn đề SHCN như hàng giả, hàng nhái, sử dụng trái phép thương hiệu hàng hóa, xâm phạm bản quyền phần mềm hay gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Nhưng hiện nay hệ thống Tòa án đã trở nên quá tải do ngoài việc xử các vụ án kinh tế còn phải xử các vụ án dân sự khác, dẫn đến tăng lượng vụ tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trong năm 2007 Tòa án kinh tế Hà Nội phải xử gần 9.000 vụ án trong đó có khoảng 300 vụ án kinh tế và Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh phải xử gần 42.000 vụ án các loại trong đó có 1.000 vụ án kinh tế. Tính trung bình mỗi thẩm phán của Tòa án kinh tế Hà nội xử trên 30 vụ mỗi năm và thẩm phán Thành phố Hồ Chí Minh xử trên 50 vụ mỗi năm. [23]
Theo số liệu thống kê tình hình xét xử của Tòa án ở 64 tỉnh thành phố giai đoạn 1/1/2007 đến 31/12/2007 về giải quyết các vụ tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thì Tòa án các tỉnh đã thụ lý 108.060 vụ, đã xử lý được
80.773 vụ. Ngoài ra có 1.280 vụ được kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao. [23]
Trở lại vụ việc làm giả rượu của Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (HALICO) đã được Tòa án xử lý vụ việc trong thời gian gần hai năm. Tháng 8/2008, tại thị trường Đà Nẵng, người dân phát hiện và báo cho HALICO những sản phẩm có mẫu mã, nhãn mác giống với sản phẩm của HALICO đặc biệt có ghi địa chỉ 94 Lò Đúc- là địa chỉ của công ty này. HALICO đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan Thành phố Hà Nội. Sau gần một năm theo dõi, ngày 08/01/2009 cảnh sát điều tra cùng với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra lập biên bản đối với Công ty Cổ phần Rượu Hà Nội có trụ sở tại phố 28, ngõ481/69 đường Ngọc Lâm, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội và thu giữ được một số lượng hàng hóa giả: 864 chai Rượi Vodka loại 300ml; 204 chai Rượi Vodka loại 750ml; 24 can Rượu Hà Nội loại 4 lít; 54 can Rượu Hà Nội loại 2lít; 2046 chai Rượu Shochu Kiwon loại 500ml; 1560 chai Rượu Shochu Kiwon loại 360ml. Sáng ngày 10/11/2009, tại tòa án nhân dân Thành Phố Hà Nội đã diến ra phiên tòa xét sơ thẩm vụ án làm hàng giả này. Đây là hành vi CTKLM vi phạm nghiêm trọng nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp có quy mô, tổ chức từ việc làm giả mẫu mã, nhãn mác, nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Tòa đã tuyên án Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Rượu Hà Nội Mai Ngọc Lâm 2 năm tù và bà Đỗ Thị Thanh Bình - vợ của bi cáo Lâm 18 tháng tù treo và 36 tháng thử thách. [21]
Một vụ việc cạnh tranh liên quan đến việc tranh chấp tên miền giữa một công ty nước ngoài và một công ty Việt Nam đã được Tòa án thụ lý trong một thời gian khá dài. Vụ tranh chấp sảy ra giữa Công ty eBay có trụ sở tại 2145, Hamilton Avenue San Jose, Hoa Kỳ chuyên kinh doanh qua mạng, hiện là chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa eBay đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngày 01/02/2002 và Công ty TNHH Mộc Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh - chủ thể đăng ký tên miền eBay.com.vn. Theo như đơn trình bày của eBay, cái tên eBay đã nổi tiếng từ năm
1995 ở các mặt hàng điện thoại di động, quần áo, xe hơi... thông tin được cung cấp trên www.eBay.vn. Ebay có mặt ở 33 thị trường trên thế giới và đã đăng ký 2500 tên miền có chứa cụm từ eBay trong đó có 7 tên miền tại Việt Nam. Song trong số đó lại không có tên miền eBay.com.vn. Năm 2005 phát hiện tên miền eBay.com.vn được đăng ký bởi công ty TNHH Mộc Mỹ, eBay đã hai lần gửi đơn kiện lên Trung tâm Internet Việt Nam song không có kết quả. Đến tháng 09/2007 eBay thông qua đại diện pháp lý tại Việt Nam là Công ty Batey Burn đồng thời cử giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á trực tiếp thu thập thông tin khởi kiện Công ty TNHH Mộc Mỹ lên Tòa án. Song đã 2 năm, Tòa án vẫn chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng. [32]
Nhận thấy, vai trò của Tòa án trong việc xử lý các hành vi CTKLM còn bị hạn chế. Sự hạn chế đó xuất phát từ một trong các nguyên nhân sau:
- Các vụ việc được giải quyết bằng Tòa án ở Việt Nam thường kéo dài và phải qua nhiều giai đoạn như giai đoạn thụ lý hồ sơ, giai đoạn giải quyết sơ thẩm, giai đoạn giải quyết phúc thẩm (đối với vụ án có kháng cáo), trung bình thời gian giải quyết ở mỗi giai đoạn trên 4 tháng. Có những vụ lại phải qua xét xử nhiều lần như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nên thời gian giải quyết có thể kéo dài hàng năm. Do đó những người bị hại có tâm lý e ngại khi khiếu nại lên Tòa án.
- Các vụ việc về CTKLM thường mang tính chuyên môn cao, do đó đòi hỏi thẩm phán phải là người có trình độ chuyên môn và hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này. Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ một số ít các thẩm phán đạt được tiêu chuẩn như vậy.
- Vấn đề BTTH trong các vụ việc về CTKLM thường được đặt làm yếu tố trọng tâm. Song Bộ Luật tố tụng dân sự Việt Nam lại không quy định phương thức BTTH cho người bị hại mà chỉ có thể căn cứ vào Điều 604 BLDS 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH. Vấn đề xác định mức độ thiệt hại là một vấn đề phức tạp, khó đạt được độ chính xác. Do vậy trong nhiều trường hợp không đạt được mức độ thỏa đáng cho cả phía người có hành vi vi phạm và cả người bị hại.
- Hiện nay cũng chưa có một phương thức giải quyết tranh chấp nào được quy định cụ thể khi có tranh chấp xảy ra giữa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Vì vậy người tiêu dùng khó có thể kiện thẳng lên Tòa án khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Một thực tế hiện nay cũng cho thấy, tỷ lệ công dân và doanh nghiệp tố cao sai sự thật còn khá nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ công dân và doanh nghiệp tố cáo đúng và đúng một phần cũng khá cao, điều này chứng tỏ sự hiểu biết của doanh nghiệp cũng như năng lực và trình độ của cán bộ tiếp dân còn chưa thực sự tương ứng vơi tính phức tạp trong các vụ tranh chấp về CTKLM. Do vậy mà nhiều vụ việc còn chưa được giải quyết thỏa đáng.