-QUẢNG CÁO NHẰM CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH

Một phần của tài liệu Cạnh tranh không lành mạnh thực trạng và những đề xuất xử lý vi phạm ở việt nam (Trang 52 - 57)

1. 3 PHÁP LUẬT CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

2.2.2.3-QUẢNG CÁO NHẰM CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH

Không thể phủ nhận được các lợi ích của quảng cáo, các doanh nghiệp cần quảng cáo để đưa sản phẩm thâm nhập thị trường còn người tiêu dùng thì có thêm nhiều thông tin hơn trước khi mua bán hoặc sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên với sự xuất hiện tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, quảng cáo có nhiều biến tướng, đôi khi quảng cáo trở thành phương tiện để các doanh nghiệp thực hiện hành vi CTKLM cũng như xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Nói đến ngành quảng cáo Việt Nam, mọi người luôn được nghe tới một điệp khúc ảm đạm: Sự yếu thế của các doanh nghiệp nội địa trước sự lấn lướt của các hãng quảng cáo ngoại. Theo hiệp hội quảng cáo Việt Nam (VAA), toàn bộ khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm vẻn vẹn 20% thị phần quảng cáo trong khi 80% còn laị được nắm giữ bởi khoảng 30 công ty nước ngoài [25]

Một thực tế khó có thể phủ nhận là nội dung của các chương trình, tiết mục quảng cáo hàng hoá nước ngoài hay hơn, hấp dẫn hơn so với quảng cáo của hàng

Việt Nam. Có thể nói nó đã trở thành một trong những món ăn tinh thần của đại đa số người xem truyền hình.

Cuộc chiến trong lĩnh vực quảng cáo đầy kịch tính và nóng bỏng. Các hành vi CTKLM xuất hiện ngày càng nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài lẫn các doanh nghiệp trong nước. Có thể nhận thấy, các hành vi CTKLM trong lĩnh vực quảng cáo tồn tại chủ yếu dưới các dạng sau đây:

a) Quảng cáo không trung thực

Các hành vi quảng cáo gian dối, quảng cáo quá lố về quy cách, phẩm chất của hàng hoá đang diễn ra một cách công nhiên ở Việt Nam. Như quảng cáo sữa tắm Doll cho làn da "mềm mượt như da em bé"; Hay là dùng dầu gội đầu Clear do viện Elida (Paris) chứng nhận và "sạch gầu chỉ trong 7 lần gội"... Vậy những chỉ số đó có một cơ quan nhà nước nào đứng ra kiểm chứng được hay không. Song phải nói rằng nguy hiểm hơn cả là quảng cáo không trung thực về các loại dược phẩm, không biết có ai kiểm chứng về hiệu quả tăng trí thông minh và tăng sức khoẻ cho trẻ em cuả thuốc bổ Nutroplex hay chưa? Hoặc thực phẩm chức năng Mega-T giúp giảm cân, chống béo phì chỉ trong vòng một tháng mà không gây bất kỳ tác dụng phụ nào hay không?

Quảng cáo gian dối về giá cũng là một hình thức quảng cáo điển hình hiện nay. Quảng cáo này gây nhầm lẫn nhất cho người tiêu dùng. Khi theo dõi những quảng cáo này, người tiêu dùng không thể đối chiếu được giá trước và sau quảng cáo do không có thông tin về giá trước đó mà người quảng cáo đưa ra. Các quảng cáo này thường tạo ấn tượng rằng mức giá mới này là hết sức lợi nhuận. Ví dụ như: Chỉ với 25 USD có thể bay sang Singapore, Thailand của hãng Jetstar Pacific Airline. Hay chỉ với 1USD có thể sở hữu một chiếc USB dung lượng 1GB của hãng máy tính Trần Anh. Hiện tượng này hiện nay khá phổ biến và ngày càng trở nên đa dạng và khó nhận biết.

Tất cả những lời quảng cáo thiếu trung thực trên xuất phát từ việc lợi dụng lòng tin và sự nhẹ dạ của khách hàng nhằm móc túi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp lợi dụng các khe hở của pháp luật, họ thừa hiểu rằng, để kiểm định được những chỉ tiêu đó không phải là chuyện đơn giản và có thể thực hiện được bất cứ lúc nào.

b) Quảng cáo so sánh

Quảng cáo so sánh là một loại quảng cáo nhằm hạ thấp danh tiếng của một sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh để nâng cao sản phẩm, dịch vụ của mình trên cơ sở so sánh hai loại sản phẩm với nhau. Các hình thức này thường diễn ra với

các sản phẩm có thương hiệu. Chẳng hạn như Viettel khi thực hiện quảng cáo đã so sánh bảng giá cước dịch vụ của mình với bảng giá cước dịch vụ của VNPT để khách hàng thấy được ưu điểm dịch vụ của mình. Hay như là quảng cáo nồi áp suất Mart Cooker là loại nồi tốt nhất có thể thay thế "các loại nồi khác" trên thị trường và tiết kiệm năng lượng, thời gian nấu nhanh hơn cả các loại "nồi truyền thống". Phải chăng họ muốn gieo vào tâm lý người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ tốt hơn cả và chỉ có dùng sản phẩm của họ mới có hiệu quả?

Trường hợp công ty Trung Nguyên khi quảng cáo đã sử dụng nhãn hiệu ba chiều hình cốc đỏ của Nestle để so sánh trực tiếp sản phẩm G7 của họ với sản phẩm Nescafe của Nestles. Đó thực chất là việc so sánh trực tiếp sản phẩm nhằm CTKLM. Trung Nguyên đã bị Nestles phản đối kịch liệt quảng cáo này và chỉ sau thời gian ngắn Trung Nguyên phải dỡ bỏ kiểu quảng cáo này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một kiểu quảng cáo so sánh tuy không ám chỉ một doanh nghiệp cụ thể như trường hợp của cafe Trung Nguyên nhung lại đưa ra thông tin làm cho khách hàng nghĩ ngay đến loại sản phẩm nào và của doanh nghiệp nào. Như quảng cáo mỳ gói nhãn hiệu Tiến vua có ngụ ý so sánh. Quảng cáo cho rằng sở dĩ sợi mỳ của họ có màu vàng nhạt là do dùng dầu ăn một lần, tốt cho sức khỏe. Những nhãn hiệu mỳ khác có màu vàng thậm là do dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không tốt cho

sức khỏe. Với kiểu quảng cáo này, mặc dù không chỉ định trực tiếp tên sản phẩm

hay tên doanh nghiệp bị so sánh, song nó có thể vẫn xâm hại trực tiếp đến lợi ích của đối thủ tham gia cạnh tranh trên thị trường.

Một kiểu quảng cáo “mập mờ” khác cũng không ám chỉ một doanh nghiệp cụ thể nào như: VIM tẩy sạch những chỗ tưởng không thể tẩy rửa được và tiệt trùng mà những "nước vệ sinh khác" không thể rửa được; Lifeboy - sạch hơn "xà bông thường" diệt trên 90% vi khuẩn; Nước giặt Ariel có khả năng tẩy được các vết bẩn mà "bột giặt thông thường" không thể tẩy được. Vậy thì những cái "thường", cái "khác" đó là sản phẩm nào và của doanh nghiệp nào? Kiểu quảng cáo so sánh này

không bị coi là vi phạm, do đó mà nó vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt người tiêu dùng.

Mặc dù Điều 45, LCT 2004 quy định cấm các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo nhằm CTKLM, song giường như điều cấm này còn tỏ ra kém hiệu lực khi mà những hành vi quảng cáo này vẫn tiếp diễn liên tục dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi hay quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ở một số nước trên thế giới đã từng cấm hẳn quảng cáo so sánh. Thế nhưng sau một thời gian cấm họ lại “mở cửa” cho hình thức quảng cao này vì cho rằng quảng cáo so sánh có những ưu điểm riêng của nó. Dựa theo quảng cáo này, người tiêu dùng có thể “so sánh” được chất lượng của cùng một loại hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác, giúp người tiêu dùng só sự quyết định đúng đắn hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, để “mở cửa” cho hình thức quảng cáo này cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các cơ quan thực thi pháp luật.

c) Quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm

Đây là một hành vi quảng cáo mà người quảng cáo đưa vào các nội dung các chỉ dẫn nhằm mục đích cố tình gây ra sự hiểu sai lệch về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Trường hợp nhãn hiệu trà xanh Oo của công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát đã được đăng ký nhãn hiệu. Nhưng trên thị trường hiện nay xuất hiện nhãn hàng trà xanh O2 đang được quảng cáo rộng rãi làm khách hàng dễ nhầm tưởng đó là sản phẩm của Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát. Hay trên thị trường hiện nay rất nhiều cửa hàng treo biển quảng cáo “ở đây có bán sản phẩm Kymdan, Kydan, Kimdan hay Kymda...” làm khách hàng nhầm tưởng đây là sản phẩm của công ty cổ phần cao su Sài Gòn – Kymdan.

Trường hợp Công ty Xuân Lộc Thọ có đoạn quảng cáo như “Hàng Mỹ không đắt như bạn nghĩ”. Vì vậy bất cứ khách hàng nào khi đọc đoạn quảng cáo này đều nghĩ đến những sản phẩm của công ty xuất sứ từ Mỹ và với giá cả hợp lý. Song công ty này lại giải thích “Mỹ” ở trong đoạn quảng cáo đó không phải là nước Mỹ mà là “mỹ thuật”.

Ngoài các biểu hiện không lành mạnh của hành vi quảng cáo như đã trình bày trên, còn tồn tại hành vi quảng cáo mang tính lừa gạt người tiêu dùng như hình thức quảng cáo hứa thưởng nhưng phần thưởng không được trao đến tay người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Cạnh tranh không lành mạnh thực trạng và những đề xuất xử lý vi phạm ở việt nam (Trang 52 - 57)