1. 3 PHÁP LUẬT CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
2.2.2.8 BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH
Bán hàng đa cấp (Multi-level sales) hay tiếp thị đa cấp là một hình thức bán lẻ đã xuất hiên ở Việt Nam vào khoảng đầu năm 2000 và phát triển với tốc độ rất nhanh chóng. Năm 2008, mô hình bán hàng đa cấp đã thu hút 450.000 tư vấn viên, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng (tốc độ tăng 150% so với năm 2007), nộp thuế 500 tỷ đồng và tính đến tháng 10/2009 đã có khoảng 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu liên quan đến sức khỏe con người như thực phẩm, đồ uống dinh dưỡng, mỹ phẩm, máy ozone và các đồ dùng trong gia đình như máy massage, nồi cơm điện... [28]. Sự xuất hiện và hoạt động kinh doanh của các công ty bán hàng đa cấp đã trở thành một hiện tượng ở nhiều thành phố lớn ở Việt Nam trong thời gian gần đây và đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong nước.
Bên cạnh các doanh nghiệp bán hàng đa cấp kinh doanh hợp pháp và minh bạch thì trên thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện khá nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp bất chính hay còn gọi là bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp đã gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và chính những thành viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Một ví dụ điển hình về Công ty Nino Vina - một công ty phân phối sản phẩm nước trái nhàu ở Việt Nam. Công ty này quy định: để trở thành thành viên cấp I của mạnh lưới phân phối, các phân phối viên phải mua 1 thùng 4 chai nước Tahitian Noni Juice với giá gốc là 2.7 triệu đồng, giá phân phối là 3.2 triệu đồng. Nếu thành viên cấp I giới thiệu thêm được 3 người khác tham gia vào mạng lưới (và đương nhiên mỗi người lại đóng 2.7 triệu đồng) thì sẽ được hoa hồng 20% tổng số tiền những người này mua sản phẩm... Theo tính toán, khi mạng lưới phát triển đến tầng thứ tám thì số tiền hoa hồng được chuyển về tài khoản của “người lôi kéo” ban đầu là 56,2 triệu đồng mặc dù người này không phải làm gì ngoài việc lôi kéo được 3 người mới tham gia vào mạng lưới. Như vậy thu nhập thu được không phải xuất phát từ việc bán sản phẩm mà là do chiếm dụng vốn của các thành viên tiếp theo trong mạng lưới. Đây là một hình thức dụ dỗ, lôi kéo người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp bất chính. [20]
Một ví dụ nữa của việc bán hàng đa cấp bất chính của công ty Sinh Lợi là bắt buộc người tham gia phải mua một lượng hàng hoá ban đầu với giá cao hơn giá trị bán hàng ngoài thị trường nhiều lần mà không được hoàn lại như máy ozone với giá 3 triệu đồng cao gấp 3 lần giá thị trường của sản phẩm, đầu đĩa DVD giá 4.5 triệu đồng, đồng hồ đeo tay giá 3.5 triệu đồng... [20]. Với việc giá thành sản phẩm cao hơn rất nhiều giá thực tế ngay cả khi đã cộng cả tiền hoa hồng cho đại lý phân phối các cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Thông thường các sản phẩm của công ty bán hàng đa cấp bất chính không được quảng cáo và giao bán ở các chợ và siêu thị. Mục đích của người mua không phải là để sử dụng sản phẩm mà là để trở thành thành viên của mạng lưới và lôi kéo
được những người khác tham gia và hưởng hoa hồng trên chính việc tham gia của những người đó. Với việc tăng giá thành sản phẩm cao hơn rất nhiều giá thực tế ngay cả khi đã cộng tiền hoa hồng trả cho các đại lý phân phối các cấp, doanh nghiệp được hưởng những khoản lợi nhuận khổng lồ mà không cần quan tâm nhiều lắm tới năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm bán ra.
Hiện nay ở Việt Nam nhiều công ty bán hàng đa cấp cũng mở nhiều chi nhánh ở vùng sâu, vùng xa nơi mà người dân ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin mới và dễ bị "lôi kéo" tham gia vào các mạng lưới bán hàng bất chính. Các công ty này cũng thương xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền quảng bá sản phẩm và hình thức bán hàng thu hút một số lượng rất đông người đến xem, dễ gây mất ổn định trật tự xã hội. Trên các tờ rơi, tờ quảng cáo của công ty này cũng không đóng dấu công ty, việc chi trả tiền hoa hồng cho các thành viên cũng không có hoá đơn chứng từ hợp lệ.
Sẽ không khó khăn để nhận biết dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính nếu nắm vững bản chất của hiện tượng này và trên cơ sở đó cần đề ra chính sách quản lý phù hợp tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người tham gia mạng lưới và làm trong sạch hệ thống bán hàng đa cấp chân chính.