1. 3 PHÁP LUẬT CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
2.1. 1 KHÁI NIỆM
Cạnh tranh với bản chất là sự ganh đua giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường để đạt được một mục tiêu hoặc một lợi ích kinh tế nào đó. Để đạt được mục tiêu của mình, trong quá trình đó, doanh nghiệp có khả năng sáng tạo rất nhiều cách thức ganh đua khác nhau, tạo ra những mức độ cạnh tranh khác nhau, thậm trí xuất hiện cả những hành vi trái ngược với đạo đức kinh doanh.
Thuật ngữ cạnh tranh lành mạnh và CTKLM là một trong những thuật ngữ được sử dụng để biểu thị tính cạnh tranh trên thị trường ở khía cạnh đạo đức trong kinh doanh của những người tham gia kinh doanh trên thị trường. Thông thường để xác định một doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp khác hay không phải căn cứ vào chỉ tiêu thể hiện năng lực và trình độ trong kinh doanh như quy mô đầu tư, doanh số, công nghệ, hiệu quả, lợi nhuận... Trong khi đó, một số doanh nghiệp thay vì quan tâm quan tâm đầu tư để có được các chỉ tiêu trên họ tiến hành cạnh tranh bằng các biện pháp thiếu trung thực, giả rối.
Xét ở góc độ khái quát, "CTKLM là những hành vi cạnh tranh đi ngược lại với các nguyên tắc xã hội, tập quán và truyền thống kinh doanh, xâm phạm lợi ích của các nhà kinh doanh khác, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của toàn xã hội".[4, tr.30-31]
Có thể nói hành vi CTKLM là "những hành vi cụ thể, đơn phương, vì mục đích cạnh tranh của chủ thể kinh doanh luôn thể hiện tính không lành mạnh (chứ không phải là bất hợp pháp) mà mục tiêu của nó là gây cho một hay các đối thủ cạnh tranh sự bất lợi hay thiệt hại trong hoạt động kinh doanh". [18, tr.241]
Hành vi CTKLM là một dạng của hành vi vi phạm pháp luật và để ngăn chặn cũng như phòng chống hành vi này cần có một cơ chế đặc thù. Việc xác định hành vi nào là hành vi CTKLM là một vấn đề rất quan trọng về mặt chính sách. Về nguyên tắc, ngoài các qui định đã được nêu ra trong công ước Paris năm 1883, các quốc gia tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu cụ thể của nước mình mà xác định hành vi nào là hành vi CTKLM.
Theo Khoản 4, Điều 3, LCT 2004, CTKLM là hành vi của doanh nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
Xét trên góc độ doanh nghiệp, bản chất của hành vi CTKLM là các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi huỷ hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác hoặc là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.