Bên cạnh yếu tố khách quan thuộc về MTĐT của nước chủ nhà có tác động đến hoạt động giải ngân vốn FDI, còn có các yếu tố chủ quan của các nhà đầu tư, như việc thay đổi chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính của các công ty mẹ, hoặc thái độ chấp hành luật pháp của nước chủ nhà, và chất lượng quản trị dự án.
Thay đổi chiến lược kinh doanh: Các dự án đầu tư ở nước ngoài do các công ty, tập đoàn lớn (TNCs, MNCs) trên thế giới thực hiện và được đặt trong chiến lược phát triển chung của công ty mẹ. Các TNCs có tiềm lực tài chính mạnh, nên họ sẵn sàng có thể hi sinh một vài dự án FDI đã được cấp phép, hoặc đang triển khai ở một số nước nào đó để đạt được mục tiêu trong chiến lược phát triển chung của cả tập đoàn. Sở dĩ, phát sinh những thay đổi trong mục tiêu của các TNCs bắt nguồn từ thay đổi trong chính sách đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước đi đầu tư. Những thay đổi này thường tập trung vào các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách về ngoại giao kinh tế, và các chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Sự thay đổi trong chính sách tài chính tiền tệ của chính phủ có thể ảnh hưởng đến mức lãi suất thực tế của các doanh nghiệp. Ví dụ, trong những năm 1979-1981, do chính phủ Mỹ thay đổi chính sách tài chính tiền tệ từ chính sách nới lỏng tiền tệ- thắt chặt tài chính sang chính sách thắt chặt tiền tệ-nới lỏng tài chính đã làm cho mức lãi suất thực tế cao hơn, nhờ đó góp phần cải thiện MTĐT. Tình trạng này đã không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho đầu tư ra nước ngoài của Mỹ giảm mạnh trong nửa đầu thập kỷ 80. Như vậy, do tác động bởi chính sách của chính phủ, mà các công ty TNCs có thể đã thay đổi mục tiêu và chiến lược kinh doanh, chuyển từ mục tiêu tập trung thị trường nước ngoài sang mục tiêu tập trung thị trường trong nước.
Các chính sách đối ngoại của chính phủ cũng có tác động rất lớn đến hoạt động giải ngân vốn FDI, bao gồm các chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định song phương và đa phương, các hoạt động hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài. Nếu các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện dự án theo đúng mục tiêu và chiến lược đề ra.
Tình hình tài chính của công ty mẹ:
Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động giải ngân vốn FDI. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp dự án FDI đã được cấp giấp phép, nhưng các chủ đầu tư lại không thực hiện dự án với lý do không đủ năng lực tài chính, hoặc triển khai dự án với một tiến độ rất chậm, hoặc góp vốn không đầy đủ. Có một số trường hợp,
các nhà ĐTNN bán lại GPĐT cho các nhà đầu tư khác, làm cho dự án FDI không thể triển khai được, hoặc nằm chờ đối tác mới để triển khai dự án. Hiện tượng này thường xảy ra khi các đối tác nước ngoài là những công ty nhỏ, không có tiềm lực tài chính rõ ràng; hoặc có trường hợp, khi lập hồ sơ xin GPĐT thì công ty mẹ chưa bị phá sản, nhưng khi được cấp GPĐT, thì công ty mẹ lại bị phá sản.
Thái độ tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư nước ngoài:
Đây là yêu cầu cốt lõi đối với một dự án FDI trong giai đoạn triển khai thực hiện. Dự án FDI mang lại không chỉ lợi nhuận cho các nhà ĐTNN, mà còn mang lại các lợi ích kinh tế-xã hội to lớn khác. Thực tế, có rất nhiều dự án khi đầu tư vào các nước đang phát triển, một số nhà đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, làm trái các quy định của nước chủ nhà như các quy định về nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, các quy định về nội địa hóa, các quy định về lao động.. cho đến khi bị phát hiện, họ phải chấp nhận hậu quả có thể là bị thu hồi GPĐT, hoặc chịu những hình phạt nhất định; gây ra không ít thiệt hại cho bản thân các nhà đầu tư, và thiệt hại cả về kinh tế và xã hội cho nước chủ nhà.
Chất lượng công tác quản trị dự án FDI của các nhà đầu tư:
Quản trị dự án FDI là việc thực hiện các công việc cụ thể nhằm đưa dự án có vốn FDI, đã được nước chủ nhà chấp thuận cấp GPĐT vào xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Đối với dự án FDI, chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai dự án FDI theo đúng tiến độ và mục tiêu ghi trong GPĐT. Nhiệm vụ của các nhà đầu tư là điều hành các công việc, nhằm đưa dự án FDI nhanh chóng đi vào hoạt động. Quản trị dự án FDI là một công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi các nhà quản trị cần nắm rõ những yêu cầu và nội dung của các công việc trong giai đoạn này.
Dự án FDI sau khi được cấp phép có được xây dựng và đi vào hoạt động một cách nhanh chóng, và có hiệu quả hay không, phụ thuộc vào công việc quản trị dự án. Nhiều dự án FDI sau khi được cấp GPĐT, nhưng vì thực hiện quản trị triển khai kém, nên phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới thực sự đi vào xây dựng. Có nhiều dự án đã hoạt động được một thời gian, nhưng một số công việc thuộc giai đoạn triển khai vẫn chưa thực hiện và cần tiếp tục hoàn tất, tạo ra ách tắc và chi phí
không đáng có trong quá trình hoạt động của dự án. Vì vậy, quản trị dự án FDI có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự thành công, hay thất bại của dự án FDI.