nhằm thúc đẩy hoạt động thực hiện dự án, giải ngân vốn FDI.
Việt Nam tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO. Sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Chất lượng hệ thống văn bản pháp luật cần được tiếp tục nâng cao, đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính dự đoán trước được. Cụ thể là:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đồng bộ với Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ…
- Tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn còn thiếu và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Rà soát các qui định trái với cam kết WTO, văn bản có qui định trái với tinh thần của Luật đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành Luật này về thực hiện các cam kết WTO để có biện pháp xử lý. Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tiếp tục thực hiện qui định trái với nội dung đã cam kết về WTO. Tiến hành nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế, ưu đãi đầu tư và các chính sách khác nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Cần chuyển sang tiếp nhận đầu tư có điều kiện trên cơ sở cân đối tính bền vững của dự án FDI.
Sửa đổi các quy định theo hướng tăng cường cho hoạt động triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn FDI, như được quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn góp cho bất kỳ đối tác nào; được đăng ký mở tài khoản giao dịch ở nước ngoài; được chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về ĐTNN trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo nhằm một mặt, khai thông nguồn vốn FDI mới trong lĩnh vực này. Mặt khác, nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án FDI đã được cấp GPĐT. Cần nhanh chóng xây dựng quy chế về việc cán bộ Việt Nam tham gia vào Hội đồng quản trị và quản lý các dự án liên doanh.
Cùng với đó là theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây có liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án xây dựng các công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hóa, thể thao) cho người lao động làm việc trong các KCN-KCX, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu; dự án tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử
dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, tránh lập dự án lớn để giữ đất, không triển khai; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất KCN.