Nâng cao khả năng góp vốn pháp định của bên Việt Nam nhằm tăng hiệu quả của dự án FDI và giảm sự phụ thuộc vào phía đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư Việt Nam cần phải tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp có vốn FDI nhằm kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, không bị chi phối bởi đối tác nước ngoài.
Thông tin về đối tác đầu tư nước ngoài phải được thu thập và kiểm định chính xác nhằm xác định năng lực kỹ thuật và tài chính của nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Có nhiều dự án cấp GPĐT mà phía Việt Nam không nắm rõ khả năng của nhà đầu tư, dự án được cấp phép không được triển khai thực hiện, vốn không đưa vào giải ngân, năng lực tài chính của nhà đầu tư không được đánh giá chính xác; hay nhà đầu tư tiến hành đầu tư không đúng mục đích, lợi dụng điều kiện để kinh doanh bất chính... Do đó, cần xây dựng và hợp tác với các cơ quan xúc tiến đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm hình thành hệ thống thông tin liên quan, xác định năng lực của nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo dự án FDI sau khi cấp GPĐT được đưa vào triển khai thực hiện đúng tiến độ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.
Một giải pháp cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm và cải thiện, đó là nâng cao trình độ chuyên môn của phía đối tác Việt Nam, đặc biệt là bộ phận quản lý, điều hành trong doanh nghiệp có vốn FDI. Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phía Việt Nam, đặt lợi ích quốc gia lên trên, đảm bảo dự án FDI được triển khai thực hiện đúng tiến độ, chất lượng dự án được đảm bảo và hiệu quả của nguồn vốn được khai thác hợp lí.
KẾT LUẬN
Hiện nay, vấn đề Việt Nam cần phải đẩy nhanh thực hiện và là nhiệm vụ cơ bản nhất là giải ngân vốn FDI với lượng vốn đăng kí ngày càng gia tăng. Sau khi gia nhập WTO, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của thị trường Việt Nam và thế giới. Do đó, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của nguồn vốn FDI góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, nâng cao tỷ lệ giải ngân, thu hẹp khoảng cách giữa vốn đăng kí và vốn thực hiện.
Với đề tài “Giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam’, luận văn đã giải quyết được một số nhiệm vụ sau đây:
Luận văn đã hệ thống hóa những lý luận cơ bản về vốn FDI và giải ngân vốn FDI; đồng thời tìm hiểu một số bài học kinh nghiệm của các nước châu Á về giải ngân vốn FDI. Qua đó, luận văn đã phân tích, đánh giá tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong sự vận động của vốn FDI, và những đóng góp giải ngân vốn FDI sau khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, luận văn tập trung chủ yếu vào phân tích và đánh giá tình hình thực hiện vốn đầu tư; và đưa ra được đánh giá về những thành tựu và hạn chế trong hoạt động thực hiện dự án, giải ngân vốn FDI thời gian qua.
Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân đang cản trở giải ngân vốn FDI, luận văn đã đề xuất một số biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian tới, góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ giải ngân, để nguồn vốn này thực sự đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.