d. Thiết bị dạy học
1.4.4. Quản lý quá trình dạy học của giáo viên
Quản lý dạy học của giáo viên thông qua sự phân cấp quản lý cho hiệu phó, cho các tổ chuyên môn và tổ chủ nhiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh và sự nhất quán trong dạy học nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng, trong nhiều trường hợp hiệu trưởng cần phổ biến và tác động trực tiếp đến từng giáo viên về những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất. Chẳng hạn quản lý việc soạn bài, quản lý giờ lên lớp, quản lý việc dự giờ, đánh giá giờ dạy, quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Đây là những nội dung cơ bản về quản lý hoạt động của giáo viên mà cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn cần quan tâm.
Quản lý các hoạt động của giáo viên bắt đầu từ quản lý việc soạn bài. Bài soạn là một bản kế hoạch lên lớp, là bản thiết kế để tổ chức cho học sinh hoạt động. Tuỳ đặc điểm của từng môn học, giáo viên phải biết phát hiện ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa các phần kiến thức trong bài, đồng thời nắm vững đặc điểm của học sinh, để thiết kế các hoạt động học tập thành một chuỗi kế tiếp nhau với mức độ phức tạp tăng dần, tạo thành mạch lôgic của bài học. ẩn chứa trong các hoạt động của học sinh là sự tổ chức, hướng dẫn, động viên,
khuyến khích của giáo viên. Vì vậy, hiệu trưởng cần tổ chức xây dựng, học tập, thảo luận chuẩn bị đánh giá một bài soạn theo hướng đổi mới trở thành quy định nội bộ để mọi người thực hiện. Ngay mẫu giáo án cho một giờ học hiện đại cũng cần được xây dựng lại và quy định rõ ràng. Thí dụ: Giáo án phải thể hiện được sự tự học trên lớp của học sinh. Ngoài những quy định chung của Bộ GD & ĐT về một giáo án, cần bổ sung thêm những yêu cầu về thiết kế hệ thống việc làm cho học sinh, về xây dựng hệ thống câu hỏi, về sử dụng thiết bị dạy học, phát huy trí lực và cảm xúc sáng tạo cho học sinh.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn về một bài soạn chỉ là tiền đề cho sự thành công của một tiết dạy. Từ sự nghiên cứu lý luận và thực tiễn, có thể nhận xét rằng quản lý giờ lên lớp, đặc biệt quản lý tốt mối quan hệ giữa thầy và trò có ý nghĩa quyết định trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Cần đổi mới cách đánh giá giờ dạy, chuyển từ chú ý đến nghệ thuật truyền thụ, sang đánh giá năng lực tổ chức các hoạt động tự lực, sáng tạo cho học sinh; Tuỳ đặc điểm của từng môn học để xây dựng tiêu chí đánh giá giờ dạy một cách cụ thể theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, nhưng cần tôn trọng các đặc trưng cơ bản, đó là: Dạy học phải thông qua tổ chức hoạt động học tập, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh; Quan tâm đến dạy học cá thể kết hợp với dạy học hợp tác; Kết hợp đánh giá của thầy và tự đánh giá của trò.
Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh là một nội dung không thể thiếu trong quản lý hoạt động của giáo viên. Việc đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, đánh giá. Vì Dạy - Học - Kiểm tra, đánh giá là một quá trình thống nhất, là ba khâu then chốt của quá trình sư phạm.
Thực tiễn giáo dục cho thấy rằng đánh giá, thi cử thế nào thì sẽ có lối dạy và lối học như thế ấy. Vì thế để đổi mới phương pháp dạy học, thì căn bản phải đổi mới cách kiểm tra, thi cử, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Cần phải đổi mới một cách đồng bộ về các khâu: Nội dung, hình thức kiểm tra, chấm chữa, đổi mới tiêu chí đo lường và đánh giá chất lượng học sinh, kết hợp đánh giá của thầy và tự đánh giá của trò.
Một vấn đề không kém phần quan trọng trong quản lý hoạt động của giáo viên đó là quản lý vấn đề tự bồi dưỡng. Hiệu trưởng cần tạo nên động lực của việc tự học, tự bồi dưỡng suốt đời của giáo viên, bằng việc xây dựng cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho tự học, tự bồi dưỡng; Đồng thời hiệu trưởng phải là người gương mẫu đi đầu trong công tác tự học, tự bồi dưỡng.