Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi

Một phần của tài liệu đánh giá hiệu quả tài chính trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn thương tín (Trang 27 - 30)

7- Kết cấu luận văn

1.3.1-Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi

Bản chất của các NHTM là tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, lợi nhuận (hay khả năng sinh lợi) của các ngân hàng hết sức quan trọng, là thước đo trọng tâm để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh cho các NHTM. Cụ thể, đây là nhân tố quan trọng của việc phân tích doanh thu và chi phí, bao gồm cả mức độ hiệu quả của hoạt động và chính sách lãi suất cũng như các kết quả hoạt động tổng quát được đo lường bằng các chỉ số phân tích khả năng tạo đủ thu nhập để bù đắp chi phí (Peter S. Rose, 2004).

Như vậy, để đánh giá hiệu quả tài chính trong hoạt động kinh doanh của NHTM thì các tỷ số ROA, ROE, NIM,… là các chỉ số tài chính quan trọng được nhiều tác giả trong và ngoài nước sử dụng trong các nghiên cứu. Điển hình là các nghiên cứu của Ong Tze San and Teh Boon Heng (2013); Vincent Okoth Ongore and Gemechu Berhanu Kusa (2013); Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013); …

1.3.1.1- Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA)

ROA = Lợi nhuận sau thuế

Tổng tài sản bình quân x 100%

Chỉ tiêu này cho nhà phân tích thấy được hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng hay là thước đo hiệu quả của ngân hàng trong việc tạo ra thu nhập từ tổng tài sản bình quân. Nói cách khác, ROA là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của một đồng tài sản có tại ngân hàng và khả năng quản lý các chi phí tiền gửi một cách hợp lý để đầu tư các tài sản nhằm mang lại lợi nhuận.

ROA còn được gọi là chỉ số phản ánh khả năng sinh lợi kinh tế - để có thể so sánh giữa các ngân hàng với nhau (trong cùng một lĩnh vực, một ngành). Một mức

ROA thấp có thể là kết quả của một chính sách đầu tư hay cho vay không năng động hoặc có thể chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức. Ngược lại, mức ROA cao khẳng định hiệu quả kinh doanh tốt, ngân hàng có cơ cấu tài sản hợp lý, có sự điều động linh hoạt giữa các hạng mục trên tài sản trước những biến động của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu mức sinh lợi quá lớn cũng có thể ngân hàng phải đối đầu với những rủi ro lớn do thực hiện các hoạt động đầu tư quá mạo hiểm hoặc giảm dự trữ xuống quá mức cần thiết.

Đối với những nước đang phát triển như ở Việt Nam, nếu chỉ số ROA thấp hơn 0,5% thì được cho là hiệu quả tài chính yếu kém; nếu mức từ 0,5% - 1% thì có thể xếp loại trung bình; ROA nằm trong khoảng 1% - 2% thì ngân hàng hoạt động tốt; nếu ROA đạt mức trên 2% thì được xem là hiệu quả rất tốt.

Đây là một trong những chỉ tiêu tài chính được các nhà phân tích đánh giá hiệu quả tài chính các NHTM sử dụng vì:

 Phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của tài sản.

 Tạo ra sự kết nối các kết quả hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư của ngân hàng bất kể ngân hàng đã dùng nguồn vốn nào để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý của ngân hàng, cho thấy khả năng trong việc chuyển tài sản của ngân hàng thành thu nhập ròng.

Do đó, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản có thể được xem là chỉ tiêu tài chính toàn diện để đánh giá hiệu quả tài chính trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

1.3.1.2- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

ROE = Lợi nhuận sau thuế

Vốn chủ sở hữu bình quân x 100%

Chỉ tiêu này thể hiện một đồng vốn chủ sở hữu bình quân của ngân hàng sẽ mang về bao nhiêu đồng lợi nhuận trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm). Nói cách khác, ROE đánh giá lợi ích mà cổ đông (chủ sở hữu ngân hàng) có được từ nguồn vốn bỏ ra. Khi mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao ngụ ý rằng ngân hàng đã tạo được những thành quả trong việc quản lý, do đó ROE cao là mục tiêu tìm kiếm của bất cứ nhà đầu tư ngân hàng nào.

Tuy nhiên, nếu ROE quá lớn so với ROA chứng tỏ vốn tự có chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn vốn, ngân hàng đã huy động vốn nhiều để cho vay. Từ đó cho thấy, thu nhập của một ngân hàng rất nhạy cảm với phương thức tài trợ tài sản (sử dụng nhiều nợ hay vốn chủ sở hữu). Như vậy, đòi hỏi các nhà quản lý phải có sự cân nhắc trong việc sử dụng nguồn vốn hoạt động của ngân hàng mình nhằm điều chỉnh giữa vốn tự có so với vốn huy động, một mặt đảm bảo được tính an toàn cho hoạt động ngân hàng, mặt khác gia tăng lợi nhuận cho chính ngân hàng mình. Như vậy, ROE có xem xét đến chi phí huy động vốn và là sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh, đầu tư và các quyết định huy động vốn của nhà đầu tư. ROE còn được gọi là chỉ số phản ánh khả năng sinh lợi tài chính (suất sinh lời tài chính), ROE được dùng để so sánh hiệu quả tài chính giữa các ngành khác nhau.

Với thực trạng ngành ngân hàng hiện nay, suất sinh lời ROE đạt trên 30% thì hiệu quả tài chính của ngân hàng rất cao; hiệu quả tương đối tốt khi ROE đạt mức 20% - 30%; trong khoảng 10% - 20% thì có thể xem ngân hàng đạt mức ROE trung bình; dưới 10% thì ngân hàng phải xem xét lại cơ cấu nguồn vốn để có những chính sách điều chỉnh phù hợp.

Tóm lại, ROE là chỉ tiêu quan trọng nhất về chỉ tiêu lợi nhuận và tiềm năng phát triển của ngân hàng.

1.3.1.3- Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM)

NIM = Thu nhập lãi - Chi phí lãi

Tổng tài sản có sinh lời bình quân x 100%

NIM là chỉ tiêu đo lường khả năng sinh lời cơ bản từ hoạt động cho vay của ngân hàng theo mức tài sản có bình quân.

Tỷ lệ này thường được sử dụng đo lường mức độ chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí trả lãi mà ngân hàng có thể đạt được thông qua hoạt động kiểm soát chặt chẽ tài sản có sinh lời và theo đuổi các nguồn vốn có chi phí thấp. Qua phân tích chỉ số NIM cao hay thấp, ngân hàng có thể điều chỉnh tăng giảm lãi suất một cách hợp lý.

1.3.1.4- Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên (NNM)

NNM = Thu nhập ngoài lãi - Chi phí ngoài lãi

Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên đo lường mức chênh lệch giữa nguồn thu ngoài lãi, chủ yếu là nguồn thu phí từ các dịch vụ với các chi phí ngoài lãi mà ngân hàng phải chịu. Qua đó đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ và chi phí kinh doanh trong ngân hàng. Một ngân hàng hiện đại với sản phẩm, dịch vụ đa dạng, chất lượng tốt sẽ tạo nguồn thu ngoài lãi từ dịch vụ sẽ cao hơn các ngân hàng khác.

1.3.1.5- Tỷ lệ thu nhập hoạt động cận biên (NOM)

NOM = Tổng thu nhập hoạt động - Tổng chi phí hoạt động Tổng tài sản có sinh lời bình quân x 100%

Chỉ tiêu này phản ánh thu nhập của ngân hàng từ những nguồn thu ổn định bao gồm cả thu nhập từ cho vay, đầu tư và phí dịch vụ so với tổng tài sản của ngân hàng. Sự đa dạng hóa của danh mục đầu tư tài sản, phân bổ hợp lý mới tạo nguồn thu lớn, đồng thời phải kiểm soát được chi phí thì mới đem lại lợi nhuận cao cho ngân hàng.

1.3.1.6- Tỷ lệ thu nhập trên cổ phiếu (EPS)

EPS = Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành

Chỉ tiêu này phản ánh thu nhập của chủ sở hữu ngân hàng (cổ đông) tính trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Hay nói cách khác, chỉ tiêu này cho biết cứ mỗi cổ phiếu đang lưu hành thì mang lại bao nhiêu đồng thu nhập sau thuế. Chỉ số này càng cao thì càng chứng tỏ giá trị của cổ phiếu trên thị trường.

Một phần của tài liệu đánh giá hiệu quả tài chính trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn thương tín (Trang 27 - 30)