7- Kết cấu luận văn
1.4.1- Quy mô ngân hàng
Một cách tổng quát, quy mô chính là cơ sở cho sự phát triển về ngân hàng và có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Quy mô ngân hàng được đánh giá thông qua số liệu về tổng tài sản của ngân hàng.
Quy mô tổng tài sản của ngân hàng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của NHTM. Hầu hết các tỷ số phản ánh hiệu quả tài chính như ROA, ROE, NIM… đều rất nhạy cảm với tổng tài sản của ngân hàng. Có mối quan hệ tích cực giữa quy mô tổng tài sản và khả năng sinh lợi của ngân hàng, quy mô tổng tài sản càng lớn thì khả năng sinh lợi càng cao (Ong Tze San and Teh Boon Heng [39]; Samina Riaz [41]; Samina Riaz & Ayub Mehar [42]). Điều này thể hiện tính kinh tế theo quy mô, các ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn sẽ có cơ hội thuận lợi hơn để gia tăng khả năng sinh lợi từ việc mở rộng kênh phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như hiệu quả do đòn bẩy cao hơn từ nguồn vốn tài chính.
Tuy nhiên, tác động tích cực của quy mô tổng tài sản chỉ có một giới hạn nhất định. Khi tổng tài sản quá lớn, vượt quá điểm hiệu quả về quy mô thì có thể dẫn đến mối quan hệ tiêu cực giữa quy mô tổng tài sản và khả năng sinh lợi. Nguyên nhân là do việc quản trị khối tài sản này đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao, tốn kém nhiều chi phí quản lý điều hành, đồng thời còn có thể dẫn đến sự quan liêu… Hơn nữa, nếu danh mục tài sản ngày càng đa dạng hóa với mục tiêu làm giảm rủi ro tín dụng thì khi đó kéo theo lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ giảm. Do vậy, để có thể tăng khả năng sinh lợi, giảm rủi ro, đồng thời đảm bảo khả năng thanh khoản, các ngân hàng phải luôn quan tâm đến các danh mục tài sản, đặc biệt là các tài sản có sinh lời của ngân hàng, thực hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục tài sản hợp lý, đảm bảo danh mục tài sản có thể chuyển đổi mục đích linh hoạt, phù hợp với những biến động của môi trường kinh doanh.