7- Kết cấu luận văn
3.2.5- Đẩy mạnh các dịch vụ phi tín dụng, gia tăng thu nhập ngoài lãi
Sacombank cần quán triệt vai trò của việc phát triển dịch vụ phi tín dụng trong đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh chung của hệ thống. Từ việc nhận thức được sự cần thiết của việc đẩy mạnh dịch vụ phi tín dụng, Sacombank phải xây dựng một tỷ trọng lợi nhuận hợp lý trong tổng lợi nhuận của ngân hàng và thường xuyên kiểm soát tỷ trọng hợp lý này theo hướng ngày càng giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ tín dụng. Thông qua việc phân tích hiệu quả của từng loại hình dịch vụ trên các góc độ doanh số, lợi nhuận, rủi ro sẽ giúp Sacombank xây dựng tỷ trọng giữa hai loại hình tín dụng và phi tín dụng ngày càng hợp lý hơn.
Để gia tăng doanh thu dịch vụ phi tín dụng, Sacombank cần phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các dịch vụ hiện đang được Sacombank đẩy mạnh mà hiệu quả mang lại đang có xu hướng gia tăng, đó là các dịch vụ thanh toán quốc tế, thanh toán nội địa, kiều hối, dịch vụ ủy thác, bảo lãnh, chứng
minh năng lực tài chính du học – du lịch, dịch vụ ngân quỹ, thanh toán thẻ, kinh doanh ngoại hối, các dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking, SMS Banking… Sacombank có thể đẩy mạnh lợi nhuận từ các dòng sản phẩm, dịch vụ hiện có nhưng chưa được phát triển mạnh như sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng (Banca) – đây là sản phẩm không có rủi ro mà còn mang lại lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng, gói sản phẩm này hiện nay đang được các NHNNg triển khai và đạt được nhiều thành công.
Khi thị trường tài chính phát triển và cạnh tranh như hiện nay thì thương hiệu sẽ là nhân tố mang tính quyết định trong việc lựa chọn ngân hàng để gắn bó đối với bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào trong nền kinh tế. Vì vậy, Sacombank cần xây dựng cho thương hiệu của ngân hàng mình phải có điểm khác biệt, độ nhận diện cao và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Tăng cường hiệu quả và khả năng tự phục vụ của hệ thống ATM nhằm cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau với chi phí rẻ hơn. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các ngân hàng để nâng cao hiệu quả và mở rộng khả năng sử dụng thẻ ATM, MasterCard, VisaCard và kinh doanh POS.
Tuy nhiên, Sacombank cũng không ngoại lệ bị cạnh tranh quyết liệt bởi các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài… vốn đã phát triển mạnh các sản phẩm này. Do đó, Sacombank cần nghiên cứu áp dụng thêm các dịch vụ mới như bảo hiểm, tư vấn tài chính,… Để phát triển các dịch vụ phi tín dụng, đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao, am hiểu nhiều lĩnh vực, nhạy bén và nhanh chóng nắm bắt các cơ hội kinh doanh trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới liên tục thay đổi. Sacombank có thể ưu tiên tuyển các ứng viên đã từng học tập bên nước ngoài hay các cán bộ đã từng làm việc cho các NHNNg để có được kinh nghiệm và sự hiểu biết rộng hơn. Ngoài ra, Sacombank có thể cử các cán bộ nghiệp vụ đi khảo sát, tác nghiệp và học tập tại các ngân hàng đối tác ở nước ngoài để tiếp thu kinh nghiệm thực tế, đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm dịch vụ hiện có và cho ra mới nhiều sản phẩm dịch vụ phù hợp với chính sách bán lẻ của Sacombank như hiện nay.
Bên cạnh đó, Sacombank cần hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ phi tín dụng mang tầm dài hạn một cách hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế . Sacombank phải xây dựng được
lộ trình phát triển dịch vụ phi tín dụng. Chiến lược cần đảm bảo những yêu cầu sau: (i) Phải dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ phi tín dụng hàng năm; (ii) Phải xuất phát từ nhu cầu khách hàng; (iii) Phải so sánh với đối thủ cạnh tranh để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức từ đó đề ra mục tiêu phát triển; (iv) Trên cơ sở chiến lược đã hoạch định, từ đó cụ thể hóa các giải pháp của từng giai đoạn thực hiện trên cơ sở giao chỉ tiêu đến từng chi nhánh dựa vào đặc thù, thế mạnh của chi nhánh để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.
Từ lâu, các nhà quản trị tài chính trong ngân hàng truyền nhau kinh nghiệm là phấn đấu dùng các khoản thu phí dịch vụ để đài thọ các chi phí quản lý điều hành trong ngân hàng, còn chênh lệch lãi ròng là lợi nhuận ròng để chia cổ tức. Và cũng từ lâu, các ngân hàng lớn trên thế giới đã bớt tha thiết đến hoạt động tín dụng bán lẻ; họ thích tập trung cho vay bán buôn trên thị trường liên ngân hàng, tuy chỉ hưởng lãi suất bán buôn thấp hơn lãi suất bán lẻ nhưng ít phải chịu rủi ro tín dụng cộng hưởng với các dạng rủi ro khác.
Các nhà hoạch định chính sách tài chính ngân hàng ở nước ta tuy nhận thức rõ xu thế phát triển dịch vụ phi tín dụng, nhưng do tồn tại của lịch sử để lại một nền kinh tế phát triển dựa trên sự thâm dụng vốn nên trong một khoảng thời gian sắp tới, tín dụng sẽ còn tiếp tục là hoạt động chủ lực của các NHTM trong nước. Việc đảo ngược cơ cấu hoạt động của các ngân hàng bản xứ phải cần thêm thời gian để thích nghi.