7- Kết cấu luận văn
2.2.3- Phân tích nhóm chỉ tiêu phản ánh rủi ro trong hoạt động ngân hàng
Một trong những chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng là tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu. Theo thông tư 02/2013/TT-NHNN, tỷ lệ nợ quá hạn là những khoản tín dụng mà NHTM buộc phải phân loại vào cả nhóm nợ 2, 3, 4, 5; còn tỷ lệ nợ xấu thì phân loại vào nhóm nợ 3, 4, 5. Tỷ lệ này càng cao cho thấy chất lượng tài sản của các NHTM càng kém.
Nợ xấu tại các NHTMCP Việt Nam không phải mới phát sinh trong những năm gần đây mà thực chất đã tích tụ từ nhiều năm trước. Khi tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ thì cũng là lúc nợ xấu nảy nở như nấm sau mưa. Các NHTMCP lúc này bắt đầu gặp khá nhiều trục trặc về thanh khoản và kết quả hoạt động kinh doanh chững lại từ những năm 2011 – 2012.
Bảng 2.7: Tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giai đoạn 2010 – 2014
ĐVT: tỷ đồng Năm Chỉ tiêu Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Nợ xấu 445 463 1,973 1,610 1,523 Nợ quá hạn 474 699 2,402 2,390 2,029 Tổng dư nợ 82,485 80,539 96,334 110,566 128,015 Tỷ lệ Nợ quá hạn (%) 0.58% 0.87% 2.49% 2.16% 1.59% Tỷ lệ Nợ xấu (%) 0.54% 0.58% 2.05% 1.46% 1.19%
(Nguồn: Tổng hợp và tính toán của tác giả từ Báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank giai đoạn 2010 – 2014)
Tỷ lệ nợ quá hạn của Sacombank luôn biến chuyển qua các năm. Năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,59%, đã dần giảm xuống từ mức đỉnh điểm 2,49% năm 2012 và mức 2,16% năm 2013; thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7,11% của nhóm các NHTMCP Việt Nam so sánh trong giai đoạn 2010 – 2014 (Phụ lục 16). Tỷ lệ này cho thấy chất lượng tài sản của Sacombank tương đối hiệu quả.
Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank được kiểm soát khá tốt qua các năm và đảm bảo mức cho phép của NHNN (dưới 3%) theo thông tư 36/2014/TT-NHNN. Năm 2012, nợ xấu cũng ở mức đỉnh điểm là 2,05% nhưng đến năm 2014, tỷ lệ nợ xấu là 1,19%, đã giảm đôi chút so với tỷ lệ nợ xấu năm 2013 là 1,46%. Tuy cao hơn trong những năm trước 2010 – 2011 nhưng sau năm 2012 thì tỷ lệ nợ xấu đã được cải thiện, thể hiện qua các tỷ số giảm dần qua các năm. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của Sacombank qua 5 năm là 1,16%; thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của nhóm các NHTMCP khảo sát trong giai đoạn 2010 – 2014 là 2,07% (Phụ lục 17). Ngay cả các NHTMCP lớn như BID, VCB, TCB, MSB cũng trên mức 2%, đặc biệt là SHB có tỷ lệ nợ xấu bình quân lên đến 3,72%.
Theo báo cáo của NHNN, toàn hệ thống các NHTMCP có tỷ lệ nợ xấu lần lượt là: 2,52% - 3,07% - 4,08% - 3,61% - 3,25%; tỷ lệ nợ xấu bình quân là 3,31% trong giai đoạn 2010 – 2014. Phần lớn các NHTM có tỷ lệ nợ xấu cao tập trung vào nhóm các ngân hàng có tính cạnh tranh thấp; còn đối với các NHTM có tỷ lệ nợ xấu thấp là những ngân hàng có quy mô lớn, có uy tín trên thị trường, chuyên nghiệp trong công tác tín dụng. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở đây là sự chuyên môn hóa trong tín dụng: Bộ phận thẩm định, định giá tài sản, thực hiện hợp đồng, giải ngân, lưu trữ hồ sơ, theo dõi sử dụng vốn vay và thu hồi nợ… đều hoàn toàn tách biệt, chính điều này đã làm cho công tác tín dụng được khách quan, công khai, minh bạch hơn.
Trở lại với vấn đề nợ xấu của Sacombank, sở dĩ năm 2012 tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến lên mức 2,05% trong khi tỷ lệ này luôn được kiểm soát dưới mức 1% trong giai đoạn 2008 – 2011, đó là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã tác động đến điều kiện kinh doanh của khách hàng, kéo theo khả năng trả nợ kém.
Biểu đồ 2.10: Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giai đoạn 2010 – 2014
Đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh, ngoài việc khống chế tỷ lệ cho vay theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề theo quy định của NHNN; các NHTM cũng rất hạn chế cho vay các lĩnh vực nhiều rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản… Thực tế cho thấy, tỷ trọng cho vay xây dựng thay đổi rõ rệt từ 5,87% trong năm 2008 tăng lên mức 7,00% năm 2011; 13,53% năm 2012; 15,07% trong năm 2013 và 12,30% năm 2014. Thêm vào đó, tỷ trọng cho vay các hoạt động liên quan kinh doanh
tài sản và dịch vụ tư vấn cũng ngày một tăng lên. Hoạt động này cũng được coi như hoạt động kinh doanh bất động sản, tỷ trọng này chiếm tỷ lệ 8,42% tổng dư nợ cho vay năm 2008 và con số này đã tăng lên mức 14,87% năm 2013 và 18,02% năm 2014. Nếu gộp khoản này vào mục cho vay xây dựng và cho vay bất động sản thì tỷ trọng thực sự của lĩnh vực này năm 2013 và 2014 tương đối ngang nhau, chiếm đến khoảng 30%. Đây có thể là nguyên nhân cho sự gia tăng đột ngột của tỷ lệ nợ xấu từ sau năm 2011. Trong trường hợp này thì mức độ rủi ro thực sự mà Sacombank phải đối mặt sẽ cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu theo công bố. Sự ấm dần của thị trường bất động sản là dấu hiệu tích cực cho ngành ngân hàng khi mà hơn 70% tài sản đảm bảo là bất động sản. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản quá “nóng” dẫn đến “cơn sốt” hay quá “lạnh” dẫn đến “đóng băng” thị trường thì đều có tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, Sacombank đã kiểm soát khá tốt tỷ lệ nợ xấu dưới mức bình quân của nhóm các NHTMCP khảo sát trong giai đoạn 2010 – 2014 và luôn nằm trong “top” ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống NHTMCP Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu thấp này cũng được lý giải bởi cấu trúc cho vay của Sacombank. Như đã phân tích, Sacombank đã dần phân bổ đồng đều tỷ lệ cho vay theo đối tượng khách hàng và theo loại hình doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay các TCKT đã giảm dần trong khi tỷ lệ cho vay cá nhân lại nâng lên qua các năm trong giai đoạn 2010 – 2014. Tỷ trọng cho vay cá nhân chiếm 44,51% và cho vay các TCKT chiếm 55,49% tổng dư nợ cho vay năm 2014, thể hiện sự phân bổ tương đối đồng đều. Tuy nhiên, so với mức bình quân trong 5 năm liên tiếp thì tỷ lệ này còn tương đối cách xa nhau: 38,06% và 61,94%. Vì sao các NHTM lại có xu hướng hoạch định chiến lược tập trung đẩy mạnh cho vay cá nhân, phân tán, nhỏ lẻ song song với cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp? Theo thực tế, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, phục vụ người dân, tiêu dùng là rất lớn nhưng bù lại khi cho vay phân tán, nhỏ lẻ thì chênh lệch lãi suất giữa đầu vào đầu ra tương đối tốt. Ngân hàng có thể dùng khoản lợi nhuận này để bù đắp cho các chi phí khác, đồng thời khi cho vay phân tán nhỏ lẻ thì ngân hàng phân tán được rủi ro trong cho vay và tính an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn vì những khoản vay lớn này có rủi ro tiềm ẩn nhiều hơn. Khi hạn chế được rủi ro trong công tác cấp tín dụng thì tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ được giảm thiểu, đồng thời cũng giảm được chi phí thu hồi các khoản vay quá hạn, góp phần gia tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng giảm dần cũng nhờ việc tích cực sử dụng quỹ DPRR và bán nợ cho VAMC. Trong năm 2014, Sacombank đã bán 4.984 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Việc mua nợ xấu của VAMC dường như là sự cải thiện không thực chất vì ngân hàng vẫn có trách nhiệm xử lý những khoản nợ đã bán này. Đồng thời, Sacombank đã sử dụng 686 tỷ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu và trích lập thêm 688,5 tỷ đồng DPRR. Năm 2014, DPRR tín dụng là 963 tỷ đồng, tăng 121,47% so với năm 2013, mức gia tăng này cao rất nhiều so với tốc độ tăng DPRR tín dụng trung bình 51,63% của 4 năm liền kề. Quy mô trích lập bình quân trong giai đoạn 2010 – 2014 là 688 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh này có thể được lý giải là do các quy định chặt chẽ hơn trong việc phân loại và trích lập dự phòng các khoản cho vay. Quy mô trích lập dự phòng lớn của các NHTM nói chung đã làm sáng tỏ vì sao trong khi tín dụng tăng mạnh mà tỷ lệ nợ xấu báo cáo khá thấp và thực chất lợi nhuận vẫn còn “tiềm ẩn”.
Như vậy, qua phân tích tỷ lệ nợ xấu, có thể thấy được Sacombank đã kiểm soát khá tốt các tỷ lệ này. Sacombank đã thực hiện hiệu quả trong công tác cấp phát tín dụng, đã dần phân bổ đồng đều tỷ lệ cho vay theo đối tượng khách hàng và theo loại hình doanh nghiệp để phân tán được rủi ro trong cho vay và đảm bảo tính an toàn. Ngoài ra, Ban ngăn chặn và xử lý nợ quá hạn của Sacombank cũng đã phát huy tốt vai trò tham mưu và dự báo, đồng thời đã đề ra các giải pháp xử lý nợ xấu. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ các công tác trên, chất lượng tài sản của Sacombank tương đối tốt so với nhóm các NHTMCP khảo sát trong giai đoạn 2010 – 2014 và Sacombank luôn nằm trong “top” ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống NHTMCP Việt Nam.