Một số giáo án dạy học thơ văn NĐC

Một phần của tài liệu Dạy học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn văn hóa Nam Bộ (Trang 74 - 76)

2.1.2.1. Mục đích khảo sát

Khảo sát một số giáo án ở các trường PT khu vực phía Nam và khu vực phía Bắc, chúng tôi muốn xem xét cách tiếp cận, khám phá thơ văn NĐC cũng như cách thức tổ chức dạy học thơ văn NĐC. Từ đó căn cứ để đề xuất cách tiếp cận và cách thức tổ chức dạy học thơ văn NĐC theo hướng mới của đề tài đề ra.

2.1.2.2. Đối tượng khảo sát

1) Một số giáo án dạy học thơ văn NĐC ở trường THCS và THPT khu vực phía Nam

- Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (GV Lâm Thị Bạch Yến soạn giảng)

- Trường THPT Phan Ngọc Hiển, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (GV Bùi Quốc Lực soạn giảng)

2) Một số giáo án dạy học thơ văn NĐC ở trường THCS và THPT khu vực phía Bắc

- Trường THCS Thực nghiệm thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Liễu Giai, thành phố Hà Nội (GV Nguyễn Đức Hạnh soạn giảng)

- Trường THPT Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (GV Hồ Quí Nghĩa soạn giảng)

2.1.2.3. Nội dung khảo sát

- Hướng tiếp cận khám phá nội dung và nghệ thuật thơ văn NĐC - Phương pháp tổ chức dạy học thơ văn NĐC

1) Đối với nội dung dạy học

- Về mặt ưu điểm

Các giáo án đều tập trung vào nội dung văn bản và ngoài văn bản để khám phá thơ văn NĐC.

GV có chú ý đến việc khai thác, khám phá những hình tượng và ngôn từ để giúp HS hiểu được nội dung, nghệ thuật thơ văn NĐC.

- Về mặt hạn chế:

Nhìn chung, tất cả các giáo án được khảo sát trên đều là giáo án thiên về nội dung nhằm cung cấp kiến thức chứ chưa phải là giáo án chú ý nhiều đến phương pháp tổ chức các hoạt động dạy và học. Có nghĩa là các giáo án trên chỉ chú ý đến việc cung cấp kiến thức về thơ văn NĐC chứ chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động nhằm giúp HS biết cách thức tự khám phá kiến thức nội dung, nghệ thuật của thơ văn ông. Hơn nữa, các giáo án này đều được GV dựa vào SGV hướng dẫn soạn giảng. Do đó, nó chỉ đơn thuần khám phá mặt nội dung và nghệ thuật thơ văn NĐC mà chưa tạo được điểm nhấn riêng nên dẫn đến tình trạng vẫn nặng nề, ôm đồm những kiến thức hàn lâm đối với người học.

2) Đối với phương pháp dạy học

- Về mặt ưu điểm

Qua các giáo án cho thấy, GV nắm được yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học để vận dụng trong quá trình dạy học: Phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm, phương pháp gợi mở,…

Các giáo án lên lớp được GV tiến hành tương đối đầy đủ đảm bảo theo trình tự các bước: Kiểm tra bài cũ, triển khai nội dung bài mới, củng cố dặn dò.

Các giáo án đều sử dụng một số câu hỏi gợi mở để định hướng dẫn dắt người học khám phá kiến thức bài học.

Trong quá trình lên lớp, GV dựa vào các phần trong giáo án được phân bố sẵn thời gian nên giờ học luôn đảm bảo cũng như tiết học diễn ra đúng theo yêu cầu của phân phối chương trình, đảm bảo đúng số tiết và hợp lí.

Các giáo án chưa thể hiện được sự đa dạng tư liệu trong quá trình dạy học thơ văn NĐC. Nghĩa là thực tế GV lên lớp chỉ dựa vào hướng dẫn độc nhất của SGK, SGV. Hơn nữa, hiện tại ở các trường PT chưa quan tâm đến việc trang bị những tài liệu bổ trợ thêm về văn hóa NB cũng như những tài liệu nghiên cứu về bối cảnh thời đại khi tác phẩm ra đời nhằm giúp HS mở rộng kiến thức, thấy được nét độc đáo riêng của thơ văn NĐC. Vì thế, nên dẫn đến tình trạng giờ dạy của thầy trò vẫn còn diễn ra hiện tượng dạy học “chay”.

Trong giờ dạy học GV còn diễn giảng nhiều, HS làm việc ít. Một số câu hỏi GV đặt ra trong giáo án còn mang tính tái hiện kiến thức, chưa phát huy việc giúp HS vận dụng kiến thức bài học vào đời sống thực tế bản thân. Điều này đã làm cho giờ dạy học thơ văn NĐC trở nên thiếu tính hấp dẫn và tính thiết thực. Ví dụ, dạy đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, GV thường sử dụng các câu hỏi sau:

+ Hình ảnh LVT đánh cướp được miêu tả tập trung qua những câu thơ nào? + Hình ảnh Kiều Nguyệt Nga được hiện lên qua chi tiết nào?

+ Những phẩm chất gì được bộc lộ qua lời nói của nàng?

Các giáo án chưa giúp HS trải nghiệm những vốn kiến thức hiểu biết thực tế của bản thân liên quan đến bài học để tạo tâm thế trong việc tìm hiểu, khám phá tác phẩm.

Nhìn chung, các giáo án chưa khuyến khích sự năng động, sáng tạo ở HS. Vì thế, giờ học chưa phát triển được cá tính, phát triển năng lực trí tuệ, cảm xúc cũng như khơi gợi niềm say mê văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng ở HS.

Một phần của tài liệu Dạy học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu dưới góc nhìn văn hóa Nam Bộ (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)