6) Ý nghĩa của tác phẩm là gì?
2.3.2. Trong giờ học
2.3.2.1. Hoạt động 1. Trải nghiệm văn hóa
Trải nghiệm văn hóa là khâu quan trọng nhất trong quá trình khám phá thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB. Bởi hoạt động này sẽ tạo nên bầu không khí giúp cho HS được sống trong không gian VHNB cũng như kích thích sự trải nghiệm về VHNB ở các em. Để hoạt động trắc nghiệm đạt hiệu quả, GV cần chú ý một số hoạt động cụ thể như sau:
1) GV cho HS xem clip phim, ảnh, hay các tài liệu, giai thoại,... sau đó đặt câu hỏi liên quan đến VHNB nhằm định hướng HS nắm chắc các đặc điểm VHNB. Đây là tiền đề để giúp HS khám phá tác phẩm. Ví dụ, dạy học bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, sau khi xem đoạn phim tư liệu, GV có thể đặt câu hỏi: Em hiểu biết gì về vùng đất và con người Nam Bộ?...
2) GV có thể yêu cầu HS vận dụng những hiểu biết thực tế của bản thân và nhớ lại những kiến thức đã học, trao đổi với bạn cùng nhóm để trả lời. Ví dụ, dạy học đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, để dẫn dắt, khơi gợi những kiến thức về VHNB, GV có thể đặt các câu hỏi, như Các tác phẩm viết về NB đã được
học ở lớp 6 như “Đất rừng phương Nam”(trích đoạn Sông nước Cà Mau – Đoàn Giỏi), hay, qua bài đọc thêm “Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương” ở lớp 7, em hiểu gì về thiên nhiên, nếp sống sinh hoạt, tính cách con người ở NB?...
Nói chung, có nhiều cách thức để tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa nhằm huy động cho được vốn kiến thức về VHNB sẵn có ở HS. Do đó, đòi hỏi GV phải tổ chức sao cho linh hoạt, phù hợp cho từng đối tượng để tạo không khí đầu giờ học thật sinh động, hấp dẫn. Vì thế, hoạt động trải nghiệm văn hóa sẽ giúp HS được trải nghiệm văn hóa cũng như tạo tâm thế thoải mái để bước vào thế giới thẩm mỹ của sáng tác NĐC.
2.3.2.2. Hoạt động 2. Đọc văn bản
Đọc là hoạt động rất quan trọng và là phương pháp đầu tiên trong quá trình phân tích, khám phá tác phẩm văn chương. Đối với tác phẩm văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng, hoạt động đọc càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, nó không thể thiếu vắng trong quá trình dạy học. Nhờ có hoạt động đọc mà giúp HS phá vỡ được lớp ngôn ngữ ban đầu để đi sâu, khám phá những thông điệp thẩm mỹ được tác giả gửi gắm vào nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Tuy nhiên, các tác phẩm trung đại nói chung, thơ văn của NĐC nói riêng đều ra đời cách nay đã gần hai thế kỉ. Hơn nữa, ngôn ngữ thơ văn ông đều được viết chủ yếu bằng chữ Nôm cho nên rất xa lạ và khó hiểu đối với HS hiện nay. Điều này đã tạo nên rào cản lớn trong việc tìm hiểu, khám phá cũng như tâm lí tiếp nhận của các em.
Vì vậy, để hiểu được tác phẩm văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng, trước tiên yêu cầu HS đọc thật kĩ tác phẩm. Có đọc kĩ thì mới nắm chắc được toàn bộ nội dung tác phẩm. Riêng đối với đoạn trích, HS không những đọc văn bản đoạn trích ở trong SGK mà cần phải đọc cả toàn bộ tác phẩm. Ví dụ, đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ở Ngữ văn, lớp 9, HS cần nên đọc hết tác phẩm LVT thì mới hiểu được toàn bộ nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Điều này không chỉ giúp HS nhận ra vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật mà còn thấy được những thông điệp VHNB của tác giả gửi gắm vào tác phẩm.
Thứ hai, trong quá trình đọc, đòi hỏi HS phải vận động tất cả bộ máy phát âm, thị giác, thính giác và huy động các chức năng tâm lí, như tư duy, trí tưởng tượng, liên tưởng,… một cách tích cực nhất thì mới có thể hình dung ra được những cảm xúc cũng như cảm nhận được vẻ đẹp từ những hình tượng nghệ thuật trong tác
phẩm. Làm được điều này, không những giúp HS tìm ra được những giá trị thẩm mĩ của tác phẩm mà quan trọng hơn còn nhận ra được bức thông điệp văn hóa được tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Ví dụ, đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, HS phải huy động tất cả bộ máy phát âm, thị giác, thính giác cũng như các chức năng tâm lí thì mới cảm nhận và thấu hiểu được tiếng khóc bi tráng tiếc thương vô hạn của đồng bào NB và của chính tác giả đối với những người nghĩa sĩ nông dân ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó sẽ thôi thúc được lòng yêu nước và ý thức bảo vệ quê hương, đất nước ở mỗi bản thân các em.
Thứ ba, trong quá trình đọc văn bản, GV yêu cầu HS cần nắm chắc tiểu sử của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; nhận biết sơ bộ được chủ đề, kết cấu, trạng thái cảm xúc, hay cốt truyện, tính cách các hình tượng nhân vật cũng như các biện pháp nghệ thuật. Chẳng hạn, khi đọc tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, GV yêu cầu HS cần hiểu đúng về bối cảnh ở giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc nói chung, của NB nói riêng; hoàn cảnh xuất thân của những người nghĩa sĩ cũng như nắm chắc chức năng của thể loại bài văn tế. Từ đó để HS cảm nhận được nỗi niềm đau xót, đầy thương tiếc của con người, quê hương cảnh vật NB và của chính tác giả trước sự hy sinh mất mát to lớn đối với những người nghĩa sĩ nông dân ngã xuống vì quê hương, đất nước,...
Thứ tư, để hoạt động đọc thơ văn NĐC trong giờ lên lớp đạt hiệu quả, người đọc phải biết bám sát vào câu chữ nhằm “huy động toàn bộ kinh nghiệm, vốn sống, trình độ văn hóa nhằm tạo nên sự hòa đồng giữa người đọc với tác giả, làm khoảng cách giữa tác giả và người đọc được rút ngắn” [68, 31]. Hay, người đọc “không chỉ là chuyển các ký hiệu văn tự thành âm thanh hoặc hình ảnh âm thanh mà là một quá trình nhận thức để hiểu những gì được đọc; không chỉ hiểu ngôn từ trên các dòng chữ mà còn phải thâu thái được những điều ẩn chứa sau các dòng chữ” [3, 163]. Ví dụ, bài học về đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, HS biết bám vào những câu chữ miêu tả hành động cử chỉ và lời nói của hình tượng nhân vật LVT để tô đậm vẻ đẹp của hành vi ứng xử có văn hóa và tính cách nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài,… của người NB. Hay, qua lời đối đáp của nhân vật KNN với LVT để
hiểu được cung cách ứng xử hết sức nhã nhặn, có học thức, nết na, lịch thiệp và đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp phẩm cách của người phụ nữ NB nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung.
Thứ năm, trong quá trình đọc, để thông hiểu và cảm được giá trị và vẻ đẹp riêng của thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, HS cần phải chú ý các kiểu đọc sau:
- Đọc đúng: người đọc phải trung thành với tác phẩm, không sai về ngữ âm, ngữ pháp, chính tả, đọc rõ ràng, trôi chảy từng câu, từng đoạn và cả tác phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với người đọc. Vì đọc sai sẽ không thể hiểu được nội dung tác phẩm. Do đó, việc dạy học thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, GV cần định hướng HS đọc sao cho đúng chữ, đúng âm theo giọng điệu và cách nói của người NB để hiểu đúng từng câu chữ trong tác phẩm. Cụ thể, dạy học đoạn trích Lục Vân
Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, GV yêu cầu HS đọc đúng theo ngữ âm và giọng điệu
của các từ ngữ: “đàng, thiệt, tiểu thơ”,… chứ không nên đọc theo tiếng Việt phổ thông, như đọc “đàng” thành “đường” ở trong câu thơ: “Vân Tiên ghé lại bên
đàng”; hay, đọc “thiệt” thành “thật” trong câu thơ “Thưa rằng: Tôi thiệt người ngay”,… Nếu đọc như thế thì bản thân người học sẽ khó có thể cảm nhận được cái
hay riêng trong cách phát âm, diễn đạt của người NB. Như vậy, việc đọc đúng âm và giọng NB sẽ giúp HS dễ dàng nhận ra ngôn ngữ của thơ văn NĐC mang đặc điểm riêng của ngôn ngữ NB.
- Đọc diễn cảm: là kiểu đọc ở mức độ cao hơn so với đọc đúng. Đọc diễn cảm là giọng đọc phải thật truyền cảm, làm cho câu chữ trong tác phẩm được hiện lên thật sống động qua các sự vật, hình ảnh như nó vốn có trong cuộc sống, đồng thời thể hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả gửi gắm vào trong từng câu, chữ. Do đó, để đọc diễn cảm, trước hết người đọc phải am hiểu thật tường tận, sâu sắc tác phẩm thì mới thật sự có cảm xúc, nhập tâm vào từng nhân vật. Có như thế, người đọc mới làm cho câu chữ trở nên mềm mại, uyển chuyển, lên xuống đúng theo giọng điệu, ngữ điệu mà tác giả muốn truyền tải, đồng thời còn tạo được sự rung động trái tim người nghe, khiến mọi người đồng cảm với người đọc và tác giả. Tuy nhiên, để đọc cho diễn cảm thì theo chúng tôi, GV cần nên đọc mẫu, sau đó hướng
dẫn và yêu cầu HS đọc lại nhằm lột tả cho được tư tưởng, tình cảm của tác giả đã gửi gắm vào từng câu, chữ được thể hiện qua các nhân vật, những sự kiện, sự việc trong tác phẩm. Điều quan trọng là bản thân HS phải thấu hiểu được nội dung tác phẩm thì việc đọc diễn cảm mới tốt được. Ví dụ, đọc đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, HS cần chú ý những câu thơ kể thì giọng đọc khoan thai, chậm
rãi, những câu thơ thể hiện lời đối thoại của LVT với bọn cướp hung hãn thì cần phải đọc với giọng rắn rỏi, mạnh mẽ và hùng hồn, còn những câu thơ miêu tả hành động đánh cướp của chàng “tả đột hữu xông” thì giọng đọc cần gấp ráp, dồn dập và mạnh bạo. Nhưng đến những câu thơ thể hiện lời đối thoại của LVT đối với KNN thì giọng đọc phải trùng xuống, thể hiện đúng phong cách từ tốn, khiêm nhường, lịch lãm của chàng. Hay, bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, HS cần chú ý giọng đọc
khác nhau, có lúc thì trầm lắng, nhẹ nhàng, có lúc thì uất ức, nghẹn ngào, sôi sục lòng căm thù, lúc lại đau xót, thương tiếc, khôn nguôi,... Từ đó sẽ làm sống dậy không khí thiêng liêng của buổi lễ tế vong hồn những anh hùng nghĩa sĩ NB đã quên mình vì quê hương đất nước. Cụ thể, ở từng phần của bài văn tế, HS cần có giọng đọc phù hợp như sau:
+ Lung khởi (1 - 2): Giọng đọc cần thể hiện sự trang nghiêm để làm bật lên nguồn gốc xuất thân của những người nghĩa sĩ.
+ Thích thực (3 – 15): Giọng đọc trầm xuống như hồi tưởng về quá khứ và hào hứng, sảng khoái khi kể lại chiến công của những người nghĩa sĩ thật đáng ngợi ca.
+ Ai vãn (16 - 28): Giọng đọc trầm buồn, sâu lắng, thể hiện niềm tiếc nuối xót xa, đau đớn tột cùng trước sự hy sinh, mất mát của những người nghĩa sĩ.
+ Kết (29 - 30): Giọng đọc nhẹ nhàng để làm bật lên không khí thiêng liêng của buổi lễ kính viếng linh hồn của những người nghĩa sĩ.
Tóm lại, hoạt động đọc đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy học thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB. Bởi qua đó, nó sẽ giúp HS dễ dàng nắm bắt và thấu hiểu những đặc điểm VHNB ẩn tàng ở các phương diện chủ đề, trạng thái cảm xúc,
tính cách các hình tượng nhân vật cũng như các biện pháp nghệ thuật,... nhằm tô đậm vẻ đẹp riêng của thơ văn ông.
2.3.2.3. Hoạt động 3. Chú giải, cắt nghĩa các điển cố và từ ngữ khó mang màu sắc Nam Bộ
Hoạt động chú giải, cắt nghĩa là những hoạt động không thể thiếu trong việc dạy học tác phẩm văn học trung đại nói chung, thơ văn NĐC nói riêng nhằm rút ngắn khoảng cách thẩm mĩ giữa HS với tác phẩm. Bởi văn thơ trung đại cũng như thơ văn NĐC có khoảng cách rất lớn đối với HS hiện nay về thời đại, về vốn sống, tầm văn hóa, tầm hiểu biết, cả về khoảng cách tâm lí,... Chính khoảng cách này “nó không thể có sự đồng nhất, trùng khít hoàn toàn trong cảm thụ và tiếp nhận văn học, giữa cái tác giả thể hiện và cái người đọc thấy trên văn bản” [45, 75]. Vì thế, trong quá trình dạy học, GV cần phải tổ chức, hướng dẫn làm sao thu hẹp được khoảng cách ấy nhằm tạo cơ hội cho HS được giao tiếp nghệ thuật với tác phẩm. Hơn nữa, thơ văn xưa nói chung, thơ văn NĐC nói riêng chủ yếu sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác. Những chữ viết cổ này vốn rất hàm súc, đa nghĩa, cho nên trong quá trình dạy học những tác phẩm ấy nếu như không được giải thích một cách chi tiết, cẩn thận và rõ ràng thì HS khó có thể tiếp nhận tác phẩm được tường tận và sâu sắc. Đặc biệt, dạy học thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB thì việc chú giải, cắt nghĩa là khâu hết sức quan trọng. Vì thế, việc cắt nghĩa và chú giải là hoạt động không chỉ giúp HS vượt qua hàng rào ngôn ngữ để hiểu chính xác nội dung từng câu, chữ trong tác phẩm mà còn soi sáng những giá trị VHNB được kết tinh làm đẹp cho thơ văn NĐC. Tuy nhiên, nhìn chung những từ ngữ khó, các điển cố, điển tích trong các sáng tác của NĐC đưa vào chương trình giảng dạy ở phổ thông đều đã được SGK Ngữ văn, lớp 9 và Ngữ văn, lớp 11 chú giải, cắt nghĩa cũng khá kĩ. Cho nên, trong quá trình khám phá thơ văn ông, GV yêu cầu HS đọc kĩ phần chú giải, cắt nghĩa ở SGK và dựa trên cơ sở đó mà chú ý đến việc chú giải, cắt nghĩa sâu thêm những từ ngữ khó và các điển cố, điển tích có liên quan đến VHNB để nhằm hiểu rõ hơn nội dung ý nghĩa cũng như vẻ đẹp riêng của thơ văn ông. Cụ thể các hoạt động chú giải, cắt nghĩa được thể hiện như sau:
- Hoạt động chú giải là “làm sáng tỏ một khái niệm, một phạm trù lạ bị che đậy hoặc ẩn tàng dưới một hình thức ngôn ngữ bác học hoặc ngôn ngữ lịch sử để biến chúng thành cụ thể, dễ hiểu và đặt chúng trong mối quan hệ với bộ phận hoặc toàn bộ văn bản”,…” [68, 42].
Là tác giả thuộc dòng văn học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX, NĐC đã chịu ảnh hưởng sâu đậm cách sử dụng từ ngữ cổ và cả đến việc dùng những điển cố, điển tích của người xưa để diễn đạt, thể hiện. Chính điều này dẫn đến việc tiếp nhận của HS ngày nay đối với thơ văn ông gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, quá trình dạy học thơ văn NĐC dưới góc nhìn VHNB, hoạt động chú giải sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp HS vượt qua những khái niệm, phạm trù lạ của từ ngữ cổ cũng như những điển cố, điển tích để tìm ra được vẻ đẹp riêng của thơ văn ông. Hoạt động chú giải thì gồm có chú giải từ và chú giải điển cố:
+ Chú giải từ: do thơ văn của người xưa thường sử dụng rất nhiều từ ngữ cổ để diễn đạt nên rất xa lạ với HS ngày nay, trường hợp thơ văn NĐC cũng không ngoại lệ. Vì vậy, trong quá trình khám phá thơ văn ông, GV cần chú ý đến hoạt động chú giải từ để giúp cho HS hiểu đúng những từ ngữ có liên quan đến VHNB. Ví dụ, dạy học bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thì ngay tựa đề tác phẩm, GV cần yêu cầu HS chú giải các từ ngữ như “nghĩa sĩ” và “Cần Giuộc” để tìm ra được tình cảm và thái độ của tác giả đối với những người nghĩa sĩ nông dân NB. Cụ thể “nghĩa sĩ” là từ Hán Việt để chỉ những người có chí khí, dám hi sinh vì nghĩa lớn để cứu