1.3.1.1. Văn học là bộ phận của văn hóa
Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn bao gồm toàn bộ các ngành, các bộ phận như giáo dục, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ngôn ngữ,… Trong đó, văn học là một bộ phận của văn hóa nên bị chi phối bởi văn hóa. Trong bài viết Văn học và văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương đã khẳng định: “Văn hoá tác động đến
văn học không chỉ ở đề tài mà còn ở toàn bộ bầu khí quyển tinh thần bao bọc hoạt động sáng tạo của nhà văn và hoạt động tiếp nhận của bạn đọc. Bản thân nhà văn với thế giới nghệ thuật của mình được xem là một sản phẩm văn hoá. Người đọc, với chân trời chờ đợi hướng về tác phẩm, cũng được rèn luyện về thị hiếu thẩm mỹ trong một môi trường văn hoá nhất định. Chính không gian văn hoá này đã chi phối cách xử lý đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, sử dụng thủ pháp nghệ thuật,… trong quá trình sáng tác; đồng thời cũng chi phối cách phổ biến, đánh giá, thưởng thức,… trong quá trình tiếp nhận. Một nền văn hoá cởi mở, bao dung mới tạo điều kiện thuận lợi cho văn học phát triển. Vì vậy, có thể nói văn học là thước đo, là “nhiệt kế” vừa lượng định, vừa kiểm nghiệm chất lượng và trình độ văn hoá của một xã hội trong một thời điểm lịch sử nhất định” [118, 20-28].
Không những thế, văn học còn luôn phải chịu sự ảnh hưởng tác động từ truyền thống văn hóa. Bởi truyền thống văn hóa luôn tác động đến văn học thông qua những nhân tố văn hóa, như ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, hoạt động lao động, ăn mặc, đi lại, phong tục, tập quán,… Các nhân tố văn hóa này lại là những điều kiện để góp phần hình thành nên văn học. Chính điều này mà các nhà nghiên cứu thường căn cứ vào văn học để tìm hiểu về văn hóa của một thời đại.
Như vậy, có thể khẳng định, văn học là một trong những yếu tố của hệ thống văn hóa: “văn học không thể và không có quyền qua mặt hệ thống văn hóa để tiếp
xúc thẳng hoặc tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội, mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hóa và chỉ quan hệ được với hệ thống xã hội thông qua văn hóa” [210]. Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng văn học có chức năng phản ánh hiện thực nhưng không thể phản ánh một cách trực tiếp mà chỉ có thể phản ánh thông qua lăng kính văn hóa, hay thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa mà thôi. Tóm lại, văn học là bộ phận luôn tồn tại song hành với văn hóa và không thể tách rời khỏi yếu tố văn hóa.
1.3.1.2. Văn học là một trong những yếu tố bảo tồn giá trị văn hóa
Không có nền văn hóa nào phát triển mà tách rời văn học và ngược lại không có tác phẩm văn học nào mà không có yếu tố văn hóa. Hay nói cách khác, văn học và văn hóa có mối quan hệ gắn bó, khăng khít với nhau. Cho nên, trong văn học luôn chứa đựng văn hóa. Nhờ có văn học mà văn hóa được lưu truyền và phát triển. Tuy nhiên, văn học muốn phát triển thì phải luôn đi song hành với những biến đổi và phát triển của văn hóa. Chúng ta có thể thấy, các phong tục, truyền thống văn hóa của dân tộc trải qua thời gian càng trở nên tốt đẹp, trong sáng và có giá trị hơn là nhờ có văn học bảo tồn và lưu truyền. Chính điều này mà văn hóa được phổ biến rộng rãi và dễ dàng đến được với mọi người, mọi thời đại. Từ đó, văn hóa ngày càng được phát huy và thu hút mọi người biết đến cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn học còn có vai trò nâng cao giá trị văn hóa và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời, văn học còn làm mới những giá trị văn hóa cũng như sáng tạo ra những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Như vậy, văn học có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ được các giá trị của văn hóa, tránh việc mất mát, sai lệch theo thời gian: “Văn học là cái nôi của mọi nền tảng văn hóa, nó góp phần truyền đạt, lưu giữ và nâng cao các giá trị văn hóa của dân tộc. Các phong tục văn hóa, truyền thống văn hóa khi được đưa vào văn học nó trở nên đẹp hơn, quan trọng hơn và tăng thêm phần giá trị. Văn học góp phần làm cho văn hóa dễ dàng được tiếp nhận và ngày càng phát triển rộng rãi hơn” [149].
Tóm lại, văn học là yếu tố rất quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời đại mới. Ngược lại, nếu không có văn học thì các giá trị văn hóa truyền thống sẽ khó có thể được bảo tồn và lưu giữ.
1.3.1.3. Văn học không chỉ tác động, chi phối của văn hóa mà còn chủ động lựa chọn những giá trị của văn hóa
Văn học là bộ phận và bị chi phối bởi của văn hóa, nhưng văn học là yếu tố nổi trội nhất của văn hóa “nếu văn hoá chi phối hoạt động và sự phát triển của văn học, thì ngược lại, văn học cũng tác động đến văn hóa, hoặc trên toàn thể cấu trúc, hoặc thông qua những bộ phận hợp thành khác của nó” [118]. Văn học không phải luôn bị thụ động trước sự chi phối của văn hóa mà là yếu tố luôn tích cực chủ động trong việc tiếp thu và lựa chọn những giá trị văn hóa để bảo tồn và lưu truyền. Tác phẩm văn học nào cũng có các yếu tố văn hóa nhưng không phải là bất kì yếu tố văn hóa nào cũng được đưa vào tác phẩm văn học mà luôn có sự lựa chọn, tìm kiếm những yếu tố văn hóa có giá trị tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất. Cho nên, văn học muốn phát triển thì luôn biết lựa chọn những yếu tố tích cực, tiến bộ của những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời phê phán, loại trừ những yếu tố văn hóa lạc hậu, tiêu cực, phản động,... Bởi nền văn hóa nào bao giờ cũng bao hàm trong đó cả hai phương diện tiến bộ và lạc hậu, hay tiêu cực và tích cực. Việc lựa chọn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là văn học muốn nhằm để tô đậm, đề cao, ca ngợi nền văn hóa dân tộc. Điều này sẽ giúp con người thêm yêu và tự hào hơn về những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của cộng đồng, dân tộc. Và cũng nhờ chủ động lựa chọn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nên văn học trở thành nơi chất chứa những giá trị tinh hoa của dân tộc. Hơn nữa, văn học còn luôn nắm bắt, chọn lựa và kết tinh những giá trị và kinh nghiệm của văn hóa dân tộc để không ngừng phát triển, tiến bộ.
Giữa văn học và văn hoá có mối quan hệ hữu cơ gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời. Cho nên việc tìm hiểu, khám phá văn học dưới góc nhìn văn hoá thì cần phải làm rõ mối quan hệ này để có hướng nghiên cứu khoa học hợp lí, đúng đắn và hiệu quả nhất.