Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp lao động ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 37 - 40)

tranh chấp lao động ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở

Hòa giải là thủ tục bắt buộc khi giải quyết tranh chấp lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, biện pháp này được áp dụng khi các chủ thể có tranh chấp đã thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp nhưng không đạt kết quả và một hoặc hai bên có đơn yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.Với mục đích để các chủ thể có thể dàn xếp bất đồng một cách ổn thỏa trên cơ sở tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các bên trong quan hệ, nên pháp luật đã quy định hòa giải ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là bước bắt buộc đầu tiên và cần thiết nhất trong qua trình giải quyết tranh chấp của các bên (trừ những vụ tranh chấp không nhất thiết phải qua hòa giải theo quy định tại khoản 2 Điều 166 Bộ luật Lao động).

Do tính chất đặc thù của quan hệ lao động mà việc giải quyết tranh chấp ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở có vị trí đặc biệt quan trọng, giải quyết bất đồng của các bên thông qua hòa giải thương lượng và vì vậy hòa giải sẽ tạo điều kiện cho các bên dàn xếp mâu thuẫn trên cơ sở tôn trọng hiểu biết lẫn nhau, tiếp tục quan hệ lao động và có thể phòng ngừa những xung đột tiếp theo.

Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002, Hội đồng hòa giải lao động cơ sở được thành lập trong các doanh

nghiệp có Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời, là tổ chức giải quyết tranh chấp lao động đầu tiên khi một hoặc hai bên tranh chấp gửi đơn yêu cầu.

- Thành phần của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở được quy định tại Điều 163 Bộ luật Lao động và Thông tư 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Người sử dụng lao động hoặc người giữ chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp do người sử dụng lao động cử và đại diện người lao động do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời cử. Do đó, Công đoàn cơ sở có những quyền và trách nhiệm nhất định trong việc thành lập và hoạt động của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, cụ thể:

+ Quyền đề xuất thành lập Hội đồng hòa giải lao động cơ sở: Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời chủ động đề xuất việc thành lập Hội đồng hòa giải, số lượng thành viên, chuẩn bị nội dung để thảo luận với người sử dụng lao động để thành lập Hội đồng hòa giải lao động cơ sở.

+ Quyền cử đại diện Ban chấp hành Công đoàn tham gia vào Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (ít nhất là hai người) trong đó có đại diện bắt buộc là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch.

+ Quyền thảo luận, đề xuất về cơ cấu, nguyên tắc làm việc, hoạt động, quy chế hoạt động của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở: trong đó cần đề xuất thảo luận nhất trí với người sử dụng lao động để xác định rõ trách nhiệm, điều kiện đảm bảo cho Hội đồng hòa giải lao động cơ sở làm việc…

+ Quyền được thay đổi các thành viên của Ban chấp hành Công đoàn trong Hội đồng hòa giải lao động cơ sở: Việc thay đổi, bổ sung này phải có sự thảo luận trước đối với người sử dụng lao động và do người sử dụng lao động quyết định. Quyết định này phải được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về

lao động địa phương, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và các thành viên của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở.

+ Quyền tham gia vào quá trình hòa giải: được tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ các bên tranh chấp, thu thập chứng cứ và đưa ra các phương án hòa giải hoặc tổ chức đối thoại khi cần thiết.

+ Quyền được cung cấp các tài liệu liên quan đến việc hòa giải các tranh chấp lao động.

Những quyền trên còn được hiểu đồng thời là nghĩa vụ mà Công đoàn cơ sở phải thực hiện. Việc thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của Công đoàn cơ sở sẽ giúp cho việc giải quyết các tranh chấp lao động một cách nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian của các cơ quan chức năng khác.

Đại diện Công đoàn đã tham gia Hội đồng hòa giải lao động cơ sở còn có thể tham gia phiên họp với tư cách là đại diện tập thể lao động (đối với tranh chấp lao động tập thể) và có thể với tư cách là đại diện cho người lao động (đối với tranh chấp lao động cá nhân). Cán bộ được cử tham gia Hội đồng hòa giải lao động cơ sở phải theo dõi quá trình hòa giải và có trách nhiệm với Hội đồng hòa giải lao động cơ sở đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét.

Trong trường hợp tham gia theo ủy quyền của người lao động, đại diện Công đoàn bày tỏ ý kiến chấp nhận hoặc không chấp nhận đối với phương án trên, nếu chấp nhận thì hướng dẫn cho người lao động thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành. Còn trong trường hợp hòa giải không thành hoặc trường hợp không thể tiến hành được phiên hòa giải theo luật định (một hoặc hai bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai theo giấy triệu tập hợp lệ mà không có lý do chính đáng), thì Ban chấp hành Công đoàn giúp người lao động có tranh chấp lao động cá nhân làm đơn kiến

nghị kèm theo biên bản hòa giải không thành của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp. Nếu là tranh chấp lao động tập thể, Công đoàn giúp tập thể lao động lập hồ sơ và đề nghị Hội đồng trọng tài lao động cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết.

Khi tham gia phiên họp giải quyết của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở mà Công đoàn thấy kết quả hòa giải không thỏa đáng, gây bất lợi hoặc thiêt hại cho người lao động hoặc tập thể lao động thì Công đoàn có thể khởi kiện với tư cách là nguyên đơn lên Tòa án nhân dân giải quyết.

Việc Công đoàn tham gia vào Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là góp phần bảo vệ người lao động ngay từ khi tranh chấp mới phát sinh. Trong giai đoạn này vai trò của Công đoàn cần phải được phát huy tối đa để nhằm giải quyết được tranh chấp bằng con đường hòa giải, bảo vệ mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 37 - 40)