Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp lao động tập thể ở Hội đồng trọng tài cấp tỉnh

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 40 - 43)

tranh chấp lao động tập thể ở Hội đồng trọng tài cấp tỉnh

Một trong những chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn luôn được khẳng định xuyên suốt trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, đó là chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Ở giai đoạn giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài cũng vậy, sự tham gia của tổ chức công đoàn là để thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ này.

Nếu như hình thức hòa giải là việc tìm kiếm sự thỏa thuận của các bên tranh chấp thì đối với hình thức trọng tài các bên lại tìm kiếm một quyết định cụ thể cho vấn đề giải quyết tranh chấp. Ở một chừng mực nào đó, quyết định của trọng tài sẽ hướng dẫn việc giải quyết các mối quan hệ lao động trong

tương lai giữa hai bên, vì vậy quyết định đó được xem là quan trọng và rất cần thiết.

Do tính chất phức tạp của tranh chấp lao động tập thể mà Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời phải có trách nhiệm đại diện cho công nhân, lao động trong quá trình giải quyết. Vì vậy khi Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải, pháp luật quy định phải có mặt người đại diện theo ủy quyền của hai bên tranh chấp (khoản 1 Điều 171 Bộ luật Lao động) và khi đó Công đoàn cơ sở sẽ là tổ chức đứng ra đại diện cho tập thể lao động tham gia phiên họp hòa giải. Trong phiên họp này Công đoàn cơ sở sẽ xem xét và chỉ chấp nhận phương án hòa giải nếu bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động. Trong trường hợp cần thiết, đại diện của Công đoàn cấp trên Công đoàn cơ sở có thể được mời tham gia phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động cấp Tỉnh (khoản 1 Điều 171 Bộ luật Lao động).

Nếu như việc hòa giải tại Hội đồng trọng tài lao động không thành thì Hội đồng sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp lao động và thông báo quyết định giải quyết (khoản 3 Điều 171 Bộ luật Lao động). Công đoàn cơ sở thay mặt tập thể người lao động đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, Công đoàn có thể thay mặt người lao động yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp (khoản 1 Điều 172 Bộ luật Lao động), nhưng trước hết Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải hướng cho tập thể người lao động yêu cầu Tòa án giải quyết, tạo mọi điều kiện để hai bên có thể đạt được lợi ích cao nhất.

Tóm lại trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động Công đoàn có các quyền và trách nhiệm sau:

- Đối với Công đoàn cơ sở: Thay mặt Người lao động gửi yêu cầu tới

Hội đồng trọng tài lao động khi việc hòa giải tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở không thành; tham dự phiên họp hòa giải của Hội đồng trọng tài lao

động; thay mặt người lao động biểu lộ ý kiến đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động trong trường hợp hòa giải không thành, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động, Công đoàn cơ sở có thể thay mặt người lao động gửi yêu cầu đến tòa án hoặc lấy ý kiến của tập thể người lao động.

- Đối với Công đoàn cấp trên của Công đoàn cơ sở: Tham gia phiên

họp hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể nếu được Hội đồng trọng tài lao động mời tham dự; trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, Công đoàn cấp trên Công đoàn cơ sở có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, bố trí cán bộ theo dõi và cùng Công đoàn cơ sở giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động.

- Đối với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Ban thường vụ quyết định cử người tham gia vào Hội đồng trọng tài lao động(một đại diện chính thức và một đại diện dự khuyết); xem xét mức độ, tính chất, phạm vi tranh chấp xảy ra để cử cán bộ cùng với Công đoàn cấp trên trực tiếp của Công đoàn cơ sở xem xét vấn đề tranh chấp lao động, giúp đỡ cơ sở giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Việc giải quyết thông qua Hội đồng trọng tài lao động một mặt tạo điều kiện thêm cho tập thể lao động và người sử dụng lao động một lần nữa có điều kiện hòa giải và giải quyết những xung đột, tranh chấp trên những cơ sở, phương án tốt đẹp nhất, mặt khác thông qua đó giúp phần nào hạn chế những tranh chấp phải trải qua những giai đoạn tiếp theo gây bất lợi ít nhiều cho người lao động, người sử dụng lao động và cho cả các cơ quan có thẩm quyền cũng như trật tự xã hội. Thông qua đó cũng đã thể hiện được vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ tập thể người lao động.

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 40 - 43)