qui trình xây dựng Thỏa ƣớc lao động tập thể tại doanh nghiệp
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải đối thoại với Chính phủ và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động để xây dựng Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, thỏa thuận định kỳ tăng lương tối thiểu, cách thức tăng lương tối thiểu của ngành. Lợi ích của thỏa thuận cấp ngành sẽ cân nhắc đầy đủ hơn các yếu tố vĩ mô liên quan đến lợi ích chung của người lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trong một nhóm ngành giống nhau và giúp Công đoàn cơ sở giảm áp lực trong thương lượng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Khi có thỏa ước lao động tập thể cấp ngành người lao động sẽ hưởng các lợi ích chung mà ngành đã thương lượng. Công đoàn cơ sở chỉ thương lượng thêm các lợi ích khác dựa trên qui mô sản xuất, kết quả hoạt động của từng doanh nghiệp khác nhau trong ngành.
Bộ luật Lao động cần cụ thể hóa qui trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Qui trình xây dựng thỏa ước lao động tập thể cần cụ thể nhằm giúp người lao động nhận thấy các yêu cầu của tập thể đã được cân nhắc giải quyết và nguyên nhân các yêu cầu của người lao động không được chấp nhận cần được được giải thích thỏa đáng. Khi người lao động hiểu nguyên nhân người sử dụng lao động không chấp nhận các yêu cầu một cách thỏa đáng người lao động sẽ giảm các tranh chấp lao động không cần thiết và giảm được đình công tự phát. Đặc biệt tại các thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về tình hình doanh nghiệp là điều cần thiết vì tranh chấp thường phát sinh trong thời điểm này. Khi qui trình này được qui định cụ thể, Công đoàn cơ sở có cơ sở để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện qui trình theo đúng pháp luật, giảm tranh chấp giữa Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động.