Vai trò của Công đoàn trong việc ngăn ngừa, hạn chế các tranh chấp lao động

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 33 - 37)

cơ quan trên được pháp luật quy định cụ thể. Việc giải quyết của bất kỳ cơ quan nào cũng đều nhằm mục đích là: Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, tạo điều kiện cho các bên tiếp tục quan hệ lại với nhau, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các xung đột tiếp theo, tạo ra sự ổn định trong quan hệ lao động, sự phát triển định của doanh nghiệp nói riêng và điều kiện phát triển nền kinh tế nói chung.

Để hiểu rõ hơn về sự thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong từng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, chúng ta sẽ đi sâu nghiên cứu ở từng giai đoạn giải quyết cụ thể.

1.3.1. Vai trò của Công đoàn trong việc ngăn ngừa, hạn chế các tranh chấp lao động tranh chấp lao động

Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và trong qua trình học nghề (Điều 157 Bộ luật Lao động).

Việc tìm ra nguyên nhân tranh chấp lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra và thực hiện các biện pháp hạn chế tranh chấp lao động cũng như tìm ra giải pháp tối ưu nhằm giải quyết từng tranh chấp lao động cụ thể. Tính từ khi Bộ luật Lao động ra đời cho đến nay, tình trạng tranh chấp lao động xảy ra khá phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung bao gồm một số nguyên nhân chính sau:

- Do mâu thuẫn về lợi ích của hai bên chủ thể không được hòa giải kịp thời;

- Do việc tổ chức quản lý và sử dụng lao động ở tầm vĩ mô cũng như vi mô không theo kịp đòi hỏi của sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay;

- Do cách xử sự không đúng mực của các chủ thể trong quan hệ lao động; do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ chính sách pháp luật và chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động;

- Do thiếu hiểu biết về pháp luật của người lao động…

Với thực trạng tranh chấp lao động phát sinh theo chiều hướng ngày càng gia tăng gây nhiều tác động xấu tới lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như trong lĩnh vực quản lý nhá nước về lao động, Công đoàn cần tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động nói trên, cụ thể là một số hoạt động sau:

* Trong việc tham gia xây dựng nội quy, quy chế lao động ở doanh nghiệp: Nội quy lao động trong các đơn vị sử dụng lao động là văn bản quy định về các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường kỷ luật lao động của đơn vị, là một trong những công cụ, biện pháp quản lý sản xuất, quản lý lao động của người sử dụng lao động.

Nội quy lao động có liên quan mật thiết đến bản thân người lao động và nó có tác động rất lớn đến quá trình thực hiện và duy trì quan hệ lao động. Vì vậy pháp luật đã trao cho tổ chức Công đoàn quyền được cùng với người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xây dựng nội quy lao động, để một mặt đảm bảo cho việc thiết lập những quy định trong đó được đúng pháp luật, mặt khác nhằm để bảo vệ người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất những bất lợi cho người lao động trong khi xây dựng nội quy.

* Trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động: Việc Công đoàn chủ động cùng với các đơn vị sử dụng lao động tham gia ký kết thỏa ước đã thể hiện quyền năng rất lớn của tổ chức Công đoàn nhằm tạo ra những điều kiện lao động tốt hơn cho người lao động đồng thời cũng tạo ra những căn cứ để ràng buộc người sử dụng lao động thực hiện tốt những quy định của pháp luật và những cam kết trong quá trình lao động.

Điều 45 Bộ luật Lao động quy định: Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời đại diện thương lượng thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động. Qua đó Công đoàn càng sâu sát với quần chúng công nhân lao động, hiểu rõ hơn hoạt động của các doanh nghiệp và các chế độ chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân lao động. Công đoàn đại diện công nhân lao động mang tiếng nói chung của công nhân lao động đến người sử dụng lao động, củng cố vị trí, tăng cường vai trò của mình hơn nữa trong đơn vị và qua đó giúp Công đoàn càng làm tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tích cực ngăn ngừa những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong phạm vi của đơn vị.

* Trong việc tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật liên quan tới người lao động:

Một trong những hoạt động của Công đoàn có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra là hoạt động tham gia xây dựng, kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lao động, trách nhiệm này của Công đoàn đã được luật hóa tại Điều 5 Luật Công đoàn.

Công đoàn có quyền kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động (Điều 6 Luật Công đoàn), về hợp đồng lao động, tuyển dụng lao động, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội…(Điều 7 Luật Công đoàn). Công đoàn có quyền tham gia với cơ quan Nhà nước nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động theo quy định của pháp luật (Điều 11 Luật Công đoàn).

Tham gia xây dựng và thực hiện chế độ chính sách liên quan đến người lao động là nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong việc ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra. Thông qua nhiệm vụ này,

Công đoàn Việt Nam ngày càng mang tính xã hội cao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lao động trong tình hình mới.

* Trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động:

Bất cứ tranh chấp nào cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ lao động, đó cũng là yếu tố thuộc về bản chất của quan hệ lao động. Sự mâu thuẫn giữa lợi nhuận và quyền lợi của người lao động luôn tồn tại trong mối quan hệ này và ngày càng gay gắt trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta. Mâu thuẫn có thể phát sinh từ những vi phạm pháp luật lao động hoặc từ ý nghĩ của mỗi bên cho rằng quyền lợi của mình chưa được pháp luật bảo vệ thỏa đáng gây nên tranh chấp lao động mà không hề có sự vi phạm nào.

Nắm rõ điều này, Công đoàn phải tìm cách dung hòa quyền lợi của các bên, xóa bỏ những mâu thuẫn tiềm tàng, tìm kiếm sự thông cảm lẫn nhau trong quan hệ của hai phía. Luật Công đoàn cũng chỉ rõ phương cách để Công đoàn làm việc này có hiệu quả, đó là"

Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng và hiệu quả [34, Điều 4].

Hoặc "Công đoàn có trách nhiệm giáo dục, vận động Người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường" [34]. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng không nên buông lỏng việc tuyên truyền pháp luật cho người sử dụng lao động nhất là trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, khi mà người sử dụng lao động ở đây đa số là người nước ngoài có hiểu biết hạn chế về pháp luật và phong tục tập quán của người Việt Nam.

Qua những điều đã trình bày như trên, chúng tôi muốn chỉ ra vai trò to lớn của Công đoàn các cấp trong việc ngăn ngừa, hạn chế các tranh chấp lao động. Nếu các hoạt động của Công đoàn được đảm bảo thì tất yếu sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn trong việc thiết lập, duy trì và ổn định quan hệ lao động giữa hai bên, và đó cũng là một trong những bước cần thiết để Công đoàn có thể phát huy vai trò của mình khi đại diện và bảo vệ người lao động ở những giai đoạn tiếp theo của quá tình giải quyết tranh chấp.

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)