Thực trạng và những hạn chế sự tham gia của công đoàn trong giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 60 - 64)

trong giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án

Theo quy định tại Điều 11 Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa X), khi Tòa án xét xử tranh chấp lao động phải có đại diện của công đoàn tham dự và phát biểu ý kiến. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật Lao động hiện hành là

"có sự tham gia của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp" [36khoản 4 Điều 158].

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền. Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án là biện pháp mà các bên tranh chấp lựa chọn khi các bước hòa giải không thành. Theo quy định tại Điều 165, Điều 166 Bộ luật Lao động hiện hành; Điều 31 Bộ luật Tố tụng Dân sự, tranh chấp lao động cá nhân chỉ được đưa ra Tòa án khi đã hòa giải tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở nhưng không thành hoặc không tiến hành hòa giải trong thời gian luật định trừ những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Lao động hiện hành là không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở. Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên tranh chấp có thể đưa vụ tranh chấp ra Tòa án khi hòa giải không thành ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở và không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, hoặc hết thời hạn mà các cơ quan này không tiến hành hòa giải (Điều 170, Điều 170a Bộ luật Lao động). Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, xuất phát từ bản chất của các tranh chấp này là "các tranh chấp về việc xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền" [36, khoản 3 Điều 157], cho nên Tòa án sẽ không tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp. Đây là một quy định khá phù hợp, giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp được nhanh gọn và có hiệu quả hơn.

Có thể thấy, việc quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền là tương đối hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở một số quốc gia trên thế giới (Đức, Pháp), việc giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền thực chất là quá trình xem xét mức độ vi phạm của người sử dụng lao động. Do vậy, chủ

thể nhân danh quyền lực nhà nước để phán xét hành vi sai phạm và áp dụng các biện pháp không ai khác ngoài Tòa án. Bản án hoặc quyết định của Tòa án khi có hiệu lực pháp luật sẽ được đảm bảo thi hành bởi cơ quan Thi hành án, nếu các bên không thi hành sẽ bị cưỡng chế. Chính vì thế, hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động là khá cao, góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến quan hệ lao động. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của quan hệ lao động là người lao động thường có vị thế yếu hơn người sử dụng lao động nên cần phải có tổ chức đại diện bảo vệ cho họ. Việc quy định cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của công đoàn trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án là một trong những biện pháp để bảo vệ Người lao động thiết thực hơn, nhằm giải quyết tận gốc tranh chấp lao động, hạn chế ảnh hưởng của chúng đối với sự ổn định của nền kinh tế.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, công đoàn tham gia như thế nào trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án?

Rà soát lại những quy định của Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản có liên quan, tác giả nhận thấy, ở giai đoạn giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, quyền và trách nhiệm của công đoàn quy định không rõ ràng:

Thứ nhất, vai trò đại diện của công đoàn trong quá trình giải quyết

tranh chấp tại Tòa án quy định quá chung chung. Theo quy định tại Điều 11 Luật Công đoàn, khi Tòa án xét xử tranh chấp lao động phải có công đoàn tham dự và phát biểu ý kiến. Với quy định này có thể hiểu theo nghĩa công đoàn là đại diện cho người lao động được không? Công đoàn cấp nào sẽ là đại diện cho người lao động? Nếu công đoàn không tham gia phiên tòa xét xử của Tòa án thì phiên tòa đó có được tiến hành hay không? Trong khi đó, Điều 73 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về người đại diện mà không có quy định về quyền đại diện của tổ chức công đoàn đối với tranh chấp lao động. Thiết nghĩ, để bảo vệ người lao động, cần phải cụ thể hóa những quy định này theo

hướng quy định cụ thể trách nhiệm của công đoàn các cấp khi tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Tòa án.

Thứ hai, quyền khởi kiện vụ án lao động là chưa phù hợp. Theo quy

định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự, công đoàn cấp trên của Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Theo chúng tôi, quy định này chưa hợp lý, bởi lẽ, công đoàn cấp trên của Công đoàn cơ sở sẽ không thể nắm bắt kịp thời được tâm tư, nguyện vọng cũng như nội dung của tranh chấp lao động sâu sắc, cụ thể như Công đoàn cơ sở. Hơn nữa, để có thể khởi kiện ra Tòa án, công đoàn cấp trên cần phải lấy thông tin từ Công đoàn cơ sở, cần phải xác minh thông tin để có được những chứng cứ thuyết phục nhất. Điều này cần tốn nhiều thời gian, trong khi đó tranh chấp lao động là những tranh chấp rất thiết thân với người lao động, cần phải được giải quyết nhanh chóng nhằm sớm dập tắt những bất bình, xung đột, không để tình trạng mâu thuẫn kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tranh chấp cũng như việc hàn gắn quan hệ lao động. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Công đoàn, công đoàn từ cấp cơ sở trở lên có tư cách pháp nhân cho nên Công đoàn cơ sở có khả năng thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật. Do đó, cần bổ sung quy định này theo hướng hợp lý hơn, đảm bảo quyền được bảo vệ của người lao động đầy đủ và hợp lý hơn.

Thứ ba, chưa quy định quyền tham gia xét xử của công đoàn tại hội

đồng xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp lao động. Thành phần xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp lao động gồm một Thẩm phán, hai Hội thẩm nhân dân (Điều 52 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp ở cấp sơ thẩm bởi lẽ, Thẩm phán là người am hiểu pháp luật, Hội thẩm nhân dân phải là người am hiểu lĩnh vực đang tranh chấp. Sự phối hợp giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân sẽ đưa ra những phán quyết hợp lý, hợp tình nhất. Đối với vụ tranh chấp lao động,

với quy định thành phần xét xử chung chung như Điều 52 Bộ luật Tố tụng Dân sự là chưa phù hợp. Cần phải có sự chi tiết hóa để đảm bảo tính chính xác, hợp lý, hợp tình trong phán quyết của Tòa án.

Hiện nay, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng quá trình xét xử các tranh chấp lao động tại Tòa án theo cơ chế ba bên là nhiệm vụ đặt ra để nâng cao hiệu quả xét xử, tạo ra sự tương thích với pháp luật quốc tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp luật lao động, "pháp luật Việt Nam chưa thực sự ghi nhận cơ chế ba bên, nhất là trong giai đoạn xét xử đã làm giảm sút không nhỏ đến hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động [30].

Một phần của tài liệu Vai trò của công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (qua thực tiễn tỉnh thanh hóa) (Trang 60 - 64)