Điểm nóng CT-XH

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 26 - 29)

Khi xảy ra điểm nóng xã hội, nếu không giải quyết kịp thời, hoặc là để bị địch, phần tử xấu lợi dụng kích động quần chúng chĩa mũi nhọn đấu tranh với chính quyền, những trường hợp đó đã làm cho điểm nóng xã hội trở thành điểm nóng chính trị - xã hội. Các công trình nghiên cứu của Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm điểm nóng chính trị - xã hội. Theo đó, điểm nóng chính trị - xã hội là điểm nóng xã hội diễn ra trong lĩnh vực chính trị- xã hội. Khi mà sự chống đối của đám đông quần chúng của lực lượng đối lập đã hướng trực tiếp vào những người nắm quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực và thể chế chính sách của chính quyền Nhà nước [35, tr.38]..

Trong thực tế cho thấy điểm nóng chính trị - xã hội có nguồn gốc từ điểm nóng xã hội; nhưng không có nghĩa là tất cả các điểm nóng xã hội đều phát triển thành điểm nóng chính trị - xã hội. Điểm nóng xã hội chỉ có thể trở thành điểm nóng chính trị - xã hội khi nó không được giải quyết kịp thời, dứt điểm hoặc xử lý sai. Một số điểm nóng xã hội phát triển lên mức độ cao hơn thành điểm nóng chính trị - xã hội như mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân nếu không có biện pháp giải quyết đúng, kịp thời, dẫn tới khiếu tố vượt cấp, đông người, có hành vi quá khích, trở thành cuộc đấu tranh của bộ phận nông dân chống đối chính quyền. Do đó để hạn chế phát sinh điểm nóng chính trị - xã hội thì chúng ta phải hạn chế điểm nóng xã hội xẩy ra và giải quyết tốt các điểm nóng xã hội khi nó đã xảy ra.

Điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị xã hội thường phát sinh vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội hoặc khủng hoảng chính trị - xã hội. Chỉ riêng trong thời kỳ khủng hoảng thời kỳ kinh tế - xã hội ở nước ta vào cuối những năm 70, những năm 80 của thế kỷ trước đã phát sinh trên 3000 điểm nóng, trong đó có một số điểm nóng chính trị - xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội tiếp tục xảy ra. Đáng chú ý là tình hình mâu thuẫn, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, phức tạp ở một số nơi; có sự xung đột căng thẳng giữa người dân với người dân, giữa nhân dân với cán bộ chính quyền địa phương. Do đó, để hạn chế và ngăn ngừa việc xảy ra, điểm nóng chính trị - xã hội, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt những tranh chấp về mặt dân sự, giải quyết kịp thời những khiếu kiện của nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá.

Tuy nhiên, điểm nóng chính trị - xã hội có nổ ra hay không, mức độ, tính chất như thế nào, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là chủ thể cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có giải pháp đúng, quần chúng nhân dân có giác ngộ và nhận thúc đúng thì kể cả khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội vẫn có thể không phát sinh điểm nóng chính trị - xã hội hoặc nếu có xảy ra điểm nóng chính trị - xã hội thì tác hại của nó cũng không lớn. Ngược lại, nếu chủ thể cầm quyền áp dụng giải pháp sai, đi ngược lòng dân, thì không những làm cho khủng hoảng kinh tế - xã hội thêm trầm trọng, mà còn rất khó tránh khỏi nổ ra điểm nóng chính trị - xã hội.

Về nhận thức, chúng ta phải thừa nhận rằng, sự tồn tại của các điểm nóng chính trị - xã hội ở nước ta trong những năm qua là một thực tế khách quan, có tính lịch sử. Trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là khi cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thì các mâu thuẫn phát sinh đụng chạm đến lợi ích của một số cá nhân, tổ chức là điều không thể tránh khỏi. Nếu giải

quyết tốt những mâu thuẫn đó sẽ tạo ra lực đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào cũng có thể giải quyết tốt các mâu thuẫn một cách phù hợp, đúng luật. Do đó mâu thuẫn cứ tích tụ dần, từ đơn giản thành phức tạp, từ diện hẹp phát triển ra diện rộng và khi gặp môi trường, điều kiện thích hợp nó sẽ phát sinh thành điểm nóng chính trị - xã hội. Chính vì vậy, ở nước ta hiện nay, các điểm nóng chính trị - xã hội xẩy ra là một thực tế phải thừa nhận, không có gì xa lạ và khó hiểu. Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các địa phương không hề mong muốn để xảy ra điểm nóng chính trị - xã hội, nhưng vẫn buộc phải chấp nhận, phải đối mặt với chúng và phải tập trung giải quyết chúng. Xét về góc độ nào đó, nếu điểm nóng chính trị - xã hội được phát hiện kịp thời và giải quyết tốt cũng được coi như cơn sốt trong quá trình phát triển đi lên của xã hội. Tuy nhiên, không có những cơn sốt thì vẫn tốt hơn, bởi lẽ điểm nóng chính trị - xã hội không phải là cách duy nhất, tốt nhất để mở đường, là động lực cho sự phát triển của xã hội.

Có hai loại điểm nóng chính trị - xã hội:

Một là, điểm nóng chính trị - xã hội có sự can thiệp của lực lượng phản động trong hoặc ngoài nước, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, đường lối, chính sách để kích động nhân dân đấu tranh. Về hình thức là đòi quyền dân chủ, đòi quyền lợi kinh tế, nhưng thực chất là gây rối loạn xã hội, làm mất ổn định chính trị và cao hơn là gây bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Hai là, điểm nóng chính trị - xã hội xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân, là sự không đồng tình của dân đối với biểu hiện sai trái của đội ngũ cán bộ hay với chất lượng của tổ chức bộ máy. Mục tiêu của cuộc đấu tranh là đòi hỏi phải có sự chỉnh sửa những sai lầm để thực hiện đúng với bản chất của xã hội mà nhân dân mong muốn, đang được nhân dân tập trung xây dựng và bảo vệ.

Ở nước ta, trong những năm qua, phần lớn các điểm nóng chính trị - xã hội đã xảy ra đều thuộc loại thứ 2, tức là do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân,

không có mâu thuẫn đối kháng; chỉ có điểm nóng chính trị - xã hội ở các tỉnh Tây Nguyên xảy ra cuối tháng 01 đầu tháng 02/2001 và đầu tháng 4/2004 là thuộc loại thứ nhất.Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các mâu thuẫn, sơ hở nội bộ để chống phá ta, đặc biệt là tích cực lợi dụng quần chúng, cán bộ, đảng viên và nhân dân bất mãn ở các điểm nóng để móc nối, tập hợp lực lượng biến thành các điểm nóng chính trị - xã hội và bạo loạn. Vì vậy, khi xảy ra điểm nóng, nhất là điểm nóng chính trị - xã hội thì điều hết sức quan trọng là phải phòng ngừa không để địch và phần tử xấu lợi dụng kích động.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 26 - 29)