lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa và giải quyết các điểm nóng CT – XH
Yêu cầu cơ bản để phòng ngừa và giải quyết điểm nóng chính trị - xã hội là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tăng cường, củng cố khối đoàn kết toàn dân, kịp thời phát hiện giải quyết các vấn đề phức tạp mới phát sinh.
Công tác phòng ngừa và giải quyết điểm nóng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền; sự đề cao trách nhiệm phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp.
Phòng ngừa tích cực không để xảy ra “điểm nóng” là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khi đã xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phức tạp, hình thành điểm nóng, phải xác định đúng nguyên nhân, chủ động giải quyết không để việc bé xé ra to, thu hẹp diện, ngăn ngừa, không để vụ việc lây lan sang địa bàn khác.
Quá trình giải quyết điểm nóng phải lấy công tác vận động quần chúng làm cơ bản, lấy pháp luật làm chuẩn mực, phân hoá số xấu, cô lập phần tử quá khích, không để chúng nắm được dân. Việc xử lý các tình huống ở điểm nóng phải mềm dẻo, bình tĩnh và thận trọng, kiên quyết xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật, nhưng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật và đáp ứng yêu cầu chính trị cả trước mắt và lâu dài.
Công tác phòng ngừa, giải quyết điểm nóng chính trị - xã hội trong tình hình hiện nay phải đặt trong mối quan hệ tổng thể đảm bảo ổn định chính trị - xã hội trong toàn quốc, toàn tỉnh, trong mối quan hệ với các vấn đề dân tộc, tôn giáo và quan hệ đối ngoại, không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động và can thiệp hoặc gây sức ép chống ta.