Những diễn biến của điểm nóng CT-X Hở Tam Nông về giải phóng mặt bằng xây dựng cụm Công nghiệp

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 47 - 51)

phóng mặt bằng xây dựng cụm Công nghiệp

2.2.1.1. Diễn biến của điểm nóng:

Theo các văn bản mà UBND tỉnh Phú Thọ cung cấp, tại Nghị quyết số 154/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Thọ ngày 13/10/2008 cùng Quyết định số 4124/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 31/12/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển tổng thể các khu, cụm công nghiêp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020 đều có nội dung quy hoạch điều chỉnh, bổ

sung CCN Cổ Tiết (huyện Tam Nông) thành KCN Tam Nông từ diện tích 30ha lên 350ha giai đoạn 2008 – 2010. Việc đền bù bàn giao giải phóng mặt bằng xây dựng cụm Công nghiệp của tỉnh Phú Thọ, liên quan đến địa bàn ba xã Cổ Tiết, Văn Lương, Tam Cường của huyện Tam Nông và liên quan trực tiếp đến 147 hộ dân, hơn 1400 nhân khẩu.

Ngày 24 tháng 10 năm 2008, huyện triệu tập cuộc họp toàn dân tại hội trường xã Tam Cường cùng các ban ngành của huyện và đại diện Công ty cổ phần Hóa dầu. Nhiều người dân bày tỏ ý kiến phản đối việc lấy đất nông nghiệp ra làm dự án và yêu cầu dự án chuyển vị trí lên đồi rừng. Tuy nhiên, việc thu hồi đất vẫn diễn ra, UBND huyện Tam Nông đã chỉ đạo cán bộ đo đạc, thống kê và tiến hành đền bù để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Ngày 27/10/2008, tỉnh cho 40 người gồm nhiều ngành chức năng gồm cả công an, quân sự của tỉnh, huyện về vận động nhân dân ký để đến ngày 28/11/2008 bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Trong khi không có lệnh thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền đến từng hộ dân mà cũng không cho nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với nhân dân.

Đến tháng 6 năm 2009, khu vực dự án KCN Tam Nông vẫn còn gần 100 hộ dân chưa nhận tiền đền bù vì họ cho rằng giá đền bù rẻ mạt và quy trình xác định đền bù không tuân thủ luật đất đai. Giá đền bù tính ra 33.770đ/m2, tức chỉ khoảng 12 triệu đồng/ sào, như vậy quá thiệt thòi.

Cùng thời gian trên, ông Phạm Công L đứng ra tập hợp các hộ dân làm đơn kiến nghị và cùng 12 người xuống gặp Chủ tịch UBND huyện để chất vấn. Sau khi không được đáp ứng các yêu cầu kiến nghị, ông L cùng một số người đã đi vận động các hộ dân khác và tổ chức họp tại nhà ông vào tối ngày 06/7/2009 bàn các nội dung chống đối và vận động ủng hộ tiền của để tiếp tục đi kiện lên các cấp cao hơn.

Cũng theo đơn tố cáo của ông L: “Nhiều đoàn đến từng nhà vận động người dân ký vào biên bản “Hỗ trợ bồi thường tái định cư…” mà họ gọi đó là “ký đối soát”, họ cho ký hộ, ký cả ban đêm. Những hộ gia đình có xe công nông bị công an bắt về huyện ký vào biên bản bán ruộng mới cho xe lưu hành. Hàng quán bán cây xăng mini đều bị lập biên bản và bắt đình chỉ - nếu không ký vào biên bản. Các giấy tờ liên quan đến chính quyền đều không giải quyết, đăng ký kết hôn cũng đình lại. Cán bộ viên chức tỉnh cho nghỉ về vận động gia đình bán ruộng. Giáo viên bị cán bộ phòng lên vận động ký bán ruộng nếu không sẽ chuyển đi chỗ khác. Đi bệnh viên huyện Tam Nông cũng bị bác sỹ hỏi đã ký bán ruộng chưa?... Sự việc đã khiến nhiều cán bộ bị cách chức, bãi nhiệm, đảng viên bị kỷ luật...”

Từ tháng 8/2009 đến tháng 02/2011 Ông Phạm Công L đã cầm đầu và chỉ đạo nhiều đoàn đi khiếu kiện xuống huyện, lên tỉnh và lên trung ương. Đây là thời điểm nhạy cảm, tập chung cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Chỉ tính riêng lên tỉnh đã có 7 lần với số lượng lần đông nhất khoảng 40 người và lên trung ương 4 lần với số lượng lần đông nhất là 22 người

Trong lá đơn tố cáo dài tới gần 7 trang giấy đề ngày 15/02/2011, mà ông L và đại diện một số hộ dân khác đã ký tên và gửi Tổng thanh tra chính phủ đến lần thứ 3, họ cho rằng việc thu hồi đất như vậy là trái pháp luật: “Việc lấy đất lúa hai vụ có năng suất cao, ổn định tưới tiêu ra làm dự án xây dựng KCN là hủy hoại đất đai, vi phạm pháp luật, trái với nghị quyết trung ương VII khóa X trong chính sách của Đảng, đi ngược lại với Nghị định 69 của Chính phủ, trái với quyết định 232 của tỉnh ủy Phú Thọ ngày 29/9/2008…” Chính những lý do trên mà các hộ dân xã Tam Cường không đồng thuận với việc làm của Hội đồng giải phóng mặt bằng.

Cùng thời gian trên, ông L chỉ đạo các hộ dân cắt cử người thay nhau ra quản lý khu đất không cho bên đấu thầu thực hiện công việc, nếu máy đến làm việc thì đến phá máy và trẻ con nằm lăn ra đất. Các cụ già, phụ nữ lập bàn thờ thần linh và bàn thờ Bác Hồ.

2.2.1.2. Quá trình chỉ đạo xử lý cúa cấp ủy Huyện ủy – Tỉnh ủy:

Ngay sau khi nhiều nhân dân không đồng ý tại cuộc họp ngày 24/10/2008, huyện ủy Tam Nông xác định đây là vấn đề phức tạp. Hơn nữa, qua một số nơi trong và ngoài tỉnh nếu không giải quyết tốt sẽ dẫn đến xung đột vì vậy cấp ủy chỉ đạo tăng cường công tác vận động quần chúng, việc chỉ đạo sát sao bằng việc thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Bí thư thường trực làm trưởng đoàn xuống địa bàn nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân phức tạp, xem xét các việc làm của địa phương có gì không đúng. Cử cán bộ ăn, ngủ và làm việc tại cơ sở tăng cường vận động cá biệt những người có uy tín ở địa phương để làm công tác tuyên truyền; tăng cường lực lượng công an xuống địa bàn nắm bắt tình hình liên quan để đề xuất với cấp ủy, thu thập chứng cứ về những hành vi vi phạm pháp luật của một số người quá khích, nhất là hành vi hủy hoại tài sản (phá máy móc của bên nhà thầu). Đặc biệt coi trọng sự lãnh đạo của chi, đảng bộ cơ sở lãnh đạo nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời huyện ủy cũng chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xuống cơ sở cùng đoàn thể cơ sở vận động đoàn viên, hội viên của mình bình tĩnh tôn trọng pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng.

Tỉnh ủy dưới sự chỉ đạo của Trung ương thành lập đoàn công tác chỉ đạo các ngành bảo vệ pháp luật tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, tính mạng, tài sản của nhân dân, thu thập hồ sơ, chứng cứ về các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cầm đầu và các đối tượng quá khích. Kiềm chế các hành vi quá khích, bảo vệ các đoàn công tác của huyện, tỉnh xuống cơ sở làm việc an toàn.

Khi đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, … nhưng điểm nóng đã xảy ra với mức độ mâu thuẫn ngày càng tăng, sự vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng hơn – việc thu thập chứng cứ của cơ quan công an là đặc biệt cần thiết để phục vụ cho việc xử lý điểm nóng, ổn định tình hình. Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị họp tại huyện Tam Nông thành lập các tiểu ban tiến hành cưỡng chế và bắt các đối tượng cầm đầu.

Trong quá trình giải quyết, cơ quan công an đã khởi tố 7 bị can trong đó có Phạm Văn L cầm đầu. Tòa án nhân tỉnh Phú Thọ tiến hành xét xử lưu động và tuyên án 7 bị can với tộng cộng 75 tháng tù giam và 48 tháng tù án treo trong đó Phạm Văn L 24 tháng tù giam. Cách chức 03 cán bộ chủ chốt, khai trừ khỏi đảng 06 người, buộc thôi việc 02 cán bộ.

Tỉnh ủy, huyện ủy đã tổ chức họp rút kinh nghiệm sau khi ổn định tình hình. Huyện ủy Tam Nông nghiêm khắc nhận trách nhiệm không nắm chắc tình hình ngay từ đầu, không kiêm quyết xử lý, thay thế cán bộ khi phát hiện sai phạm để tình hình phức tạp kéo dài, gay gắt là nguyên nhân để tình hình thêm căng thẳng; các đoàn thể không phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt các chi bộ Đảng, chính quyền xã mất sức chiến đấu trong toàn bộ quá trình xử lý điểm nóng.

2.2.2. Những mục tiêu và nội dung đấu tranh, tố cáo và khiếu nại của nhân dân trong các điểm nóng CT - XH ở Tam Nông

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 47 - 51)