quốc phòng của địa phương với vấn đề điểm nóng CT - XH
Tam Nông là huyện miền núi nằm về phía đông nam của tỉnh Phú Thọ, có tổng diện tích tự nhiên 15.596,92ha, với 20 đơn vị hành chính (19 xã, 1 thị trấn), là huyện có vị trí thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật.
* Vị trí địa lý
Địa giới hành chính của huyện tiếp giáp các địa phương như sau:
Phía Bắc giáp thị xã Phú Thọ; phía Nam giáp huyện Thanh Thủy và Thanh Sơn; phía đông giáp huyện Lâm Thao và Thành phố Hà Nội; phía Tây giáp huyện Thanh Ba, Yên Lập và huyện Cẩm Khê.
Trung tâm huyện Tam Nông cách thành phố Việt Trì khoảng 30km, cách trung tâm thành phố Hà nội khoảng 70km; huyện có đường Quốc lộ 32 và 32C chạy qua. Nằm ở vị trí tiếp giáp với Thành phố Hà Nội có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế và có nhiều lợi thế để trở thành huyện công nghiệp của tỉnh Phú Thọ.
* Đặc điểm đất đai, tài nguyên
- Cơ cấu sử dụng đất của huyện Tam Nông
Với tổng diện tích tự nhiên là 19.359,44 ha, được phân chia theo các loại cơ cấu sử dụng đất như sau: Đất nông nghiệp 10.903,37 ha (gồm: đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa, đất cỏ dùng chăn nuôi, đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm); đất lâm nghiệp 3.545,47 ha (gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ); đất nuôi trồng thủy sản 641,64 ha; đất nông nghiệp khác 0,45 ha; đất phi nông nghiệp 4.306,51 ha.
- Tài nguyên khoáng sản
Theo tài liệu điều tra về địa chất và báo cáo thuyết minh dự án khảo sát đo đạc xác định khu vực quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản, trên địa bàn huyện Tam Nông có một số điểm mỏ và điểm quặng thuộc các loại khoảng sản: Than Bùn tại Cổ Tiết trữ lượng khoảng 450.000 tấn, Mica tại Thọ Văn trữ lượng khoảng 5.000 tấn, Caolin-Fenpats tại Dị Nậu có trữ lượng Caolin khoảng 3.319.000 tấn, Fenpats khoảng 2.991.000 tấn, cát xây dựng tại các dòng sông trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3, cuội sỏi tại Cổ Tiết có trữ lượng khoảng 12.748.800m3 đang thuộc quyền quản lý và khai thác.
Các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện hầu hết chưa được điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác trữ lượng và chất lượng. Qua thăm dò ước tính trữ lượng và chất lượng các mỏ này đều ở mức trung bình và nhỏ, tuy nhiên đây là nguồn tài nguyên quan trọng góp phần phát triển kinh tế của huyện.
* Tình hình phát triển cơ sở hạ tầng
Thời gian qua việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả khả quan trong đó có sự đóng góp quan trọng từ việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, nguồn vốn nước ngoài, nguồn vốn của Doanh nghiệp và nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó tập trung đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế, các công trình văn hoá xã hội, phục vụ dân sinh...v..v; tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tính đến 31/12/2015) là 2.431,8 tỷ đồng.
* Tình hình phát triển kinh tế của huyện
Thu ngân sách hàng năm trên địa bàn huyện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên nguồn thu của huyện hằng năm chỉ đảm bảo được 20% tổng chi trên địa bàn vì vậy ngân sách huyện chủ yếu là nguồn ngân sách cấp từ cấp trên (chưa tự cân đối thu- chi trong huyện). Trong những năm gần
đây mặc dù đã thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhưng còn chậm chưa phát huy được tiềm lực sẵn có trên địa bàn huyện. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã được các cấp chính quyền chú trọng chỉ đạo nông dân thực hiện nhưng hiệu quả còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tam Nông trung bình trong giai đoạn 2010-2015 là 18,44%, giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế năm 2015 đạt 1.398,335 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước.
Giá trị ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần qua các năm với tốc độ trung bình 5 năm là 42,20%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ thương mại cũng tăng trưởng với tốc độ bình quân 5 năm là 11,98%; giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản tăng trưởng với tốc độ bình quân 5 năm là 16,16%.
Tóm lại, cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng tiến bộ, giá trị sản xuất các ngành qua 5 năm đều tăng và tỷ trọng của ngành nông nghiệp, dịch vụ thương mại giảm dần; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần. Giá trị sản xuất bình quân/xã cũng tăng lên qua các năm.