Những mục tiêu và nội dung đấu tranh, tố cáo và khiếu nại của nhân dân trong các điểm nóng CT XH ở Tam Nông

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 51 - 54)

2.2.2.1. Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và những việc làm trái pháp luật của một số cán bộ ở cơ sở, đòi công bằng và dân chủ.

Đây là mục tiêu chủ yếu và xuất phát điểm của điểm nóng chính trị - xã hội ở huyện Tam Nông, thể hiện thái độ bất bình của nhân dân trước những hiện tượng tiêu cực và tham nhũng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt ở địa phương. Điều đó thể hiện ở các lĩnh vực chủ yếu sau:

- Sai phạm trong quản lý đất đai, cấp, bán đất trái thẩm quyền, sử dụng tiền thu từ bán đất để xây dựng điện, đường, trường, trạm không rõ ràng xảy ra ở 11 xã, thị trấn chiếm 55% số xã, thị trấn; để lại quỹ đất dự phòng trên 10% vượt quá quy định; cho đấu thầu đất, thu tiền, chi tiêu vô nguyên tắc gây thất thoát tài sản của Nhà nước và tập thể.

- Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách xã, hợp tác xã như: sổ sách, chứng từ thống kê không đầy đủ; lập chứng từ khống, chứng từ giả, thu tăng thuế, tăng ngày công lao động nghĩa vụ công ích để tham ô; chi phí hội nghị, giao dịch lãng phí không giải trình được, dựng hồ sơ khống miễn giảm thiên tai, …

- Hình thức sai phạm phổ biến là không thực hiện đúng quy trình xây dựng cơ bản, không lập dự toán kinh tế hoặc lập dự toán kinh tế không đúng, quá trình thi công cắt bớt khối lượng, rút bớt nguyên liệu giảm kết cấu, thanh quyết toán khống, thông đồng rút tiền đầu tư chi tiêu và lợi dụng tham ô. Điển hình như công trình xây dựng nghĩa trang ở xã Tam Cường đã quyết toán khống khối lượng 197 triệu.

Mặc dù đã có những sai phạm làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh tế, quyền dân chủ của công dân, nhưng chính quyền xã, huyện lại thiếu trách nhiệm, chủ quan, coi thường ý kiến của dân, không quan tâm đến việc giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng chính sách pháp luật như xã Văn Lương, Xuân Quang; thậm chí có những cán bộ bị khiếu tố còn thách đố dân như ở xã Hiền Quan. Tất cả những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu chính xác trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc thái độ thách đố của những người bị khiếu nại, tố cáo nói trên đều làm cho nhân dân tăng thêm sự bất bình, số đầu đơn tăng thêm sự cay cú, dẫn đến khiếu tố vượt cấp, đông người gay gắt và quyết liệt hơn.

2.2.2.2. Đấu tranh vì những động cơ cá nhân.

Khi điểm nóng ở Tam Cường, Cổ Tiết, Văn Lương xảy ra, bên cạnh những đòi hỏi chính đáng của công dân, thì cũng có một số phần tử coi đây là cơ hội để thực hiện mục đích cá nhân, với động cơ không lành mạnh, mặc dù họ vẫn núp dưới chiêu bài đấu tranh chống tham nhũng, tự đặt ra các tổ chức bất hợp pháp như “Ban chống tham nhũng”.

Đó là những người có tư tưởng bất mãn, mang nặng hiềm khích với số cán bộ đương chức như Vũ Đức Điềm, là bệnh binh ở xã Tam Cường, Trần Đình Huyên, Trần Xuân Vang, Nguyễn Duy Hiếu nguyên là đảng viên, cán bộ xã nghỉ hưu ở xã Cổ Tiết; Cù Xuân Hệ nguyên trung tá Quân đội nghỉ hưu (ở xã Văn Lương), trở thành đầu đơn, quá khích. Họ đã vận động, lôi kéo số đầu đơn các xã khác trong huyện hình thành sự liên kết giữa các đầu đơn, có kế hoạch hưởng ứng (kể cả đóng góp vật chất), huy động đông người đi tỉnh, huyện, Trung ương khiếu tố.

Ở một số xã, do cục bộ địa phương, mâu thuẫn giữa các dòng họ, nhóm, phái, nên động cơ đấu tranh là nhằm lật đổ người khác, tạo thế lực của phái mình, họ mình, thôn mình. Thể hiện rõ nhất là cuộc đấu đá, tranh giành ghế HĐND, Đảng uỷ xã ở Tam Cường. Nguy hiểm hơn, có đối tượng trong nội bộ còn trực tiếp chỉ đạo, giật dây khiếu tố như Vũ Quang Khoan, Phó chủ tịch HĐND xã Tam Cường. Tháng 11-2000 đã chỉ đạo số đầu đơn kích động gần trăm người tràn vào hội trường, gây rối, làm Đại hội Đảng bộ xã phải đình lại. Một số đối tượng lại lợi dụng việc khiếu tố để nhằm mục đích trả thù cá nhân như Trần Văn Được ở xã Cổ Tiết chửi bới, lăng mạ, làm nhục anh Phiên trưởng xóm.

Với những động cơ, mục đích không trong sáng như trên, số đầu đơn quá khích thường lợi dụng mâu thuẫn, khiếu tố, núp dưới chiêu bài chống tham nhũng để dễ bề kích động, lôi kéo đông người tham gia khiếu tố, gây ra

các hành vi trái Pháp luật; làm cho điểm nóng ở trong huyện càng thêm phức tạp. Chính vì vậy mục tiêu đấu tranh tích cực của một số công dân dần dần bị biến dạng, sai lệch, không đúng với ý nghĩa ban đầu. Phương pháp, hình thức khiếu tố đã vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại tố cáo; không còn tính tích cực, xây dựng, thể hiện ý thức, trách nhiệm của những người làm chủ đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm hướng tới mục tiêu công bằng xã hội.

Một phần của tài liệu Hệ thống chính trị huyện tam nông, tỉnh phú thọ xử lý điểm nóng chính trị xã hội hiện nay (Trang 51 - 54)