tại Việt Nam
Qua phân tích pháp luật Cạnh tranh về TTKT và các quy định có liên quan trong một số lĩnh vực pháp luật khác như đã trình bày trong báo cáo Tập trung kinh tế tại Việt Nam 2009 và cập nhật trên đây cũng như từ thực tiễn của hoạt động này trong thời gian 6 năm kể từ khi Luật Cạnh tranh được ban hành, có thể nhận thấy một số điểm cần được bổ sung, hoàn thiện trong môi trường pháp lý về TTKT như sau:
Thứ nhất, Luật Cạnh tranh chưa đề cập đến việc kiểm soát đối với TTKT theo chiều dọc, TTKT hỗn hợp36. Ngoài ra, Luật cạnh tranh cũng chưa đề cập đến việc kiểm soát hình thức liên kết thông qua đội ngũ lãnh đạo, quản lý chung37. Những dạng TTKT này, có khả năng xảy ra trong tương lai cùng với sự đa dạng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường, và có thể gây hạn chế cạnh tranh ở mức độ nhất định hoặc làm gia tăng nguy cơ thỏa thuận giữa các doanh nghiệp sau khi tiến hành TTKT.
Thứ hai, ngoài các quy định có nội dung khái quát và mang tính nguyên tắc trong Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh, và tại
Mục 5, Chương II – Nghị định số 116/2005/ NĐ-CP, hiện nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể. Luật Cạnh tranh vẫn chưa có quy định để trao quyền cho cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc xây dựng nội dung thẩm tra trong thủ tục thông báo, thủ tục miễn trừ các trường hợp TTKT và quy chế kiểm soát TTKT. Nếu khung pháp lý này được hoàn thiện, doanh nghiệp có thể hình dung được phạm vi của quyền tự do kinh doanh liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, góp vốn thành lập doanh nghiệp,… mà họ muốn thực hiện.
Thứ ba, về tổng thể pháp luật liên quan đến TTKT bao gồm các quy định thuộc nhiều chế định pháp luật khác nhau, trong đó cơ bản là pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp, pháp luật về thực hiện quyền góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, pháp luật đầu tư, pháp luật chứng khoán,… Trong các lĩnh vực này, bước đầu đã có sự quan tâm ở mức độ nhất định đến việc kiểm soát kinh tế bằng quy định dẫn chiếu đến các quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định về cơ chế phối hợp giữa các thủ tục kiểm soát TTKT với thủ tục quản lý nhà nước trong việc đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư,… chưa có quy chế liên kết làm việc giữa cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát TTKT là Cục QLCT với các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nói trên. Mặc dù đã có sự liên kết về mặt pháp lý nhưng việc thiếu quy định về cơ chế phối hợp trong quá trình thực thi khiến cho việc kiểm soát TTKT trên thực tế là khó thực hiện.