Nội dung và các lĩnh vực chủ yếu của GDPTBV

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng website phục vụ giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học địa lí 11 THPT ở an giang (Trang 34 - 39)

II. GIÁO DỤC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: TRIẾT LÍ VÀ CÔNG CỤ ĐỔI MỚI DẠY

3. Nội dung và các lĩnh vực chủ yếu của GDPTBV

3.1. Nội dung cơ bản của GDPTBV

PTBV là một công việc phức tạp và có mối quan hệ với mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong quá trình lập kế hoạch và triển khai Thập kỉ Giáo dục vì sự phát triển bền vững (TKGDPTBV), điều quan trọng cần phải làm là duy trì những mối quan

hệ này nhằm giúp cho con người thông qua quá trình học tập sẽ có nhiều cơ hội được ứng dụng những nguyên tắc PTBV vào cuộc sống của họ; đồng thời giúp họ hiểu được những tác động mà hành vi và thái độ của mình có thể gây ra. 15 nội dung cơ bản được đề cập dưới đây và mối quan hệ giữa những nội dung này có nhiệm vụ thông tin cho chúng ta biết những chủ điểm chính của hoạt động giáo dục và học tập vì sự phát triển bền vững. Ngoài ra, 15 nội dung này còn đóng vai trò làm cơ sở xác định đối tượng tham gia và hưởng lợi trong quá trình triển khai TKGDPTBV.

3.1.1. Các nội dung về văn hoá – xã hội

a. Quyền con người: Tôn trọng các quyền của con người là một nhân tố tối cần thiết cho PTBV. GDPTBV phải trang bị cho con người ý thức được quyền đòi hỏi được sống trong một môi trường bền vững.

b. Hoà bình và an ninh: Sống trong môi trường hoà bình và an ninh là nhân tố hết sức quan trọng đối với sự phát triển của con người. GDPTBV hướng con người đến việc tìm kiếm và phát triển các giá trị, kĩ năng xây dựng hoà bình trong nhận thức của nhân loại như đã khắc ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

c. Bình đẳng giới: Các vấn đề về bình đẳng giới luôn được lồng ghép vào các quá trình lập kế hoạch giáo dục - từ lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho đến phát triển tài liệu và các quá trình giảng dạy.

d. Đa dạng văn hoá và hiểu biết về giao thoa văn hoá: Kiến thức bản địa là một kho tàng về tính đa dạng và là một nguồn hỗ trợ chủ yếu trong quá trình nhận thức về môi trường và trong cách thức sử dụng chúng sao cho có lợi nhất cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đưa những kiến thức này vào quá trình học tập sẽ làm tăng mối liên hệ giữa nhà trường và cộng đồng.

e. Sức khoẻ: Các vấn đề liên quan đến sự phát triển, môi trường và sức khoẻ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những người dân khoẻ mạnh và một môi trường an toàn là những điều kiện tiên quyết của PTBV. Môi trường học đường cũng phải lành mạnh và an toàn. Nhà trường không chỉ đóng vai trò là các trung

tâm học tập và giáo dục mà còn phải phối hợp với gia đình và cộng đồng tích cực hỗ trợ cung cấp các dịch vụ, các hình thức giáo dục cần thiết về sức khoẻ.

f. HIV/AIDS: Đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa lớn của nhân loại. Giáo dục là một trong những cách góp phần thúc đẩy sự thay đổi về hành vi, tăng cường sự hợp tác của con người để cùng diệt trừ đại dịch này hiệu quả nhất.

g. Thể chế: Ở tất cả các cấp từ địa phương, quốc gia và quốc tế, PTBV sẽ được thúc đẩy một cách tốt nhất tại những nơi có cơ cấu thể chế rõ ràng, minh bạch. Một cơ cấu như vậy sẽ tạo cơ hội tốt nhất cho GDPTBV được đơm hoa kết trái xét trên khía cạnh có sự đóng góp và tham gia đầy đủ của mọi người dân vào quá trình phát triển các thước đo PTBV và các thể chế tốt.

3.1.2. Các nội dung về môi trường

a. Nguồn tài nguyên thiên nhiên: GDPTBV tiếp tục phát huy tầm quan trọng của giáo dục môi trường trong việc đón đầu một chương trình PTBV có quy mô lớn. Việc xem xét mối quan hệ giữa nguồn tài nguyên thiên nhiên với các vấn đề kinh tế, xã hội sẽ giúp cho người học có thể áp dụng những phương pháp hữu hiệu trong bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới.

b. Biến đổi khí hậu: GDPTBV giúp cho người học nhận thức được rằng phải có sự thống nhất toàn cầu và cần phải có những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu những nguy hại đối với bầu khí quyển, kiểm soát những tác động có hại của hiện tượng thay đổi khí hậu.

c. Phát triển nông thôn: Thất học, đói nghèo, mù chữ và bất bình đẳng giới trong giáo dục có tỉ lệ rất cao tại các vùng nông thôn. Sự mất cân đối giữa thành thị và nông thôn về đầu tư cho giáo dục, về chất lượng dạy học đang ngày một lớn và cần được điều chỉnh. Do đó, các hoạt động giáo dục phải hướng đến việc rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp và năng lực nắm bắt các cơ hội kinh tế, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nông thôn.

d. Đô thị hoá bền vững: Đô thị hóa nhanh chóng là thách thức của nhiều quốc gia hiện nay. Hiện nay, có rất nhiều thành phố lớn phải đối mặt với những thách thức tiềm tàng của PTBV nhưng cũng có nhiều cơ hội đầy hứa hẹn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường ở địa phương, quốc gia và quốc tế. Nắm bắt cơ hội, hạn chế những khó khăn để có được quá trình đô thị hóa bền vững là một nội dung quan trọng của GDPTBV.

e. Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: PTBV bị thách thức ở những nơi mà cộng đồng dân cư đang phải gánh chịu hay bị đe dọa bởi thiên tai. Giáo dục và kiến thức mà giáo dục mang lại cung cấp cho xã hội những chiến lược và phương pháp tự cứu mình cũng như giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

3.1.3. Các nội dung về kinh tế

a. Giảm nghèo: Xuất phát từ quan điểm PTBV, giảm nghèo là mối quan tâm cơ bản của nhân tố kinh tế nhưng chúng phải được hiểu trong mối tương quan với các nhân tố khác đó là xã hội, môi trường và văn hoá. Hay nói cách khác, các mối quan tâm thuộc phương diện kinh tế tuy là chìa khoá của PTBV nhưng lại là một nhân tố cấu thành hơn là một mục tiêu tổng quát.

b. Tinh thần và trách nhiệm tập thể: Phát triển quyền lực kinh tế và những ảnh hưởng về mặt chính trị của các tập đoàn kinh tế lớn sẽ huỷ hoại những tác động và khả năng đóng góp vào sự PTBV. Các vấn đề về thương mại đa phương đang có những ảnh hưởng to lớn đối với PTBV. GDPTBV làm cho người học có khả năng nâng cao trách nhiệm công dân và tăng cường các hình thức hoạt động thương mại một cách có ý thức và trách nhiệm trước cộng đồng.

c. Kinh tế thị trường: Nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay không góp phần bảo vệ môi trường, gần một nửa dân số thế giới không được hưởng lợi từ nền kinh tế này. Một thách thức cơ bản hiện nay là làm thế nào để tạo ra các hệ thống thể chế toàn cầu sao cho vừa hiệu quả về kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường mà vẫn đạt được mục tiêu bình đẳng. Giáo dục là một phần của hệ thống kinh tế và chịu sự tác động của các quy luật cung - cầu, của các hạn mức thuế và các lực lượng kinh tế

khác. Để GDPTBV tìm thấy chỗ đứng của mình trong các hàng hoá giáo dục thì phải tác động đến các quy luật và chức năng hoạt động của thị trường.

3.2. Các lĩnh vực chủ yếu của GDPTBV

GDPTBV lần đầu tiên được đưa ra trong chương 36 của Chương trình Nghị sự 21, chương này đã xác định bốn mũi nhọn của GDPTBV đó là:

 Thúc đẩy và cải tiến giáo dục cơ bản,

 Định hướng lại chương trình giáo dục hiện thời để đón đầu PTBV,  Phát triển nhận thức và hiểu biết của cộng đồng,

 Đào tạo.

3.2.1. Thúc đẩy và cải tiến giáo dục cơ bản

Tiếp cận giáo dục cơ bản vẫn còn là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là các em gái và người lớn thất học. Nếu chỉ đơn giản là tăng cường khả năng biết đọc, viết và làm tính như nhiều nước đang thực hiện thì không thể tạo ra một xã hội phát triển bền vững. Thay vào đó, giáo dục cơ bản phải tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, kĩ năng, giá trị và các lĩnh vực khác nhằm khuyến khích và hỗ trợ công dân có được một cuộc sống bền vững.

3.2.2. Định hướng lại chương trình giáo dục hiện thời ở tất cả các cấp, bậc học để đón đầu phát triển bền vững

Thực hiện cải cách giáo dục từ mầm non đến đại học đòi hỏi phải dựa trên nhiều nguyên tắc, kĩ năng, phương diện hoạt động và các giá trị liên quan đến tính bền vững của ba chân kiềng: xã hội, môi trường và kinh tế. Đây là một việc làm quan trọng đối với xã hội hiện nay và mai sau.

3.2.3. Phát triển nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về bền vững

Để đạt được những tiến bộ hướng tới một xã hội bền vững hơn, đòi hỏi mỗi người dân phải nhận thức được các mục tiêu của một xã hội bền vững và phải có kiến thức và kĩ năng để góp phần vào quá trình thực hiện những mục tiêu đó. Nâng

cao nhận thức về quyền công dân và tiêu dùng hợp lý có thể giúp cộng đồng và chính phủ thực hiện được những biện pháp bền vững nhằm phát triển hơn và hướng tới một xã hội bền vững hơn.

3.2.4. Đào tạo

Tất cả các ban ngành đều có thể đóng góp vào sự PTBV ở địa phương, vùng và quốc gia. Việc xây dựng những chương trình đào tạo chuyên môn phải làm sao để đảm bảo tất cả các lực lượng lao động trong xã hội đều có kiến thức và kĩ năng cần thiết để thực hiện công việc của mình theo cách thức bền vững như đã được xác định là một nhân tố tích cực của GDPTBV.

Một phần của tài liệu Xây dựng và sử dụng website phục vụ giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học địa lí 11 THPT ở an giang (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)